Đường dẫn truy cập

Phó GS: Miễn kỷ luật cán bộ dám nghĩ, dám làm là ‘biện pháp đối phó, không có kết quả’


Ông Đinh La Thăng, một thời được coi là cán bộ dám nghĩ, dám làm, đã phải đi tù vì vi phạm pháp luật VN.
Ông Đinh La Thăng, một thời được coi là cán bộ dám nghĩ, dám làm, đã phải đi tù vì vi phạm pháp luật VN.

Bộ Nội vụ Việt Nam mới đây giới thiệu một nghị định khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, trong đó có quy định những người như vậy có thể được miễn xử lý trách nhiệm trước đảng cộng sản và pháp luật.

Phó giáo sư Mạc Văn Trang, một nhà bình luận thời cuộc có đông đảo người theo dõi trên mạng xã hội, nói với VOA rằng đó là một biện pháp đối phó, sẽ không mang lại kết quả.

Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam cho biết hôm 25/3 rằng dự thảo nghị định của Bộ Nội vụ đề xuất cần phải khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Dự thảo nghị định chứa đựng các quy định theo đó cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của nhà nước.

Theo quan sát của VOA, dự thảo nghị định được đưa ra trong bối cảnh công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam, còn gọi là “đốt lò”, được đẩy mạnh trong những năm gần đây, với nhiều cán bộ bị bắt, cùng lúc, xuất hiện những dấu hiệu công việc bị đình trệ trong bộ máy nhà nước vì các cán bộ còn lại sợ mắc sai phạm, bị kỷ luật.

Bản tin trên Cổng thông tin điện tử chính phủ nói rằng dự thảo nghị định nêu ra một số trường hợp cán bộ dám nghĩ, dám làm được miễn xử lý kỷ luật trước đảng và trước pháp luật.

Đó là khi cán bộ thực hiện một đề xuất đã được cấp có thẩm quyền duyệt nhưng không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra, hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại, với điều kiện là cán bộ thực hiện đề xuất trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, hoặc cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất.

Họ cũng có thể được miễn xử lý kỷ luật nếu như trong quá trình họ thực hiện đề xuất, họ nhận thấy có rủi ro, thiệt hai xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại và báo cáo điều đó với cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện.

Một trường hợp được miễn kỷ luật nữa là cán bộ thực hiện đề xuất phải chấp hành quyết định của cấp trên sau khi đã báo cáo, đề nghị cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện, nhưng cấp có thẩm quyền vẫn quyết định tiếp tục thực hiện.

Phó giáo sư Mạc Văn Trang, 85 tuổi, nói với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh rằng dự thảo nghị định của Bộ Nội Vụ là “biện pháp đối phó” sau khi một loạt quan chức thuộc nhiều ngành, nhiều cấp bị kỷ luật, mất chức, hoặc thậm chí bị truy tố, kể cả hai phó thủ tướng, dẫn đến tâm lý căng thẳng, lo ngại.

Với bề dày hiểu biết của mình, phó giáo sư Trang cho rằng các quan chức ở Việt Nam “làm gì phải có ăn, phải có chấm mút” nhưng khi công cuộc “đốt lò” được đẩy mạnh, các quan chức “sợ nguy hiểm, không dám làm”, do đó, công việc của nhiều bộ, ngành, địa phương bị chậm lại, có nơi ngân sách được rót về song lại không được giải ngân.

Tình trạng đó làm cho chính quyền phải đưa ra giải pháp để khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, phó giáo sư Trang phân tích. Song ông cũng nhận định rằng việc này chỉ có giá trị như một khẩu hiệu vì các cán bộ Việt Nam - những người rất am hiểu bộ máy của chính họ - đều biết rằng chính quyền “nói như thế nhưng không phải như thế”.

“Nói như vậy rồi làm rồi đến lúc có sai phạm rất nguy hiểm. Cái quan điểm, cái khẩu hiệu dám nghĩ, dám làm đưa ra lúc này rất là buồn cười. Đây là giải pháp tình thế và tôi nghĩ không có kết quả đâu vì chẳng ai người ta dại”, phó giáo sư Trang tiên liệu với VOA.

Vị phó giáo sư có khoảng 68.000 người theo dõi trên Facebook nói với VOA rằng giải pháp có tính căn bản để khắc phục tình trạng cán bộ “sợ sai”, chỉ làm việc cầm chừng “cho an toàn” là phải bảo đảm được hai điều.

Thứ nhất, luật pháp phải rất rõ ràng, công khai, minh bạch, có thể kiểm soát được, ông Trang nói. Ông lưu ý rằng cán bộ làm theo nghị quyết của đảng, theo chỉ thị, hay theo phong trào thi đua, v.v… mà luật pháp không rõ ràng, có nguy cơ là cán bộ vi phạm pháp luật.

Điều thứ hai, theo phó giáo sư Trang, việc đánh giá công chức, viên chức phải khách quan, công bằng; những người không làm được việc, tham nhũng phải bị miễn nhiệm, cách chức; ai làm được việc, có năng lực, được nhân dân tín nhiệm sẽ được thăng chức.

Báo chí Việt Nam đưa tin rằng hôm 24/3, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo về dự thảo nghị định nêu trên cùng 2 dự thảo nghị định khác. Có 21/28 lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh, thành phía Bắc đã đóng góp ý kiến, đều thống nhất đối tượng áp dụng của dự thảo nghị định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là tất cả cán bộ công chức, viên chức chứ không chỉ với người giữ chức vụ lãnh đạo.

Một số vị lãnh đạo cấp sở mong dự thảo nghị định sớm được thông qua, áp dụng ngay vào thực tiễn để những cán bộ dám đổi mới được miễn trách nhiệm hành chính, hình sự.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG