Đường dẫn truy cập

Bò dát vàng nhìn từ góc độ biến đổi khí hậu


Biểu tình trong những ngày có hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland, 7 tháng 11.
Biểu tình trong những ngày có hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland, 7 tháng 11.

Vụ Bộ trưởng công an Tô Lâm, một trong những nhân vật quyền lực nhất ở Việt Nam, được bón món bò dát vàng tại London đã kéo theo cả trăm ngàn lời bình luận trên cõi mạng; tuy nhiên chưa mấy ai để ý tới góc độ biến đổi khí hậu của món thịt bò, kể cả khi nó chưa được dát vàng.

Trước khi ăn bò dát vàng ở London, ông Tô Lâm tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26, còn gọi là COP26, ở Scotland mà tại đó ông Chính được báo Tuổi Trẻ dẫn lời nói biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại, thậm chí đe doạ sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư.

Cũng theo Tuổi Trẻ, ông Chính “đề nghị việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.”

Nhưng ông Chính và đoàn tuỳ tùng đã tới Scotland bằng máy bay, phương tiện giao thông gây ô nhiễm bậc nhất trên thế giới. Nếu họ bay hạng thương gia, họ thậm chí đã gây ô nhiễm gấp bốn lần so với đi vé thường, theo phân tích của BBC.

Ngày ông thủ tướng Việt Nam tới Scotland cũng là ngày nhóm đi bộ xuyên Anh tới COP26, mà tôi là một thành viên, tổ chức cuộc đi bộ trên phạm vi toàn cầu một phần để người ta ý thức được rằng đi lại bằng các phương tiện cơ giới và vận tải chiếm tới 25% lượng CO2 thải ra trên toàn cầu mỗi năm.

Kể cả khi các quan chức cao cấp nói rằng họ không thể đi phương tiện khác vì lý do công việc, Covid đã chứng minh rằng làm việc từ xa là hoàn toàn có thể, nếu không phải là với các chính trị gia cao cấp thì cũng là với phần lớn đoàn tuỳ tùng của họ. Nếu tôi có thể đi bộ 650 km trong 26 ngày từ London tới COP26 ở Glasgow thì chuyện các quan chức Việt Nam bỏ ra chừng 10 ngày để đi tàu từ Hà Nội tới London không có gì ghê gớm. Nó cũng cho thấy họ thực sự hành động vì môi trường thay vì nói là chính.

Ngoài chuyện chọn đường hàng không, vốn đóng góp cả thảy 5% lượng khí gây ấm nóng toàn cầu mỗi năm, Bộ trưởng Tô Lâm cũng lại chọn món thịt bò, loại thịt đóng góp nhiều nhất vào biến đổi khí hậu.

Hồi đầu tháng 10/2021, tạp chí Economist của Anh có bài viết với tít “Coi bò như than sẽ giảm đáng kể khí thải nhà kính”.

Economist mở đầu bài với đồ hoạ về chuyện thịt bò gây ra lượng khí nhà kính gấp 31 lần so với đậu phụ còn nhiệt điện than gây ô nhiễm gấp 24 lần so với thuỷ điện.

Bò ợ ra khí me-tan, một trong các loại khí tạo ra chiếc lồng nhốt nhiệt trên trái đất. Bò cũng cần tới những đồng cỏ rộng mà nhiều khi người ta phá rừng để tạo ra. Tạp chí Economist dẫn số liệu cho thấy thịt bò gây ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính gấp bảy lần so với thịt lợn và nói: “Điều này khiến thịt bò là yếu tốt đột biến hơn nhiều trong số các loại thức ăn trong tương quan với [sự khác biệt của] than so với các nguồn điện khác: đốt than chỉ gây ô nhiễm thêm 14% so với dầu, một loại nhiên liệu phổ biến khác.”

Hồi năm 2019, trang New York Times cũng nói 1kg bột mì chỉ gây ra 2,5kg khí nhà kính trong khi 1kg bò kéo theo 70kg khí gây ấm nóng toàn cầu. Trang này dẫn nghiên cứu với dữ liệu về 171 cây lương thực và 16 loại thịt động vật từ hơn 200 nước mà kết luận là Đông Nam Á trong đó có Việt Nam nằm trong số ba vùng gây ra lượng khí thải nhà kính lớn nhất từ thịt động vật. Hai vùng đứng thứ nhất và thứ hai theo thứ tự là Nam Mỹ và Nam Á.

Không phải chỉ bây giờ các nhà hoạt động vì môi trường và các chuyên gia mới cảnh báo về tác hại của việc tiêu thụ thịt bò tới biến đổi khí hậu. Ngay từ năm 2014 báo Guardian của Anh cũng đã dẫn lời một chuyên gia nói rằng ăn ít thịt đỏ hơn là cách giảm khí các-bon tốt hơn là thôi lái xe. Guardian cũng dẫn lời các nhà nghiên cứu nói nuôi bò đòi hỏi đất rộng hơn gần 30 lần so với nuôi lợn hay gà, tốn nước hơn trên 10 lần và thải ra lượng khí nhà kính lớn gấp năm lần.

Có những nhà hoạt động vì biến đổi khí hậu kêu gọi ngưng hẳn việc tiêu thụ thịt đỏ nhưng người ta chủ yếu mong mỗi người ý thức hơn về lượng khí nhà kính mà họ góp phần tạo ra qua thói quen tiêu dùng và sinh hoạt. Các nhà lãnh đạo ở hàng uỷ viên Bộ chính trị như ông Tô Lâm đương nhiên nên làm gương cho người dân. Bớt ăn thịt bò không những có khả năng kéo dài tuổi thọ của ông bộ trưởng mà có khi còn giúp con đường quan lộ của ông thêm thênh thang hơn.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG