Đường dẫn truy cập

Nhân ngày 19 tháng Sáu: Câu chuyện một biệt kích Việt Nam Cộng Hòa


Một sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam tại Mỹ. Hình minh họa.
Một sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam tại Mỹ. Hình minh họa.

Khắc đậm lời thề trên khép súng
Hẹn ngày trở lại nước nhà yên
Trần Thanh

Tôi từng có cơ hội tiếp xúc với các cựu quân nhân thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa ở mọi cấp tướng tá úy trước đây. Tôi cũng có cơ hội trao đổi với nhiều thành phần quân cán chính, kể cả những bác sĩ từng phục vụ trong Thủy Quân Lục Chiến. Những cơ hội này đã để lại nhiều ấn tượng đặc biệt trong tôi về tinh thần chiến đấu hy sinh, về tình yêu quê hương đất nước và cho con người Việt Nam, của người lính Việt Nam Cộng Hòa.

Như đã từng chia sẻ trên Blog này, hiếm ai sống trên đời này mà không trải qua những chấn thương tâm lý hay cảm xúc (trauma) khác nhau. Người lính, dù được huấn luyện và trang bị đến bao nhiêu nữa, sự chết chóc hay thương tích trong mọi cuộc chiến tranh, hẳn sẽ ám ảnh họ mãi. Sự đụng độ và trải nghiệm càng nhiều, thì sẽ càng ghi sâu vào trong bộ óc của một người. Khi chấn thương quá nặng, khả năng bị rối loạn thần kinh, như Post-Traumatic Stress Disorder (PTSD), là khó tránh khỏi. Hình ảnh người dân bị giết chết trong chiến tranh, và các em bé mồ côi, còn ám ảnh mãi trong lòng nhiều người lính. Những người lính thuộc bên đồng minh như Mỹ, Úc v.v… có khi chỉ phục vụ hai năm rồi về lại nước, mà còn bị hệ quả của hậu chấn thương này. Còn những người lính Việt Nam Cộng Hòa thì phải phục vụ mãi, không có sự lựa chọn khi đất nước đang chìm trong khói lửa. Ngay cả khi chiến tranh chấp dứt, sự đầy đọa, trả thù bởi bên thắng trận vẫn chưa ngưng. Nhiều năm tù đầy. Mãi cho đến bây giờ, không còn tù đầy, nhưng vẫn tiếp tục bị bên thắng trận đầy đọa tinh thần, tâm lý. Người lính Việt Nam Cộng Hòa có bao giờ được nguôi ngoai, được có cơ hội lành lặn vết thương!

Mới đây, tôi đã gặp được một người lính Việt Nam Cộng Hòa thật là đặc biệt. Ông tên là Trần Thanh, cư ngụ tại Adelaide từ đầu thập niên 1980. Từ trước đến nay ông chỉ kể lại cuộc đời binh nghiệp của mình cho vợ con trong nhà nghe. Ông hiếm khi nào tâm sự với người ngoài. Có thể vì kể cho người khác nghe không phải là điều ai cũng cảm thấy thoải mái chia sẻ. Nghe vài mẩu chuyện ông kể về cuộc đời binh nghiệp, tôi mong muốn được viết lại câu chuyện này nhân ngày 19 tháng 6, ngày Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Thoạt đầu, ông không mặn mà lắm, mặc dầu ông có nói rằng ý tưởng ngồi xuống viết lại thành sách cho con cháu đã có trong ông từ lâu. Ông định vậy, nhưng cho đến nay, vì mưu toan cuộc sống, ông vẫn chưa thực hiện được. Khi biết tôi muốn viết về câu chuyện của ông, ông bảo rằng câu chuyện của ông cũng đâu khác gì câu chuyện của hàng triệu người lính Việt Nam Cộng Hòa khác. Công khó của hàng triệu người đều gian khổ, hy sinh xương máu, trong cuộc chiến. Ông may mắn còn chân tay lành lặn mặc dù những ngày vào đông, đầu ông vẫn giật lên những cơn đau từng hồi bởi những miểng đạn còn trong đầu.

Thuyết phục lắm, ông Thanh mới chịu đồng ý trao đổi cùng tôi.

Ông Thanh bắt đầu đời lính lúc còn rất trẻ. Ông chia sẻ:

Tôi sinh năm 1948, là con trai trưởng trong một gia đình khá giả ngoài Bắc. Tôi theo thầy mẹ di cư vào Nam năm 1954 và lớn lên tại xã Phước Tỉnh. Tôi tham gia đi lính vào lúc 17 tuổi. Khoảng năm tôi 20 tuổi, tôi lập gia đình, thì sau đó một năm, chúng tôi có được đứa con gái đầu lòng, sinh năm 1969. Các lực lượng tôi từng tham gia bao gồm Biệt kích Mike Force, tiểu đoàn 52, Biệt Động quân, Sư đoàn 25, rồi sau cùng là Biệt kích do Bộ Tổng Tham mưu chỉ huy. Toán Biệt kích của tôi thuộc Quân số 1, Bộ Tổng Tham mưu. Tôi phục vụ cho đến khi tôi 26 tuổi, thì bị bắt vào năm 1974.

Phạm Phú Khải: Ông đi lính lúc 17 tuổi, có phải vì ước nguyện của ông và được sự chấp thuận của ba mẹ ông vào lúc đó không?

Trần Thanh: Thành thật mà nói lúc đó tôi học rất giỏi. Nhưng một phần vì tôi giận thầy tôi, nên tôi muốn chọn con đường không còn bị ràng buộc bởi gia đình. Phần khác, tôi nghĩ trong hoàn cảnh đó, tôi không thể ngồi yên được khi đất nước đang dầu sôi lửa bỏng. Cho nên sự tham chiến của tôi cũng là điều khác thường. Tôi phải đi mượn giấy khai sinh của người khác, khai tên giả, tuổi giả, để tôi có thể được tham chiến. Khi tôi vào quân đội rồi, được phục vụ trong các binh chủng khác nhau, tôi cũng không hài lòng với những nơi này, nên lại tiếp tục mượn giấy khai sinh của bạn bè để nộp đơn xin được tuyển vào các binh chủng gây cấn. Binh chủng tôi phục vụ sau cùng là Biệt kích. Nhiều người biết đến tôi qua tên Trần Thanh, hoặc Mai Văn Kim.

Phạm Phú Khải: Vậy ông ở trong Biệt kích được bao lâu?

Trần Thanh: Tôi ở Biệt kích rất lâu, 6 năm tổng cộng trong cuộc đời binh nghiệp 9 năm. Vai trò của toán chúng tôi cũng đặc biệt. Chẳng hạn, lực lượng Trinh sát là đột nhập vào để quan sát tình hình, không được chạm súng, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng. Sau khi Trinh sát báo cáo tình hình, và trước khi đơn vị Hành quân vào, thì Biệt kích vào trước, để dọn đường và để giải quyết nếu có tình huống khó khăn.

Trong thời gian tôi phục vụ, đó là thời điểm dầu sôi lửa bỏng nhất. Hầu như đụng trận với bên địch 7 ngày trên 10 ngày. Có những đêm bị pháo đến nỗi máu tai máu mũi xịt ra. Không thể nào diễn tả được những tình cảnh như thế. Không cần nói về các vụ đụng trận, chẳng hạn khi đi hành quân, lúc phải đi vệ sinh chừng năm phút thôi là đã có cả trăm con vắt bu vào người. Nếu kể ra cho người không biết thì có thể nói mình nói bậy nói xạo. Vậy là thế nào? Tại vì Đơn vị 3 của chúng tôi đến ngay chỗ đó thì mới biết đó là cái rừng vắt. Còn đi hành quân qua miền Tây thì phải đi qua vùng sình lầy. Đỉa to bằng ngón tay. Nó bu cắn khắp người. Thật ra thì người lính trong quân đội không phải ai cũng trải nghiệm giống nhau. Cho nên, có khi mình trải qua và kể lại chưa chắc những người trong quân đội tin, nói gì người ngoài.

Phạm Phú Khải: Trong cuộc đời binh nghiệp của ông, điều gì làm cho ông không thể nào quên cho đến bây giờ?

Trần Thanh: Tôi từng chiến đấu nhiều mặt trận khác nhau. Nhưng nhớ nhất là mặt trận ở Phước Long. Vào khoảng tầm 4 giờ chiều, nơi đây bị hai trái bom bắn xuống cầu Đắk Lung, chết mấy ngàn người, già trẻ lớn bé. Toàn là dân thôi. Có những gia đình mà có ba bốn đứa nhỏ nheo nhóc, còn bố mẹ gia đình nằm chết dài dài. Thấy xác chết banh thây, không còn gì lành lặn hết. Vào cỡ 9 giờ sáng hôm sau, tôi nhìn thấy một bé gái, chừng 9, 10 tuổi, mặt tái mét, mặc áo nâu ngắn tay, quần đen, ngồi co ro ôm đứa em cỡ một tuổi. Nhìn thấy nó, tôi nghĩ đến con tôi. Tôi đoán con bé đã bế em nó suốt buổi chiều, và qua một đêm. Mà nhiệt độ vào lúc đó chỉ khoảng không độ, rất lạnh. Tôi hỏi bố mẹ con đâu, thì bé chỉ vào các xác chết nằm đó. Gia đình tám xác chết, bố mẹ nằm phơi thây. Con bé ngồi bế đứa em bị sứt mũi, máu me còn dính khô đầy trên mặt. Tôi bảo để chú ôm em cho con một chút thì đứa em dường như nghe thấy, nó vội ôm chặt lấy chị không chịu. Tôi bồi hồi xúc động khi con bé van xin: “Chú ơi chú, chú nuôi con với chú.” Tôi không biết nói sao, cứ ừ lúc đó. Con bé nói tiếp: “Chú nuôi em con nữa chú nhé”. Với tôi, thì cảnh lính chết khi lâm trận là bình thường. Nhưng cả gia đình chết, chỉ còn hai bé nhỏ, vô tội, lại nói với mình những lời như vậy, thì nó ăn sâu vào trong tâm trí, ám ảnh mình, không thể nào quên được.

Các mặt trận như suối Tàu Ô tại quốc lộ 13 (còn gọi là quốc lộ máu), xác Nhảy dù, Biệt Động quân, Thuỷ quân Lục chiến, v.v… nổi lềnh bềnh. Chuyện đó mình thấy thường trong cuộc đời binh nghiệp. Nhưng khi thấy dân làng và trẻ con như thế, sự kiện này cứ mãi ám ảnh tôi từ suốt 50 năm qua.

Phạm Phú Khải: Tinh thần đồng đội trong đời binh nghiệp của ông thì sao?

Trần Thanh: Toán Biệt kích tôi có bảy người, tôi là trưởng toán. Chúng tôi uống máu ăn thề với nhau.

Có những đêm khi xác của đồng đội mình chưa lấy về được, vì bên địch đang cách mình không bao xa, rất nguy hiểm để lấy xác về, thì tôi không làm sao yên giấc được.

Tôi còn nhớ tại Suối Tàu Ô, một người em trong đội tên Phát, to con như Mỹ, cao hơn 1.8m. Đang đi thì bị bắn, nó chết đột ngột quá, chết đứng luôn. Xong rồi Phát gục xuống. Nên đêm đến, tôi quyết định bò lên lấy xác.

Lợi dụng đêm tối trời mưa và giông bão, tôi vắt dây ba lô, dây giầy và dây võng, đủ dài, lấy nhiều sợi. Tôi bò lên một mình. Tay Phát lúc đó cứng quá, nó như gồng lên vậy. Tôi nói với Phát: “Em à, em gồng lên như thế thì anh không thể cột tay em được.” Nói xong thì tay Phát tự nhiên mềm ra. Người Phát cũng như nhẹ hẳn ra. Vì vậy, mặc dầu tôi là người Công giáo, tôi tin con người sống khôn chết thiêng.

Tôi cột xong thì tôi bò thụt lui để kéo xác Phát về. Tôi lấy được xác Phát về đêm đó.

Phạm Phú Khải: Tại sao ông lại làm điều đó, có ai ra lệnh chỉ huy không? Lúc đang làm thì ông nghĩ gì?

Trần Thanh: Tôi không nghĩ gì hết. Không ai bắt tôi làm cả. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến tinh thần anh em đồng đội và nhớ đến lời thề buổi ban đầu đồng sanh cộng tử. Chỉ nghĩ thấy anh em đồng đội mình bị vậy thì mình phải làm, vậy thôi. Phải lấy xác về.

Phạm Phú Khải: Trong cuộc đời binh nghiệp, ông có sợ không? Có sợ chết không?

Trần Thanh: Lúc bắt đầu nhập ngũ, thấy xác chết thì tôi cũng rất sợ. Nhưng sau một thời gian, vì nhiệm vụ của mình, vì không còn sự chọn lựa nào, nên cũng phải hết sợ thôi. Lâu ngày từ nhát thành gan dạ, từ sợ hãi lúc ban đầu khi thấy đạn bắn trên đầu mình 5, 7 mét, sợ hú vía, thì sau này, thay vì sợ, tôi tập lắng nghe tầm đạn nó bay cỡ nào để phỏng đoán, phòng ngừa. Học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm từ các mật khu như Dương Minh Châu, mật khu Hố Bò, Bời Lời, là những địa thế mà đất nó khô, có thể gài mìn, lựu đạn nhiều. Còn miền Tây đất ướt, không gài mìn được. Tuy nhiên, cộng sản nó cũng ghê lắm. Nó chờ cho mình qua bưng rồi nó phục kích, ở những chỗ hiểm nghèo.

Phạm Phú Khải: Ông có bao giờ bắt sống lính cộng sản không? Và nếu có thì cách đối xử của ông với họ ra sao?

Trần Thanh: Tôi đã từng bắt có lúc mười mấy người. Tôi còn nhớ trong người tôi có bao thuốc hút dở dang. Tôi đem phát cho mỗi người điếu thuốc. Tôi quan niệm rằng, người ta cũng vì hoàn cảnh, giống như mình ở bên này chiến tuyến, thì phải đi lính thôi. Trong sự bắt buộc, thì nếu là tôi cũng phải làm vậy. Phải bảo vệ tính mạng của mình và đồng đội thì nhiệm vụ mình phải bắn. Họ cũng thế thôi.

Tâm niệm của người lính VNCH là thêm bạn bớt thù. Không thể thù người lính. Thù là thù chế độ thôi. Không phải người đương đầu với mình trên mặt trận. Cho nên tôi phát thuốc cho họ. Hỏi thăm họ. Hành động đến từ con tim của tôi. Họ có vẻ xúc động lắm. Chính khi tôi phát thuốc cho họ, đơn vị đàn anh nhìn thấy tôi thì vẫn hài lòng hành động của tôi. Không phải tất cả, nhưng có thể nói, đa số người lính Việt Nam Cộng Hòa có tinh thần bao dung như thế.

Phạm Phú Khải: Những lúc đi hành quân như vậy, ông có nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ vợ con không?

Trần Thanh: Trong những lúc hành quân xa nhà, tối đến, ở những nơi rừng sâu nước độc, những nơi vắng lạnh, đèo heo gió hú, tôi nhớ quê nhà da diết. Hình ảnh thân thương cha mẹ, vợ con, anh chị em, cứ hiện ra. Bao nhiêu hình ảnh đó tràn ngập trong tim tôi. Ngay trong giấc ngủ, tôi vẫn nhớ gia đình khôn nguôi, thương vợ thương con. Phập phồng lo sợ sống nay chết mai, đời mình sẽ ra sao. Có chết toàn thây hay cụt chân như bạn bè mình v.v…

Cho nên có lần đi hành quân, đụng trận ở An Lộc xong, tôi được ra ngoài phố. Tôi có mang theo cây súng của mình. Tôi gặp một ông điêu khắc ngay tại chợ. Tôi nhờ ông khắc cho tôi câu thơ trên khẩu súng của mình:

“Khắc đậm lời thề trên thép súng
Hẹn ngày trở lại nước nhà yên”

Trần Thanh

Phạm Phú Khải: Khi ông bị bắt rồi, ông có bao giờ nghĩ ông sẽ có cơ hội sống sót để trở về với vợ con ông không?

Trần Thanh: Tôi còn nhớ như in, chuyến bay cuối cùng thả tôi đến Phước Long mang danh hiệu C123. Không ngờ đó là chuyến bay cuối cùng trong đời binh nghiệp của tôi.

Tôi bị bắt khi bò lên trên đỉnh núi Bà Rá. Mới lên chỉ một phần ba là bị bắn, nằm xỉu luôn. Tôi không nhớ rõ ngày tháng bị bắt, có thể là giữa năm 1974.

Khi tôi bị bắt, bị xiềng xích, đưa vào mật khu Bù Đốp. Không có cơm ăn. Chỉ có củ mì giã nát ra, trộn với chút gạo rang cháy, nấu lên, đảo với nhau, lăn ra cho dễ ăn mà người lính chúng tôi gọi là bánh xe lăn hoặc là bánh xe lãng tử. Rồi muối hột, trộn với gạo rang cháy pha vô cho có chút màu như nước mắm ăn cùng với bánh xe lăn. Trong những tháng đầu ăn như thế, mặt tôi như không còn tí máu. Tôi nghĩ tôi sẽ chết. Chết tại đó thôi. Vì ngày nào cũng thấy khiêng ra 7, 8 xác chết. Lúc đó vì bị hành hạ đối xử và vì ăn uống thiếu thốn, nên sức khỏe kiệt quệ. Có một đêm, tôi vừa rét vừa đói. Tôi thầm khấn nguyện với Chúa rằng: “Lạy Chúa, nếu Chúa định cho con chết tại đây, con xin được chết lành; và xin Chúa cho vợ con của con biết rằng con đã chết ở trên đây.” Lúc đó tôi không nghĩ tôi có thể sống sót được. Hoàn toàn tuyệt vọng. Chỉ nghĩ mình sẽ chết thôi.

30 tháng 4, lúc đó tôi vẫn còn đang bị nhốt ở mật khu Bù Đốt, Phước Long.

Lúc được thả về, tôi mới hay rằng trước khi mất nước, vợ tôi đã lãnh tiền tử của tôi gần một năm trời, nên ai cũng nghĩ tôi đã chết rồi.

Phạm Phú Khải: Lúc ông tưởng mình sắp chết, ông không hề nghĩ là Việt Nam Cộng Hòa sẽ mất?

Trần Thanh: Đúng vậy. Khi tôi bị bắt, trong đầu tôi không bao giờ nghĩ Việt Nam Cộng Hòa có thể thua được Việt Cộng. Lúc đó là khoảng năm 1974. Tôi nghĩ lúc đó có thể bị thất trận, một mặt trận như tại Phước Long, bình thường thôi. Nhưng không thể nào thua cuộc chiến. Không bao giờ tôi nghĩ có thể mất nước. Không thể tưởng tượng, chứ đừng nói là nghĩ đến.

Tôi không thể nghĩ là cộng sản sẽ thắng miền Nam Việt Nam. Tại tôi từng chiến đấu, tôi biết khả năng của Việt Nam Cộng Hòa. Như trong mặt trận An Lộc, thiết đoàn của cộng sản gồm 100 chiến xa, ba công đoàn pháo, ba công trường chủ lực, tương đương với sư đoàn, như công trường 7, 9 và 325 thép và 3 trung đoàn pháo. Đánh An Lộc như vậy mà họ vẫn không lấy được. Hoặc cổ thành Quảng Trị, đánh bao nhiêu lần mà cộng sản vẫn không lấy được. Suối Máu, quốc lộ 13, họ vẫn không chiếm được. Còn Phước Long thì rất nhỏ so với An Lộc, nên không thể so sánh được. Phước Long có mất cũng chỉ là thua trận nhỏ thôi. Nên tôi luôn nghĩ mất mặt trận này là bình thường. Nhưng sẽ không bao giờ thua cuộc chiến.

Phạm Phú Khải: Nếu một ngày nào đó có cơ hội gặp lại những anh em từng sống chết với ông, thì ông sẽ nói điều gì với họ?

Trần Thanh: Cho tới giờ phút này, tôi vẫn còn thương nhớ về những đồng đội của tôi. Thằng Phước, thằng Long, thằng Bé, thằng Bẻng, thằng Phương, hiện giờ sống ở đâu, sống ra sao, trong khi chân cụt, tay cụt v.v… Trong toán thì có hai thằng cụt chân, hai thằng cụt tay, một thằng bể bụng ruột lòi ra mà tôi vừa chạy vừa vác theo, nhưng tôi biết nó vẫn còn sống, ít nhất là sau đó (Kim Hiền thì chết banh xác tại Phước Long và Phát, như đã kể trên thì chết tại trận An Lộc). Còn hiện nay, tôi không rõ các chiến hữu của tôi, các em tôi, ra sao. Tôi chỉ ước mơ làm sao gặp lại một trong những đồng đội này của tôi. Để nhớ nhau mãi trong cuộc đời binh nghiệp. Ước mơ đó không biết có thực hiện được không. Ai sống ai chết, tôi không rõ. Tôi cũng già rồi. Những điều này cứ hiện lại trong đầu tôi. Lâu lâu lại càng thấy nhớ da diết. Có những đêm, tôi vẫn gọi tên đàn em tôi trong giấc mơ.

Có một chuyện tôi nhớ vô cùng về đàn em của mình. Một lần ngồi ăn với nhau, các em ngồi dưới đất, nhường cái nón sắt cho tôi ngồi lên. Khi tôi ngồi trên nón sắt, ăn chưa được nửa chén cơm, thì bị một quả pháo ầm bên cạnh. 4 thằng em của tôi bị dính hết. Lúc đó đầu tôi đội cái nón bo, miểng pháo bay xuyên qua nón, xén một mớ tóc trên chỏm đầu mà tôi may mắn không bị hề hấn gì. Tôi nghĩ các em tôi phải chịu sự hy sinh vì tôi.

Cho nên, nếu nhận ra người từng sống chết với mình, đồng cam cộng khổ với mình, thì đầu tiên chưa nói được gì, ôm khóc trước đã. Bắt buộc thôi. Làm sao nói được. Bây giờ gặp bất cứ đồng đội nào, tôi cũng ôm khóc trước. Khóc cho đã rồi nói sau. Thương họ, như máu thịt của mình thôi. Tại vì ngày đêm sống chung nằm chung. Ở nghĩa địa, rừng sâu, núi thẳm, đều giúp đỡ lẫn nhau. Chia sẻ từng ly từng tí, từ đói no, mọi thứ. Có những đêm đói quá đi kiếm cơm ăn. Đào hầm đào hố trùm bạc ở trên để nấu miếng cơm ăn lót dạ. Nói không thể hết được. Nên tình nghĩa gắn bó sống chết có nhau.

Phạm Phú Khải: Ông muốn con cháu ông, người đời, nghĩ về ông như thế nào?

Trần Thanh: Tôi tự hào làm một người lính Việt Nam Cộng Hòa. Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa phải hy sinh gian khổ để chiến đấu cho sự sống còn của tổ quốc, gia đình, và chính bản thân tôi. Đối với riêng tôi, khi được hòa mình trong đời binh nghiệp rồi, dù trong bất cứ trường hợp hay hoàn cảnh nào, phải bền tâm vững chí chấp nhận mọi sự hy sinh gian khổ để làm tròn bổn phận của người lính. Phải chấp nhận thì mới hoàn thành được nhiệm vụ trong mọi khó khăn, hoàn cảnh, thử thách.

Tôi quan niệm rằng thời trai, trong hoàn cảnh đất nước loạn ly, nhiệm vụ và bổn phận của người trai là phải gánh vác trách nhiệm. Mình phải làm như thế để làm gương cho con cháu sau này. Các thế hệ mai sau hiểu rằng ông bà tổ tiên mình đã dầy công đổ mồ hôi nước mắt và xương máu bảo vệ từng mảnh đất giang sơn mà tổ tiên để lại. Như thế, sau này đất nước có lâm nguy, thì các thế hệ mai sau cũng cần phải có tinh thần như thế để bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Phạm Phú Khải: Cảm ơn ông đã dành cho tôi cuộc trò chuyện đặc biệt nhân ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19 tháng 6. Mong chúc cuộc sống còn lại của ông được bình an và yên vui với gia đình. Hy vọng một ngày nào đó, ông có cơ hội ngồi xuống viết lại hồi ký về cuộc đời của mình, nhất là quãng đời binh nghiệp, để con cháu sau này hiểu rõ ông, hiểu về những người lính Việt Nam Cộng Hòa, và về lịch sử đấu tranh bảo vệ miền Nam.

Vài lời cuối: Gần 50 năm sau, ông Trần Thanh mới đồng ý công khai chia sẻ mẩu chuyện về cuộc đời binh nghiệp của mình. Tôi hiểu rằng những gì ông chia sẻ trong này, kể cả những lần đi hành quân tác chiến, tù đầy bởi cộng sản, hay dằn vặt vì trải nghiệm hậu chấn thương khi cơn đau đến, v.v… chỉ là một phần rất nhỏ và không đáng kể so với những gì đã xảy ra trong cuộc đời ông. Biệt tài, công trạng, huấn luyện (ông đã đậu thủ khoa hàng đầu trong khóa của mình về các bộ môn), nhưng ông không muốn chia sẻ nhiều lúc này. Tôi ước gì có thể viết lại, diễn tả hết được, cái bức tranh tổng thể đó, về con người ông. Những người lính Mỹ, lính Úc tham chiến Việt Nam, khi về nước, tuy bị đối xử bất công lúc ban đầu, nhưng sau này những công trạng của họ đều được chính thức ghi nhận. Còn những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu, và hy sinh, mà không bút mực nào tả xiết, nhưng cho đến nay lịch sử không đứng về phía họ. Viết lại câu chuyện của ông Trần Thành, và hy vọng những người khác, cũng là một trong những nỗ lực nhỏ nhoi để góp phần đem lại sự thật cho giòng lịch sử hiện đại của Việt Nam.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG