Nhưng dưới sâu… sâu nữa
Vạn hồn thuyền nhân sớm tối đi về
Vẫn oan khiên… tràn ngập lòng biển Đông
Với thơ Trần Hồng Châu, tức GS Nguyễn Khắc Hoạch, khoa trưởng trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước năm 1975, chúng ta cùng tưởng niệm ngày 30/4/75 với Biển một thời đau thương trong câu chuyện thơ nhạc Đài VOA đêm nay…
Trong thơ văn nhạc họa, biển như những bài tình ca muôn thuở…
Biển và những đợt sóng chuyên chở những nỗi nhớ nhung của những mối tình say đắm nồng nàn, những đợt sóng ngậm ngùi của những mối tình lỡ làng, trái ngang… Dù sao đi chăng nữa, biển trong những bối cảnh ấy bao giờ cũng lãng mạn, đắm say.
Cám ơn em dịu dàng đi bên cạnh
Biển ngoài kia xanh quá nói chi nhiều
Núi gần quá, sóng và em gần quá
Anh đủ lời để tỏ một tình yêu…
Giọng hát Quang Minh và ca khúc Biển Vẫn Đợi Em của Đoàn Vi Hương lần đầu tiên phát thanh trên làn sóng đài VOA. Vâng, họ còn rất trẻ nhưng cũng rất tài năng, vừa xuất hiện trong sinh hoạt văn nghệ hải ngoại năm qua.
Có một thời, một thời không xa lắm đâu, biển vừa là nỗi mong đợi, là ước mơ, nhưng lắm khi cũng mang đến những tai họa cho người dân Việt tìm đường bỏ nước ra đi để được nhìn thấy ánh sáng tự do phía chân trời xa lạ. Những người dân Việt ấy, lòng yêu quê hương vẫn tràn đầy, tình yêu đất nước vẫn sâu đậm, nhưng họ không còn cách lựa chọn nào khác hơn: Tìm cái sống trong nỗi chết.
Chúng ta sẽ nghẹn ngào, xúc động biết bao nhiêu khi lắng nghe Khánh Ly hát bài Đêm Chôn Dầu Vượt Biển, sáng tác của Châu Đình An. Ông viết trong những ngày tháng khi chuyện vượt biển tìm tự do của người dân miền Nam lên tới cao điểm. Với bao nguy hiểm đợi chờ. Lòng biển sâu như một thủy cung đen, một nghĩa địa lớn. Sóng nước như cùng đong đưa giấc ngủ ngàn đời…
Chưa có một thống kê chính xác, nhưng người ta ước tính, 2/3 khối người Việt tỵ nạn Cộng sản sống trên khắp thế giới là thuyền nhân. Cứ một thuyền nhân đến được đất liền thì có khoảng bao nhiêu người bỏ mình trong lòng biển sâu? Đó là điều không ai biết rõ.
Cách đây nhiều năm, tác phẩm Hành Trình Biển Đông, gồm nhiều chuyện kể do chính các thuyền nhân còn sống sót ghi lại. Đọc, chúng ta rùng mình kinh sợ và không ngăn được dòng nước mắt, giống như khi xem từng thước phim trình chiếu những con thuyền chật ních người, thật mỏng manh giữa trùng khơi mênh mông. Trên mỗi con thuyền ấy, chồng chất những tấm thân gầy còm, kiệt sức và tơi tả vì đói khát, bệnh tật. Vì mưa sa bão táp và vì sự dập vùi tàn ác của cướp biển.
Ôi đau thương, biển khơi cuồng nộ đầy máu và nước mắt của dân tộc tôi…
Nhân loại thế giới rúng động.
Sự ra đi tìm Tự Do của người Việt Nam bắt đầu từ tháng 4 năm 1975 liên tục trên dưới mười năm trời, có thể nói là một thiên hùng ca bi tráng của lịch sử dân tộc.
Biển Đông nghìn trùng cơn sóng vỗ
Biệt ly với những đoạn trường…
(Kd)
EM BÉ VIỆT NAM VÀ VIÊN SỎI
Bé thơ ơi cuộc đời em viên sỏi
Khóc một lần nước mắt chảy thiên thu
- Viên kẹo tròn nầy để dành cho Mẹ
Viên kẹo vuông nầy để lại cho Ba
Viên kẹo nhỏ nầy để qua cho chị
Viên kẹo lớn nầy để lại cho em
Còn viên kẹo thật to nầy... là phần Bé đấy
Bên bờ biển Palawan
Có một em bé gái
Tuổi mới chừng lên sáu lên năm
Ðang ngồi đếm từng viên sỏi nhỏ
Và nói chuyện một mình
Như nói với xa xăm
- Em đến từ Việt Nam
Câu trả lời thường xuyên và duy nhất
Hai tiếng rất đơn sơ mà nhiều người quên mất
Chỉ hai tiếng nầy thôi
Em nhớ kỹ trong lòng
Em chỉ ra ngoài Ðông Hải mênh mông
Cho tất cả những câu hỏi khác
Mẹ em đâu?
- Ngủ ngoài biển cả
Em của em đâu?
- Sóng cuốn đi rồi
Chị của em đâu?
- Nghe chị thét trên mui
Ba em đâu?
Em lắc đầu không nói
- Bé thức dậy thì chẳng còn ai nữa
Chiếc ghe nhỏ vớt vào đây mấy bữa
Trên ghe sót lại chỉ dăm người
Lạ lùng thay một em bé mồ côi
Ðã sống sót sau sáu tuần trên biển
Họ kể lại em từ đâu không biết
Cha mẹ em đã chết đói trên tàu
Chị của em hải tặc bắt đi đâu
Sóng cuốn mất người em trai một tuổi
Kẻ sống sót trong sáu tuần trôi nỗi
Ðã cắt thịt mình lấy máu thắm môi em
Ôi những giọt máu Việt Nam
Linh diệu vô cùng
Nuôi sống em
Một người con gái Việt
Mai em lớn dù phương nào cách biệt
Nhớ đừng bao giờ đổi máu Việt Nam
Máu thương yêu đã chảy bốn ngàn năm
Và sẽ chảy cho muôn đời còn lại
- Viên kẹo tròn nầy để dành cho Mẹ
Viên kẹo vuông nầy để lại cho Ba
Viên kẹo nhỏ nầy để qua cho chị
Viên kẹo lớn nầy để lại cho em
Còn viên kẹo thật to nầy... là phần Bé đấy
Suốt tuần nay em vẫn ngồi
Một mình lẫm bẩm
Ngơ ngác nhìn ra phía biển xa xôi
Như thuở chờ Mẹ đi chợ về
- Thật trể làm sao
Em tiếp tục thì thầm
Những câu nói vẫn vơ
Mẹ ngày xưa vẫn thường hay trách móc
Em cúi đầu nhưng không ai vuốt tóc
Biển ngậm ngùi mang thương nhớ ra đi
Mai nầy ai hỏi Bé yêu chi
Em sẽ nói là em yêu biển
Nơi cha chết không tiếng kèn đưa tiễn
Nơi tiếng chị rên
Nghe buốt cả thịt da
Nơi Mẹ chẳng về dù đêm tối đi qua
Nơi em trai ở lại
Với muôn trùng sóng vỗ
Bé thơ ơi cuộc đời em viên sỏi
Khóc một lần nước mắt chảy thiên thu.
Khi biên soạn chương trình này, Bích Huyền đã phải ngưng nhiều lần vì cảm thấy lòng trĩu nặng! Và ngay lúc này đây nghe bài hát Em Bé Và Viên Sỏi, Phan Văn Hưng soạn theo thơ Trần Trung Đạo, với phần diễn tả của chính tác giả Phan Văn Hưng và giọng hát của em bé Đào Ái Hòa. Bích Huyền biết mình không tránh khỏi sự xúc động nghẹn ngào… Vâng, nỗi đau riêng đã trở thành nỗi đau chung của dân tộc. Nỗi đau thương đó đã trở thành một quá khứ tối đen, trở thành một trang sử đau buồn của dân tộc Việt Nam…
*Những ca khúc trong chương trình:
-Biển Vẫn Đợi Em, nhạc và lời của Đoàn Vi Hương, giọng hát Quang Minh
-Đêm Chôn Dầu Vượt Biển, nhạc và lời của Châu Đình An, giọng hát Khánh Ly
-Em Bé Và Viên Sỏi, thơ Trần Trung Đạo, Phan Văn Hưng phổ nhạc, giọng hát Phan Văn Hưng và bé Đào Ái Hoa
Nhân ngày 30 tháng 4, chúng ta cùng tưởng niệm những người đi tìm tự do đã bị vùi sâu trong rừng sâu và dưới lòng biển cả…
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Giới phân tích: Chuyến đi của ông Phan Văn Giang đến Mỹ có thể mở đường cho thỏa thuận C-130
2Các tàu Trung Quốc cập cảng Cam Ranh trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm Mỹ
3Trump tuyên bố sẽ trục xuất người Haiti khỏi thành phố ở Ohio nếu đắc cử
4Biden sẽ bàn chiến lược chiến tranh với Zelenskyy, chuẩn bị hỗ trợ thêm
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!