Đường dẫn truy cập

Cựu giới chức Australia tố cáo nạn gian lận tràn lan của dân tị nạn Trung Quốc


Tiến trình xin quy chế tị nạn tại Australia đang thường xuyên gặp tình trạng gian lận từ những ứng viên nộp đơn từ Trung Quốc, theo tố cáo của một cựu viên chức về di trú của Australia. Theo tường trình của thông tín viên Phil Mercer từ Sydney, các giới chức của Australia và Trung Quốc có dính líu vào âm mưu gian lận này.

Năm ngoái có hơn 6.000 người xin tị nạn đáp máy bay tới Australia, nhiều nhất là nhóm người đến từ Trung Quốc. Các nhóm nhỏ khác đến từ Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.

Đa số dân tị nạn Trung Quốc vào Australia bằng visa du học hay du lịch, rồi sau đó nộp đơn xin quy chế tị nạn.

Bà Patricia Cruise là viên chức di trú chuyên cứu xét đơn xin tị nạn đã 8 năm nay. Bà cho biết các đơn xin tị nạn từ Trung Quốc thường gian lận với sự tiếp tay của các nhân viên di trú thoái hóa, bày cho các ứng viên học nằm lòng những kịch bản giả tạo và đưa cho họ ký vào các giấy tờ giả mạo. Bà nói:

“Điều này thật sự làm mất lòng tin của người dân vào hệ thống phụ trách di trú ở Australia. Một mặt chúng ta thấy có nhiều thuyền bè cập bờ Australia chở theo đa số là những người tị nạn theo đúng nghĩa. Còn những người đáp máy bay tới đây với một tấm visa hợp lệ thường dựa trên những thông tin và giấy tờ giả mạo. Dịch vụ chuyên cung cấp giấy tờ giả được quảng cáo công khai tại các thành phố ở Trung Quốc và cũng không hiếm thấy ở Sydney.”

Theo tố cáo, dân xin tị nạn Trung Quốc thường được các nhân viên di trú mách nước giả làm thành viên trong phong trào Pháp Luân Công hay các nhóm Thiên Chúa giáo bị cấm ở Trung Quốc để thuyết phục giới hữu trách Australila cho phép họ lưu lại Australia tị nạn.

Ông John Deller thuộc Hiệp hội Pháp Luân Công ở New South Wales cho rằng đang có tình trạng lạm dụng tràn lan:

“Có rất nhiều người chúng tôi không hề quen biết xuất hiện trước các biểu ngữ của chúng tôi để chụp hình. Trước đây, chúng tôi từng nghe một số nhân viên di trú bảo người ta đi xin thư giới thiệu từ Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp để có được sự bảo vệ.”

Cục Di trú của Australia chưa phản hồi trước những cáo giác này, nhưng tuyên bố trong một thông cáo rằng mỗi trường hợp xin tị nạn đều được xét duyệt trên tính chính đáng.

Trong khi phần lớn tranh cãi chính trị tại Australia tập trung vào các trường hợp vượt biển bất hợp pháp từ Indonesia tới Australia để xin tị nạn, các đảng lớn ở Australia ít đề cập tới những trường hợp sang Australia xin tị nạn bằng đường hàng không.

Hằng năm, Australia cấp visa cho khoảng 13.000 người tị nạn, chiếu theo một số hiệp ước quốc tế.

Hiện có khoảng 90.000 người Trung Quốc xa xứ hiện đang học tập ở Australia mặc dù số lượng đã giảm bớt trong năm qua vì đồng đô la Australia tăng giá và các chính sách di trú chặt chẽ hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG