Đường dẫn truy cập

Số người Mỹ gốc châu Á tình nguyện vào quân đội Mỹ ngày càng tăng


Quân đội Mỹ gồm toàn những người tình nguyện và là một tập hợp các sắc tộc
Quân đội Mỹ gồm toàn những người tình nguyện và là một tập hợp các sắc tộc

Quân đội Mỹ toàn người tình nguyện là một tập hợp các sắc tộc. Tuy nhiên gần đây, số người Mỹ gốc châu Á tình nguyện nhập ngũ tăng với một tỉ lệ đáng kể. Thông Tín Viên VOA Lonny Shavelson tìm được một số lý do đưa đến sự thay đổi này.

Người Mỹ gốc châu Á chỉ chiếm 10% dân số thành phố New York nhưng lại chiếm 14% quân số mới tuyển mộ của quân đội Mỹ.

Con số này nổi bật nhiều hơn nữa tại các thành phố thuộc bang California. Tại vùng Vịnh San Francisco chẳng hạn, 42% quân số được tuyển mộ từ đầu năm đến nay thuộc gốc châu Á, vượt xa tỷ lệ dân số tại đây.

Hai anh em sinh đôi Albert và Barry Huang, 18 tuổi, là những người mới được tuyển mộ. Cả hai nói tiếng Quảng Đông trong gia đình và nói tiếng Anh ngoài đời. Barry cho biết:

“Cha mẹ tôi luôn luôn thúc đẩy chúng tôi vào đại học. Do đó đây là bước đầu chúng tôi làm. Chúng tôi làm những gì cha mẹ muốn chúng tôi làm. Chúng tôi sẽ vào đại học và có được học vấn. Hiện giờ kinh tế đang đi xuống và học phí lại gia tăng, quân đội có thể trả tiền để chúng tôi vào đại học, do đó chúng tôi vào quân đội.”

Các bậc cha mẹ người Mỹ gốc châu Á có truyền thống chú tâm đến giáo dục đang phải đối diện với tình trạng kinh tế nước Mỹ đi xuống và chi phí đại học tăng vọt.

Do đó, những lợi điểm về giáo dục trong quân đội Mỹ trở thành hấp dẫn đặc biệt. Đó là một lý do khiến cho người Mỹ gốc châu Á gia nhập quân đội.

Tuy nhiên đây không phải là toàn cảnh của câu chuyện.

Ông Ken Mochizuki là đồng tác giả một cuốn sách viết về người châu Á trong quân đội Mỹ. Ông vạch ra rằng những người lính Mỹ thế hệ trước đây đã chiến đấu chống lại người Nhật trong thế chiến thứ hai, chống lại người Triều Tiên và người Việt Nam.

Ngày nay, những người lính trẻ được sinh ra sau những cuộc chiến tranh này và ít lo lắng về quân đội. Và thế hệ hiện nay của nhiều người Mỹ gốc Đông Nam Á có cha mẹ là những người từng sống trong các trại tị nạn trước khi định cư tại Mỹ:

“Họ muốn chứng tỏ lòng trung thành đối với đất nước này và muốn chứng tỏ họ cũng là người Mỹ như các người khác.”

Tuy nhiên, con số người gốc châu Á tình nguyện nhập ngũ gia tăng không có nghĩa là ở ngoài tiền tuyến cũng có nhiều người gốc châu Á. Ông Mochizuki cho biết:

“Đa số quân nhân gốc châu Á thuộc các đơn vị hậu cần, kỹ thuật,chuyên viên máy tính và quân y.”

Tiến sĩ Betty Maxfield là người đứng đầu bộ phận trông coi về dữ liệu nhân viên. Bà nói những người gốc châu Á thường phục vụ tại các đơn vị không tác chiến hơn là tại tuyến đầu.

Họ thường cố gắng để được huấn luyện trong các công việc sau này có thể chuyển sang đời sống dân sự, như công nghệ hay y khoa, hơn là học về vũ khí hay bắn cho giỏi.

Anh Barry Huang nói là đối với anh, chọn những vai trò không tác chiến cũng thuộc vấn đề văn hóa và tôn giáo:

“Gia đình tôi theo đạo Phật. Điều này ảnh hưởng đến tôi. Khi tôi quyết định gia nhập vào quân đội, tôi nghĩ là tôi sẽ không giết ai, tôi không muốn giết người nào. Tôi không muốn có một cái chết của người nào trong lương tâm của tôi.”

Việc thấy rõ có nhiều người Mỹ gốc châu Á phục vụ trong quân đội Mỹ làm cho binh nghiệp càng ngày càng được những người gốc châu Á chấp nhận.

Tướng 4 sao hồi hưu Eric Shinseki, một người gốc Nhật, hiện là Bộ trưởng Cựu Chiến binh. Thiếu tướng Antonio Taguba, một người gốc Philippines, cầm đầu cuộc điều tra nhà tù Abu Ghraib ở Iraq.

Lý do mạnh mẽ nhất khiến cho người Mỹ gốc châu Á gia nhập quân đội ngày càng tăng có lẽ là họ thấy những người có ngoại hình như họ cũng có thể trở thành những sĩ quan cao cấp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG