Đường dẫn truy cập

Hãy để cho ‘nền ngoại giao thầm lặng’ ấy lụi tàn!


Phiên họp ASEAN tại Jakarta, Indonesia, 24 tháng Tư.
Phiên họp ASEAN tại Jakarta, Indonesia, 24 tháng Tư.

Hoàng Trường (Gởi VOA từ Sài Gòn)


Hội nghị thượng đỉnh ASEAN hôm 24/4/2021 được cho là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 54 năm của Hiệp hội. Đây là lần đầu tiên, ASEAN nhóm họp ở cấp cao nhất, chủ yếu để giải quyết cuộc khủng hoảng của một quốc gia thành viên. Tuy Thượng đỉnh đã thống nhất được 5 điểm về giải quyết khủng hoảng tại Myanmar, nhưng theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, quá trình thực thi còn cả một chặng đường dài phía trước.

Cuối tuần qua, Văn phòng của Ban thư ký ASEAN từ Jakarta cho biết, ngày 24/4 các nhà lãnh đạo Hiệp hội đã đạt được đồng thuận về một kế hoạch với Thống tướng Mynamar Min Aung Hlaing để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Myanmar đang chìm trong bạo lực và đang tiến gần hơn tới một cuộc nội chiến đẫm máu. Đây là kết quả được cho là khả quan tại một Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN được triệu tập nhờ sự vận động của Indodnesia.

Theo các nguồn thạo tin, các bên dự họp đã thống nhất bao gồm việc bắt đầu đối thoại, chấm dứt bạo lực, cho phép viện trợ nhân đạo, thả các tù nhân chính trị và chỉ định đại diện đặc biệt của ASEAN về vấn đề Myanmar. Tuy nhiên, trên giấy trắng mực đen, giới quan sát không thấy nội dung thả các tù nhân chính trị hiện vẫn còn bị giam giữ trong các nhà tù của quân đội. Trong số này có bà Suu Kyi và hàng ngàn các tù nhân chính trị khác.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi về thành tựu được công bố khi cuộc Hội nghị Cấp cao chưa có tiền lệ để lại hàng loạt hoài nghi khó giải đáp. Thứ nhất là 3/10 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước ASEAN đã vắng mặt tại Thượng đỉnh. Tổng thống Duterte của Philippines, các Thủ tướng Prayut Chan-o-cha của Thái Lan và Thongloun Sisoulith của Lào đã viện cớ vì đại dịch Covid hoành hành trên các nước này nên chỉ cử cấp được uỷ quyền đến dự.

Thứ hai là nội dung khá mập mờ của thông cáo từ Chủ tịch ASEAN. Làm thế nào mà Thống tướng Min Aung Hlaing, Chủ tịch Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC) lại có thể đưa ra cam kết kiềm chế lực lượng an ninh của ông, vốn được cho là thủ phạm tàn sát 745 người kể từ khi phong trào biểu tình rầm rộ trên khắp đất nước Myamar nhằm phản đối cuộc đảo chính ngày 1/2 do chính ông cầm đầu. Các cuộc biểu tình cũng đòi phóng thích các tù nhân chính trị.

Thứ ba là lập trường của Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG), cũng như đòi hỏi phải thả các tù nhân chính trị đã không được nhắc tới trong phát biểu và các tuyên bố chính thức cũng là một điều khó hiểu. Hình như đây là thoả hiệp miệng, không ghi trong thống nhất 5 điểm. Trước đó, từ tháng 3/2021, Ngoại trưởng Philippines Locsin đã kêu gọi phải “thả ngay lập tức” bà Suu Kyi và nói rằng Manila “quan ngại sâu sắc” về các diễn biến ở đất nước Myanmar.

Thứ tư là khả năng dàn xếp sự phân hoá giữa các thành viên ASEAN. Hiệp hội dường như bị chia cắt dọc theo ranh giới địa lý, với các nước “đại lục” (hay đất liền) gần Trung Quốc nhất – phản đối việc can thiệp vào Myanmar – với các nước “hải đảo” (hay biển đảo) xa Trung Quốc nhất – ủng hộ những can dự mạnh mẽ. Làn ranh giữa hành động và không hành động tiếp tục là giải phân cách khó bỏ qua giữa hai loại nước này trong cộng đồng 10 nước ASEAN.

Trong số các nước thuộc nhóm chủ trương phải “can dự” vào tình hình Myanmar, chủ nhà Indonesia đã nỗ lực nhất để có một phản ứng chung đối với cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, việc thuyết phục chín quốc gia khác có lập trường thống nhất sẽ là một thách thức không kém gì việc thuyết phục chính quyền quân sự Myanmar chấm dứt đàn áp dân thường và giảm leo thang cuộc xung đột.

Xem thế đủ thấy, Hội nghị Cấp cao đặc biệt vừa qua ở Jakarta không phải là sự kết thúc mà là sự khởi đầu một tiến trình “can dự ngoại giao” của ASEAN. Qua Hội nghị này, ASEAN càng nhận thức sâu sắc thêm thực tế đáng quan ngại lâu nay, đó là nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của một nước thành viên, vốn là một nguyên tắc trung tâm xưa nay của cái gọi là “phương thức ASEAN”. Đó cũng chính là “nền ngoại giao thầm lặng” mà vì nó, cuộc khủng hoảng Myanmar đã và đang trở thành bài toán hóc búa cho ASEAN.

Không phải ngẫu nhiên mà dư luận chú ý đến phát biểu độc đáo của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hội nghị. Ông Chính được trích dẫn nói “không can thiệp không có nghĩa là bị bỏ rơi”. Không biết khi tuyên bố như vậy, ông Chính có đồng ý rằng, nguyên tắc không can thiệp phải được áp dụng dựa trên các nghĩa vụ theo Hiến chương ASEAN, cùng với các nguyên tắc dân chủ, nhân quyền, pháp quyền và quản trị tốt.

Tuy Hiến chương tương đối linh hoạt trong việc các thành viên lựa chọn theo đuổi các nguyên tắc trên. Nhưng các nước không được quên Hiến chương ASEAN được bắt đầu: “Chúng ta, các dân tộc…”. Điều này có nghĩa là mọi chính phủ ASEAN có nghĩa vụ đại diện cho người dân của mình, có trách nhiệm bảo vệ và thúc đẩy lợi ích và hạnh phúc của người dân. Không có biện hộ nào cho bất kỳ chính phủ nào cho phép quân đội của mình chĩa súng bắn vào chính công dân của mình. Không có sự sỉ nhục quốc gia nào lớn hơn như thế!

Trước khi phải đối mặt với khả năng rất có thể xảy ra là Myanmar sẽ trở thành đấu trường cho các cuộc giành giật ảnh hưởng giữa các cường quốc, ASEAN nên chăng phải bắt tay ngay vào hành động quyết liệt? Đừng để “ASEAN Way” làm tê liệt Hiệp hội. Hãy để cho “nền ngoại giao thầm lặng” ấy lụi tàn!

XS
SM
MD
LG