Đường dẫn truy cập

Arthur Schopenhauer: Bút pháp là diện mạo của tâm hồn


Arthur Schopenhauer (1788-1860)
Arthur Schopenhauer (1788-1860)

1.

Trong sinh hoạt chữ nghĩa của chúng ta đôi khi phải đọc những bài viết, sáng tác...thuộc loại nhiều lời, ít ý; những lối viết khoa trương, rỗng; thỉnh thoảng gặp vài ngòi bút "dùng loạn đao, chửi bới, cà khịa, hoặc …ca ngợi, tâng bốc lung tung...như một cách chứng tỏ mình có … mặt. Lý do nào văn chương loại này vẫn tiếp tục tồn tại? Cớ gì người cầm bút vẫn theo đuổi một cách viết nghèo nàn như thế? Cách đây hơn 100 năm, những lối viết kiểu này đã là đối tượng của nhà triết học Arthur Schopenhauer. Giờ đây đọc lại những lời bàn về bút pháp của ông thấy hình như vẫn còn mới. Xin ghi lại may ra… *

Schopenhauer cho rằng bút pháp là diện mạo của tâm hồn, bảo đảm hơn cả nét mặt. Bút pháp là dấu chỉ của tính tình. Vì vậy, ông nói bắt chước bút pháp của người khác, chẳng khác nào đeo mặt nạ, không những nó chẳng làm cho mặt mũi mình đẹp đẽ hơn mà nó còn tạo ra sự kinh tởm gớm ghiếc. Thà là một khuôn mặt xấu xí còn hơn là một khuôn mặt mang mặt nạ.

Theo Schopenhauer những ngòi bút tầm thường đều cố gắng làm cho độc giả tin rằng tư tưởng của họ còn đi rất xa nên họ đặt ra những chữ mới và viết những câu dài lê thê, quanh co, ngoắt nghéo, … trong một hình thức trá hình.

Schopenhauer nói không có gì dễ bằng viết để cho không ai hiểu gì cả. Và ngược lại, cũng không có gì khó bằng viết để diễn tả những điều sâu xa bằng một ngòi bút đơn giản, để ai cũng có thể hiểu được.

Theo Schopenhauer, không gì khiến cho một nhà văn sơ hở hơn là khi ông ta cố gắng trưng bày một cách lộ liễu thứ trí thức mà ông ta không có. Bởi vì bao giờ cũng vậy, nếu một người làm bộ có bất cứ điều gì thì y như rằng hắn ta khiếm khuyết điều đó.

Schopenhauer nói đây là lý do tại sao chúng ta ca ngợi một nhà văn khi nói rằng ông ta ngây thơ. Bảo rằng ông ta ngây thơ, bởi vì ông ta không cần trốn tránh việc tự biểu lộ con người chân thật của mình. Trong khi một ngòi bút “thiếu tự nhiên” bao giờ cũng bị người đọc loại bỏ, thì một nhà văn “ngây thơ” đồng nghĩa với quyến rũ. [to be naïve is to be attractive; while lack of naturalness is everywhere repulsive].

Sự đơn giản bao giờ cũng được coi như là dấu hiệu của sự thật. Nó còn là dấu hiệu của tài năng. Bởi vì bút pháp chính là cái bóng của tư tưởng. Và một bút pháp tối tăm hay tồi tệ có nghĩa là một đầu óc trì độn hay rối loạn. [Style is nothing but the mere silhouette of thought, and an obscure or bad style means a dull or confused brain.] Và Schopenhauer cho rằng lối viết chải chuốt và mơ hồ, diễn tả lê thê và bừa bãi, tuôn ra "một trận lụt lội" đầy những tĩnh từ…thường là của những người muốn tỏ ra có điều gì để nói, nhưng thực ra chẳng có gì để nói cả.

2.

Một nhà văn thực sự là người có điều gì muốn nói, để nói và diễn tả điều đó một cách đơn giản nhất, thẳng thắn nhất. Ông ta hiểu rõ ý nghĩa những chữ mà ông sử dụng. Một tác phẩm tẻ ngắt khi tác giả của nó không có ý tưởng nào minh bạch để truyền đạt. Tuy nhiên cần phải mở ngoặc điều này: sự “tẻ ngắt” chỉ có tính cách tương đối. Bởi vì, khi một độc giả nói "tác phẩm này tẻ ngắt" cũng có thể là do ông ta không thấy thích thú vấn đề được đề cập trong tác phẩm đó. Điều này cũng có nghĩa là tri thức người đọc ấy bị giới hạn. Do đó, một kiệt tác có thể tẻ ngắt một cách chủ quan cho một cá nhân này hay một cá nhân khác, và ngược lại, một tác phẩm “tẻ ngắt” cũng có thể lôi cuốn một cách chủ quan một cá nhân nọ hay một cá nhân kia. Dù sao, ngòi bút nào tạo ra những câu văn khó hiểu, tối tăm, rắc rối và mơ hồ, chắc chắn họ không hiểu rõ điều họ muốn nói là điều gì. Họ muốn tỏ ra hiểu biết điều mà họ không hiểu biết, tỏ ra có suy nghĩ điều mà họ không suy nghĩ.

3.

Vì sự phóng đại thường tạo ra hiệu quả trái ngược với điều mà người ta nhắm tới, cho nên một chữ thừa luôn luôn làm hỏng mục tiêu của người viết. Đó là điều Voltaire muốn nói khi ông phát biểu rằng: “Tĩnh từ là kẻ tử thù của danh từ.”

Schopenhauer nhắc người viết cần ghi nhớ: “Điều gì vô nghĩa, điều đó không đáng đọc.” Một nhà văn phải biết tiết kiệm thì giờ, lòng kiên nhẫn, và sự chú ý của người đọc. Lược bỏ một vài điểm hay ho nào đó bao giờ cũng tốt hơn là thêm thắt điều không đáng nói. Bởi vì điều làm cho những bài viết trở nên tẻ ngắt là nói tất cả. [Le secret pour être ennuyeux, c’est de tout dire].Do đó, nếu có thể, chỉ nên nói cái cốt yếu thôi.

Dùng nhiều lời để truyền đạt ít ý là dấu hiệu của một ngòi bút tầm thường. Thâu tóm nhiều ý trong ít lời là dấu hiệu của một tài năng.

Tất cả những chữ, những câu có thể bớt đi thì nên bớt đi, bởi vì nếu giữ lại, thì chính những chữ, những câu đó sẽ gây tổn hại cho tác phẩm.

Kẻ nào viết cẩu thả, kẻ đó đã vô tình thú nhận rằng hắn chẳng chú trọng bao nhiêu tới chính tư tưởng của hắn. Cũng như sự ăn mặc cẩu thả tố cáo sự khiếm nhã đối với người bạn ta gặp, một bút pháp khinh suất cho thấy một thái độ thiếu tôn trọng người đọc.

4.

Theo Schopenhauer, người viết văn phải tuân theo qui luật là trong một lúc, một người chỉ có thể suy nghĩ sáng suốt về một điều mà thôi. Do đó, người ta không nên mong đợi ông ta suy nghĩ về hai điều hoặc nhiều điều trong cùng một lúc. Về điểm này, Schopenhauer thú nhận rằng đồng bào ông, người Đức, mắc phải nhiều nhất. Ông viết: "Đức ngữ thích hợp với lối viết này, nhưng không thể biện minh cho nó." Và theo ông, không có văn xuôi nào dễ đọc hơn hoặc thú vị hơn Pháp văn. Vì như một quy luật, Pháp văn thoát khỏi lỗi lầm trên. Người Pháp hết sức bó kết ý tưởng của họ lại với nhau, theo

một trật tự hợp luận lý và tự nhiên nhất, đặt chúng trước mắt độc giả thuận tiện cho sự xét đoán, khiến cho mỗi một ý tưởng có thể nhận được sự chú ý không phân hoá. Người Đức, ngược lại, đan bện chúng lại với nhau trong câu văn, mà hắn vặn vẹo và bắt tréo, bắt tréo và vặn vẹo nữa. Bởi hắn muốn nói mươi mười ý tưởng thay vì tuần tự từng ý tưởng này kế tiếp ý tưởng kia.

Tiếng Việt chúng ta có cơ may gần với tiếng Pháp và xa hơn tiếng Đức. Sự giản dị và trong sáng trong tiếng Việt chúng ta thừa sức để cho những người cầm bút có trong tay thứ dụng cụ chữ nghĩa đa dụng đa năng này.

...Đọc lại những gì Schopenhauer viết về bút pháp sau hơn một trăm năm, người ta vẫn nhận ra được giá trị của những suy nghĩ của ông.

* Arthur Schopenhauer (1788-1860), triết gia. Tác phẩm lớn nhất của ông có tên là The World As Will and Representation. Bản dịch tiếng Anh của E.F. J. Payne (Doverpaperback, New York, 1969). Ông chủ trương ý chí là nền tảng của vũ trụ và tự căn bản ý chí là tội lỗi. Và ông suy ra cứu cánh của đời người là tiêu diệt ý chí ấy.

** Bài này sử dụng tài liệu từ Con Đường Sáng Tạo, bản dịch và giới thiệu của Nguyễn Hữu Hiệu, nhà xuất bản H.T. Kelton/548 Bryan Sunnyvale, CA 94086/Không ghi năm xuất bản.

*** Tham khảo thêm từ Theories of Style in Literature, Arranged and Adapted by Lane Cooper, Ph.D., assistant professor of English in Cornell University. New York, The Macmillian Company. London: Macmillian & CO., Ltd., 1922. Tr 251. Chương XII: Arthur Schopenhauer (1780-1860). On Style. [From The Art of Literature, A series of Essays by Arthur Schopenhauer, Selected and Translated, etc., by T. Bailey Saunders, M.A., London (Sonnenschein) 1904 (pp. 17-36].

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG