Đường dẫn truy cập

Âm hưởng ngày qua


* Viết để ghi lại dịp đi thăm Philipsburg Manor và những địa danh lịch sử khác ở vùng Đồng bằng sông Hudson *

Nhà máy xay lúa

Mùi bột cám hòa lẫn với mùi tanh tanh lành lạnh của kim loại tạo nên một hỗn hợp khí chỉ có thể tìm thấy tại các nhà máy xay lúa ở những vùng quê xa xôi hẻo lánh của Việt Nam thời thập niên 80 và 90. Đã gần mười năm không về thăm Việt Nam, tôi không biết những nhà máy xay lúa của thưở thiếu thời ấy, nay có còn hoạt động nữa hay không. Thửơ bé, tôi vẫn theo dì theo bạn gánh lúa đến những nhà máy này để xay thành gạo. Người ta lũ lượt kĩu kịt từ mọi ngả kéo về, nhất là vào dịp đầu mùa, khi những gia đình đông con vừa phơi xong đợt lúa đầu tiên thơm phức. Gạo đầu mùa, ngon dẻo. Và háo hức.

Ông bà Nội của Mẹ tôi là những người khai hoang tại miền đất này – xã Bình Hòa, huyện Bình Phú Đông. Những cái tên nghe rất êm ả bình an. Tôi được lớn lên giữa dòng suối hương của lúa trổ đòng đòng và bức họa tuyệt luân của hai mùa lúa. Cái đêm cuối cùng trước khi gia đình tôi rời làng quê đi định cư ở Mỹ, ánh trăng rằm lẩn vào trong những bông lúa, huyễn hoặc. Trời thật cao và trong. Không gian thật tịnh. Tôi tưởng như mình có thể xẻ lấy một phần của bầu khí quyển để mang theo trong hành lý. Nhưng có những điều không thể mang theo được, hoặc chỉ mang theo trong tâm tưởng. Như ánh trăng chứa chan. Như niềm nhớ. Như cái mùi ở nhà máy xay lúa.

Vâng, cái hỗn hợp khí ấy theo tôi mãi trong tiềm thức từ thời thơ ấu, theo tôi tận đến tuổi trưởng thành trong đời sống xa quê. Ở Mỹ, có ai đi xay lúa bao giờ? Mà cũng chẳng có ai làm ruộng. Mua gạo thì đi siêu thị. Vậy mà, trong mùa hè trăng mật, tôi được ‘kinh qua’ cái hỗn hợp khí tanh tanh lành lạnh ngạt bột cám ấy tại Philipsburg Manor, trong nhà máy xay bắp, khi tân lang đưa tôi đi thăm các khu di tích lịch sử thuộc vùng đồng bằng Hudson, New York. Cái mùi ấy, trong một căn nhà gỗ với những cánh cửa sổ xanh rì bên cối xay nước từ thế kỷ thứ 18, và một ao nước róc rách bên hè - tất cả trở nên quê hương lọt thõm giữa một Hoa Kỳ của thế kỷ 21. Quê hương về trong tôi, hiển hiện, trọn vẹn, qua cái mùi nhà máy xay lúa, giữa một không gian đóng khung.

Những mấu nối

Cuộc sống đương thời ở Mỹ xem chừng có quá ít những điểm để tôi có thể liên tưởng đến một miền quê cày sâu cuốc bẩm mà tôi từng sống và vẫn yêu. Mỗi lần nhìn thấy những ruộng dâu, tôi cố hồi tưởng những vạt dưa liếp cà ở quê mình. Mà vẫn thấy không suông. Khi thấy những bóng nắng tàng cây, tôi bắt mình tìm trong đó một chút thân quen cho dù cái chút ấy có lạc loài đi nữa. Tôi đi tìm, trong hơn một thập niên ở Mỹ, những hơi hớm của quê hương. Đôi khi tôi thất vọng, thấy điều mình mong thật không tưởng.

Nhưng thật ra, có rất nhiều mấu nối giữa quê hương máu mủ và quê hương tinh thần của tôi. Hoa Kỳ cũng đã từng có một nền lịch sử nông nghiệp, và vẫn có những miền thôn quê lặng thầm. Ngày xưa, người ta hay bảo tôi, “Ở dưới quê buồn lắm!” Mà tôi chẳng bao giờ thấy buồn cả. Tôi thích về quê. Có lẽ tôi cũng nên thú thật, là tôi thích về thăm Ông Bà Ngoại tôi ở miền quê, rất có thể là vì tôi mê tủ sách của Ông tôi. Và những thức ngon trái ngọt ở trong vườn. Cũng như những phút vui đùa với anh chị em ruột và anh chị em họ cùng bạn bè trang lứa trong xóm. Người ta nói, buổi chiều, nghe ếch nhái dưới ruộng kêu, thì não cả ruột. Còn tôi thì thấy thú vị. Thiên nhiên thật lạ lùng, thật đáng yêu. Tôi không biết miền quê ở Hoa Kỳ có ‘buồn’ như quê của tôi không.

Năm 1999, lần đầu tiên đi thăm nhà lịch sử ở Buena Park nằm trên đường Beach gần xa lộ số 5, tôi ‘phát giác’ ra là tuổi thơ của mình được… đưa vào viện bảo tàng. Từ cái bàn ủi than, cái ấm đun nước, cho đến cái máy may Singer mà ngày xưa Mẹ tôi đêm đêm cụt kịt áo quần cho chị em chúng tôi. Tôi thốt lên, “Ồ, thích quá, đây là những thứ mà tôi từng dùng khi còn nhỏ!” Mọi người trong phái đoàn cười òa lên ngạc nhiên, vì đối với họ, những món đồ cổ này thuộc về một thời đại xa xôi đã qua, còn tôi, tuy là người nhỏ tuổi nhất trong đoàn, lại có kinh nghiệm trực tiếp với những vật ấy.

Rồi tôi lại bắt gặp thời thơ ấu của mình ở những nơi khác, xa thật xa như Lithuania, khi tôi viếng bảo tàng viện ở vùng nghỉ mát Nida nơi mà hằng năm có khoảng 50 ngàn du khách đến từ Đức, Liên Xô, Lithuania, và Latvia. Vùng này nổi tiếng vì nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như nguồn hổ phách, mũi cát Curonian Spit chung với Liên Xô, bờ biển Baltic, nhà nghỉ hè của danh hào Thomas Mann với giải Nobel văn chương năm 1929, vân vân. Trong viện bảo tàng, tôi lại bắt gặp tuổi thơ của mình nằm trên kệ, với những chiếc liềm sắt, những bàn ủi than, những máy may Singer. Đối với lịch sử Lithuania, những cổ vật này gợi lại một thời đã qua. Đối với tôi, chúng cũng vậy. Tôi cảm nhận rằng, những mấu nối giữa nơi chốn và con người không bắt buộc phải rơi vào cùng thời đại hoặc địa điểm, mà được hình thành qua chính những kinh nghiệm sống cho dù ở những thời điểm rất khác nhau.

Các tòa nhà lịch sử vô danh

Ở Mỹ, tại mỗi thành phố, ngay cả ở những tiểu bang ‘trẻ’ như California, vẫn có những tòa nhà được bảo trì và quy định là di tích lịch sử. Ở thành phố Placentia chẳng hạn, có Bradford House và những ngôi nhà của dân cư được vào danh sách những tòa nhà nguyên thủy của một giai đọan lịch sử nào đó. Những chủ nhân của những tòa nhà lịch sử, tuy làm chủ, nhưng vẫn phải tuân theo những quy luật nhất định của chính quyền nhằm bảo trì cho căn nhà của mình giữ được tính lịch sử và kiến trúc nguyên thủy của nó. Hằng năm, tùy theo lịch sử của mỗi thành phố, người ta lại tổ chức những cuộc viếng thăm để mọi người từ khắp nơi có thể tham quan những ngôi nhà này.

Trong những lần làm hướng dẫn viên (docent) đưa người thăm đi qua lịch sử của những căn nhà cổ này, tôi chạnh lòng cho quê hương tôi, phải chiến tranh triền miên, có những di tích lịch sử chỉ tồn tại trong ký ức của những thế hệ gần đất xa trời. Những tòa nhà lịch sử đã vĩnh viễn bị san bằng của quê hương – có cách nào để tôi có thể về thăm lại? Có cách nào để tôi được một lần ghé qua? Những ký ức, những cổ vật vô hình – lòng chợt bồi hồi với âm hưởng ngày qua.

Viết tại Manhattan, một ngày chớm hạ.
Trang Ðài Glassey-Trầnguyễn.

XS
SM
MD
LG