Đường dẫn truy cập

Câu chuyện 'có hậu' của 1 người tỵ nạn


Bác sỹ Nguyễn Đức Chấn ở trại đường bộ Phnom-Samet
Bác sỹ Nguyễn Đức Chấn ở trại đường bộ Phnom-Samet

Williamsburg, bang Virginia, một thị trấn nhỏ bé nhưng mang đầy dấu tích lịch sử thời Hoa Kỳ còn là thuộc địa của nước Anh. Đến thị trấn này du khách được xem lại những kiến trúc, nếp sinh hoạt của người dân thuộc địa ngày đó và những hoạt cảnh của thời cách mạng để tiến tới một nước Mỹ độc lập. Thị trấn êm đềm này cũng là nơi ẩn dật của một ngừơi Việt tỵ nạn từ nhiều năm qua, sau những gian nan, thăng trầm của cuộc đổi đời ngày 30 tháng Tư năm 1975. Trong Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay, Lan Phương trò chuyện với bác sỹ Nguyễn Đức Chấn, chuyên khoa tâm thần, đang làm việc cho Eastern State Hospital trong thị trấn này, để hồi tưởng lại 35 năm sau biến cố năm 1975, về câu chuyện của người tù cải tạo vượt biên bằng đường bộ và những khó khăn phải khắc phục trên bước đường hội nhập trước khi đi đến một kết thúc "có hậu" là sự bình an cho tâm hồn.

Chuyện của những người vượt biên bằng đường bộ hay đường biển sau 30 tháng tư năm 1975 tưởng như không bao giờ kể được hết. Có những người không may đã thiệt mạng giữa đường, giữa biển, không bao giờ được nhìn thấy nơi họ muốn đến. Đổi lại cũng có những người may mắn, ra đi trót lọt, dễ dàng, và cũng có những người phải qua nhiều gian nan, khốn đốn và hãi hùng mới tìm được đến bến bờ tự do và rồi họ lại phải cật lực phấn đấu mới tạo dựng lại được cuộc sống vào lúc tuổi hoa niên đã trôi qua. Câu chuyện của Bác sỹ Nguyễn Đức Chấn là trường hợp thứ ba.

Điều đầu tiên khiến cho những người tiếp xúc với ông phải chú ý là nếp sống khiêm tốn, giản dị, thanh tịnh và ẩn dật của ông nơi một thị trấn rất thưa vắng người Việt.

Ông tốt nghiệp y khoa Sài Gòn năm 1972. Giống như mọi thanh niên trong thời chiến, sau khi ra trường, ông bị trưng tập vào quân đội, trở thành bác sỹ quân y làm việc gần quân đoàn II tại Pleiku. Ba năm sống tại đây ông thường chứng kiến những vụ pháo kích của quân cộng sản vào thành phố. Ông đã rời Pleiku mấy ngày trước khi thành phố bị đối phương tràn ngập. Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, ông cũng bị đi tù cải tạo như hầu hết mọi quân nhân cấp úy trở lên của quân đội miền nam. Những khổ nhục của kiếp tù cải tạo đã có không biết bao nhiêu người nói đến. Riêng đối với bác sỹ Chấn, trong thời gian ông bị giam tại trại tù Long Khánh, đã xảy ra một biến cố mà đến giờ ông vẫn không quên:

"Vụ nổ kho đạn trong trại tù Long Khánh là vụ mà tôi nhớ lâu nhất. Vụ nổ kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ, nhiều đạn hỏa tiễn bay lên trời nổ liên tục, những miểng đạn rơi xuống như mưa. Hôm đó tôi mất đến mười mấy người bạn. Đó là một biến cố thật lớn."

Trong suốt đời quân ngũ, có lẽ chưa bao giờ ông lại mất đi một lúc mười mấy người bạn chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ như thế.

Sau khi được thả khỏi trại tù năm 1978, ông tìm cách vượt thoát nhiều lần bằng đường biển nhưng không thành công. Năm 1981 ông lập gia đình, nhưng gia đình vợ ông ở Canada đã làm giấy tờ bảo lãnh từ trước cho bà nên ông khuyên bà cứ đi. Khi ra đi thì vợ ông đã mang thai. Trong khoảng thời gian này ông có nghe đến chuyện cho phép đoàn tụ, và nếu đợi thì ông cũng có thể được anh ruột đã ở Mỹ hoặc vợ ông bảo lãnh, nhưng hoặc ông không tin là chính phủ Việt Nam sẽ cho đi, hoặc chờ đợi thủ tục giấy tờ quá lâu, nên ông nhất quyết vượt biên lần nữa.

Qua một người trong họ, ông liên lạc được với một đường dây đưa người vượt biên qua ngả Camphuchia. Ông và bạn đồng hành đã phải vượt qua những chặng đường băng rừng, vượt sông Mekong và nhóm đưa người trốn khỏi Việt Nam còn sử dụng cả xe cứu thương để đánh lừa an ninh. Khi đến nơi, ông ngỡ là đất Thái Lan, vùng đất tự do, thì lại phát giác ra một sự thực não nề:

"Khi mà vừa tới cổng trại thì mấy người Việt Nam cho tôi biết mình bị lừa vào trại tù của Pol Pot. Lúc đó tôi thất vọng dễ sợ, không biết là ngày mai sống chết ra sao. Đã thoát cảnh tù một lần rồi, không biết chuyến này bao giờ mới ra tù được."

Từ đó ông và nhóm đồng hành bị Khmer đỏ bắt làm con tin.

Khu vực này là nơi nhóm dân theo tàn quân Khmer đỏ sinh sống, có khoảng 40 ngàn người, được Liên Hiệp Quốc coi là dân tỵ nạn nên hàng tuần, cơ quan Liên Hiệp Quốc từ bên kia biên giới vẫn chở lương thực cứu trợ sang cho họ. Theo bác sỹ Chấn cho biết, bọn Khmer đỏ tuy hung dữ nhưng lúc đó họ phải sống trà trộn vào với dân để được viện trợ lương thực của Liên Hiệp Quốc nên cũng biết kiêng nể khi Liên Hiệp Quốc hăm rằng nếu một người Việt tỵ nạn nào bị họ giết thì Liên Hiệp Quốc sẽ cúp gạo cứu trợ, và vì thế ông mới được toàn mạng trong suốt 5 tháng trong trại tù của chúng. Cho đến một ngày, quân đội cộng sản Việt Nam và Campuchia mở cuộc tấn công vào khu vực này, Khmer đỏ bỏ chạy sang Thái Lan, thế là nhóm người bị chúng giữ làm con tin cũng chạy thoát sang đất Thái.

Ông được đưa vào trại tỵ nạn. Một ít lâu sau nhờ anh ông tại Hoa Kỳ liên lạc với Thượng nghị sỹ bang Nebraska lúc đó xin can thiệp, ông được nhanh chóng sang định cư tại Hoa Kỳ với lý do: đây là một tài nguyên trí tuệ cho nước Mỹ.

Ở với người anh một năm ông dọn về Richmond, bang Virginia, đón vợ con từ Canada sang đoàn tụ. Nhưng đây là khoảng thời gian ông phải nhọc nhằn tranh đấu để sống còn. Khoảng thời gian này, tiếng Anh là điều mà ông còn nhiều bỡ ngỡ, kế đó là tìm một công việc để sống; ông đã đi làm phụ bếp, rửa chén cho nhà hàng, làm công nhân quét dọn trong viện dưỡng lão, làm thợ mộc sử dụng máy cưa cắt gỗ và sau nữa được mướn làm thông dịch viên cho hội thiện nguyện USCC tại Richmond. Vừa làm, vừa học, tiền bạc hết sức eo hẹp, ông còn phải rủ thêm một người anh thuê chung một căn hộ để giảm bớt chi phí.

Đến năm 1988 ông đậu xong bằng tương đương bác sỹ y khoa của Mỹ và bằng hành nghề. Nhưng chưa hết, nắm được trong tay mảnh bằng này, các bác sỹ còn phải qua một chặng đường hết sức gian nan, ngay cả đối với những người tốt nghiệp y khoa ở Mỹ:

"Vấn đề quan trọng hơn là xin đi training (thực tập, nội trú trong bệnh viện). Mất công và mất nhiều thời giờ. Chỗ nào cũng xin. Tôi đã gửi trước sau cả ngàn đơn, làm 2 đợt. Đợt đầu 500 đơn, lần chót cũng 500 đơn nữa, mà đến lần chót mới có 10 nơi gửi cho mẫu đơn (application) lại cho mình điền. Cuối cùng chỉ có 1 chỗ gọi cho interview (phỏng vấn) thôi. Nhưng tôi kiên nhẫn và rất cương quyết, tôi nghĩ là trước sau gì cũng phải trở lại nghề. Đấy chính là lý do mà rồi cuối cùng tôi trở lại được."

Trở lại nghề y với chuyên khoa về bệnh tâm thần, bác sỹ Chấn nêu lên một số nhận xét:

"Ngành tâm thần ở Việt Nam còn mới lắm. Hồi xưa khi còn đi học, đến trước cửa bệnh viện Chợ Quán, nhìn thì không bao giờ tôi dám vào. Qua bên này run rủi làm sao lại vào học ngành tâm thần. Nhưng sau tôi thấy ngành này hữu ích lắm. Nó giúp mình hiểu được những khác biệt về văn hóa của Mỹ và văn hóa của mình; nó giúp mình hiểu được những xung đột trong gia đình, trong xã hội, hay trong chính bản thân mình. Mình là người tỵ nạn từ nơi khác đến đây, nhờ mình hiểu được những khác biệt đó nên có thể hòa đồng vào xã hội này, có thể làm việc và sau đó mới có thể giúp cho những người tỵ nạn khác hay những bệnh nhân của mình."

Trước câu hỏi về nguyên nhân lối sống khép kín của ông, tự bản tính hay là những biến cố đã qua trong đời, ông trả lời trên quan điểm của một bác sỹ của ngành tâm thần học tự phân tích chính mình:

"Tôi nghĩ là đủ mọi yếu tố. Một phần là bản tính của tôi từ nhỏ đã thích ẩn dật, thích nếp sống điền viên, một phần là phản ứng của tôi dối với những biến cố đã trải qua, tôi nghĩ tôi có bị một chút depression (trầm cảm), một chút anxiety (bồn chồn, lo lắng), cũng có thể một chút post traumatic stress disorder (rối loạn sau những chấn thương tâm lý quá mạnh) thành thử mình biết là mình cũng có withdrawn (khép kín) một chút."

Ông cũng cho biết thỉnh thảng vẫn nằm mơ đang ở trong trại tù cộng sản, nhưng đó chỉ là giấc mơ, không ảnh hưởng gì đến đời sống và sinh hoạt thường ngày của ông.

Nhìn lại 35 năm qua, bác sỹ Chấn tâm sự:

"Ngẫm nghĩ lại mình thấy là tất cả đã đi qua hết rồi, quê hương xưa, tuổi trẻ của mình, gia đình, bạn bè, những ngày vàng son xưa kia không còn nữa. Có chăng chỉ còn lại mái đầu đã bạc. Còn về tương lai thì chỉ mong cho con cháu hay những người trẻ Việt Nam họ làm được hơn mình, họ hạnh phúc hơn mình là điều vui lắm rồi. "

Thưa quí vị, 35 năm qua kể như đã kết thúc ở đây, mong bác sỹ Chấn tiếp tục cuộc sống bình an và đóng góp khả năng chuyên môn của ông cho đất nước đã đón nhận ông và những người tỵ nạn khác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG