Đường dẫn truy cập

Các công ty dầu của Philippines, Việt Nam và Trung Quốc ký thỏa hiệp thực hiện một cuộc nghiên cứu chung về địa chấn tại Trường Sa


Các công ty dầu của 3 quốc gia Philippines, Việt Nam và Trung Quốc hôm thứ Hai ký với nhau một thỏa hiệp để thực hiện một cuộc nghiên cứu chung về địa chấn tại Trường Sa, một quần đảo đang bị tranh chấp trong biển Đông.

Ông Eduardo Manalac, giám đốc công ty dầu quốc doanh của Philippines cho hay cuộc nghiên cứu kéo dài 3 năm này sẽ cung cấp những dữ kiện về các giếng dự trữ dầu và khí đốt có thể có trong khu vực mà các nước Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Brunei và Malaysia đều nhìn nhận có chủ quyền.

Trong buổi lễ ký kết, ông Manalac mô tả thỏa hiệp này là "một khai thông về mặt ngoại giao cho hòa bình và an ninh trong khu vực", nhưng ông cũng nói thêm rằng thỏa hiệp này chỉ thuần túy có tính cách thương mại và không liên quan gì tới những lời tuyên bố chính trị hoặc chủ quyền lãnh thổ.

Một phát ngôn viên của Tổng Thống Gloria Macapagal Arroyo ca ngợi thỏa hiệp như một đường lối có thể dùng làm gương mẫu để giải quyết vấn đề trong biển Đông và để xây dựng tinh thần đối tác trong lãnh vực an ninh về năng lượng. Phát ngôn viên này nói thêm rằng với thỏa hiệp này, Philippines hy vọng biển Đông sẽ chuyển biến thành một biển đoàn kết các nước lại với nhau , chứ không phải chia rẽ các nước.

Ông Manalac cho hay 3 công ty quốc doanh của Việt Nam, Philippines và Trung Quốc vẫn còn đang thảo luận với nhau về ngân sách dành cho các hoạt động trước khai thác, nhưng cho biết là ngân sách này sẽ được chia sẻ đồng đều.

Tin nói rằng vùng được nghiên cứu rộng khoảng 143 ngàn kilômét vuông, và quần đảo Trường Sa chỉ là một phần trong vùng được nghiên cứu này. Người ta ước tính sẽ tốn kém khoảng từ 500 đến 700 đôla cho việc nghiên cứu mỗi kilômét.

Trung Quốc và Việt Nam đều đã xây cất những cơ sở thường trực trên quần đảo Trường Sa và đã từng đụng độ với nhau trong những năm 1988 và 1992 về quần đảo này. Những vụ xô xát nhỏ cũng đã xảy ra cho các nước khác. Các đây 2 năm, Trung Quốc và 10 nước trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á – tức là ASEAN – đã chấp thuận một bản công bố không bị buộc phải tuân thủ cấm đoán mọi hành động xây cất trên những hòn đảo không có người ở này để ngăn không cho những vụ tranh chấp về chủ quyền leo thang thêm.

Tuần trước, Philippines và Việt Nam loan báo kế hoạch thực hiện những cuộc nghiên cứu khoa học tại biển Đông vào tháng Tư này. Hành động vừa kể đã bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích, và Trung Quốc kêu gọi các nước nhận chủ quyền dãy đảo này hãy theo đuổi những nguyên tắc đề ra trong bản công bố về biển Đông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG