Những dự tính của Ấn độ mua hàng trăm phản lực cơ chở khách và các phi cơ chiến đấu trong vòng những năm tới đang thu hút các công ty sản xuất máy bay trên toàn cầu. Theo TTV Anjana Pasricha của đài tường trình thì Ấn đang khuyến dụ những công ty sản xuất máy bay hãy chuyển công ăn việc làm sang Ấn.
Một cuộc trưng bày máy bay quốc tế kéo dài 5 ngày tại Bangalore đã thu hút được đến 240 công ty của 31 quốc gia.
Trong số này phải kể đến công ty Boeing và Airbus trong lãnh vực sản xuất phi cơ dân sự. Còn trong số các công ty sản xuất phi cơ quân sự có sự hiện diện của Lockheed Martin của Hoa Kỳ và Snecma của Pháp.
Đây là những công ty đang dòm ngó vào một thị trường có tiềm năng to lớn ở Ấn Độ. Một nhóm các công ty hàng không nội địa của Ấn theo dự kiến sẽ mua hơn 300 máy bay chở khách trong mấy năm sắp tới. Theo các nhà phân tích thì Ấn có thể sẽ chi ra đến 35 tỉ đô la để mua các máy bay phản lực mới trong 20 năm tới.
Giá vé hàng không tiếp tục giảm xuống và một nền kinh tế đang phát triển của Ấn đã giúp cho thêm rất nhiều người Ấn có khả năng di chuyển bằng đường hàng không.
Tổ hợp hàng không Dassault của Pháp nói rằng đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của nước Ấn cũng tạo cơ hội cho các công ty bán được các phi cơ thương mại cho nước Ấn.
Thêm vào đó không lực Ấn dự tính mua 126 phi cơ chiến đấu mới. Hoa kỳ, Thụy Điển, Pháp và Nga đang cố tranh thủ để chiếm thị phần tại Ấn. Nhưng Ấn độ không chỉ hài lòng trong tư cách là một quốc gia đi mua hàng.
Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn, ông Pranab Mukhaerjee nói rằng cuộc trưng bày phi cơ đã tạo cơ hội cho các công ty sản xuất phi cơ trên thế giới thăm dò tiềm năng mở công cuộc kinh doanh chung với ngành công nghiệp hàng không do nhà nước Ấn điều hành.
Ông nói dịp này là một diễn đàn lý tưởng để thăm dò các cơ hội kinh doanh cũng như là để tạo dễ dàng cho việc thực hiện các công cuộc liên doanh, hợp tác và thiết lập những quan hệ mà các đối tác cùng có lơi.
Cuộc trưng bày này đang xuất hiện như một diễn đàn quan trọng để bày tỏ những khả năng của cả các công ty Ấn lẫn các công ty nước ngoài trong việc họa kiểu, và sản xuất các phi cơ cũng như những hệ thống đặt trên mặt đất, cả trong lãnh vực phòng thủ lẫn dân sự.
Các giới chức chính phủ Ấn cho hay các công ty sản xuất phi cơ của nước ngoài có thể được lợi bằng cách đem công cuộc khảo cứu, họa kiểu và một số các công việc sản xuất sang Ấn Độ, là quốc gia có trình độ chuyên môn cao về kỹ thuật và phí khoản sản xuất hàng hóa tại đó lại thấp.
Một số công ty đã dự tính sẽ hợp tác với các công ty Ấn. Công ty Lockheed Martin đã ký một hiệp ước với một công Ấn để chia sẻ các dữ kiện về máy bay trinh sát P-3 Orion. Công ty Snecma của Pháp cho biết đã dự tính mở công ty liên doanh với Ấn để sản xuất các bộ phận rời của động cơ.
Còn công ty Boeing thì cho biết công ty đã ký một thỏa ước với một công ty công nghệ Ấn để phát triển một sân bay dành cho một hệ thống thí nghiệm các chuyến bay thử.