Đường dẫn truy cập

Henry Kissinger: Không ân hận


Cuối tuần này, một số nhân vật nổi tiếng nhất của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã gặp nhau để thảo luận về vụ xung đột có tính cách quyết định cả một thế hệ tại Hoa Kỳ. Các sử gia đã khảo cứu các nguyên do đưa đến cuộc chiến tranh, và xem xét lịch sử sẽ khác đi ra sao nếu tổng thống Kennedy không qua đời.

Tổng thống Jimmy Carter, đại sứ Pete Peterson và thượng nghị sĩ Chuck Hagel đã suy ngẫm về những bài học. Và có cả sự hiện diện của ông Henry Kissinger. Từ thành phố Boston, trưởng ban Việt ngữ đài VOA Michael Mathes có bài tường thuật.

Nguyên ngoại trưởng và an ninh cố vấn quốc gia Henry Kissinger hôm thứ bẩy tuyên bố ông không có điều gì ân hận về việc xác định chính sách của ông trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông đã phân tích và thảo luận về vai trò của mình với một sự thành thực không ngờ tại hội nghị vào cuối tuần bàn về cuộc xung đột đã gây thiệt mạng tới 3 triệu người.

Trong buổi họp tổ chức tại Thư viện tổng thống John F. Kennedy ở thành phố Boston, ông Kissinger nói rằng ông hãnh diện về vai trò của mình trong việc góp phần đưa chiến tranh đến chỗ kết thúc, mặc đầu có những lời chỉ trích trong nhiều năm rằng ông đã thực sự góp phần kéo dài cuộc chiến dưới thời tổng thống Richard Nixon.

“Tôi đã làm việc với tổng thống Nixon, người đã phục vụ đất nước về chính sách đối ngoại một cách nổi bật, và đóng góp nhiều vào việc kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam và kiến tạo một thế giới hiện đang tồn tại, và tôi không hối tiếc điều gì. Tôi đã có cơ hội phục vụ đất nước, và đó là tất cả những gì mà bất cứ ai đều mong muốn.”

Ông Kissinger, năm nay 82 tuổi, đã vừa được ca ngợi, vừa bị nói xấu, vì vấn đề Việt Nam. Ông thừa nhận rằng việc cuối cùng đạt được Hiệp định Paris vào đầu năm 1973 là một nỗ lực rút ra một cách danh dự sau những tính toán sai lầm lớn về chính sách đối ngoại. Ông Kissinger thú nhận rằng những cuộc thương lượng để chấm dứt chiến trách đã tiến hành một cách tệ hại.

“Chúng ta không hiểu rằng đối với phía Bắc Việt, một thỏa hiệp là ngang hàng với một sự thất bại. Họ đã không chiến đấu 20 năm trời để đi đến thỏa hiệp.”

Trong các cuộc thảo luận về nhiều vấn đề, vị chính khách này đã bênh vực việc tổng thống Nixon thả bom ở Kampuchea trong cuộc chiến tranh, và nói rằng cả quốc vương Norodom Sihanouk của Kampuchea lẫn Hà Nội đã không chịu lên tiếng sớm chống lại các cuộc tấn công, và 24 đại biểu Quốc Hội Hoa Kỳ đã được thông báo về những vụ thả bom bí mật dọc theo biên giới Kampuchea.

Ông cũng nói rằng ông sẵn sàng đón nhận khái niệm Hoa Kỳ đền bù cho việt Nam về việc dùng hóa chất Tác nhân cam để khai quang.

Trong một lời thú nhận gây kinh ngạc, ông Kissinger nói rằng Hoa Kỳ lẽ ra sẽ tiếp tục cuộc chiến tranh nếu không xảy ra vụ khủng hoảng về Watergate khiến tổng thống Nixon phải rời chức.

“Tôi biết rõ sự kiện là nếu không xảy ra vụ Watergate, thì chúng ta đã tiếp tục việc thả bom xuống đường mòn Hồ Chí Minh vào tháng 3 và tháng 4 năm 1973 vào lúc Việt Nam vi phạm hiệp định. Họ đã gửi 30000 bộ đội và hàng trăm chiếc xe tăng và chúng ta chỉ chờ đợi các tù nhân Mỹ được trả về, và nếu không xảy ra vụ Watergate thì chúng ta đã dùng tháng tư để cắt đứt con đường tiếp tế.”

Khoảng 30 người biểu tình tụ tập bên ngoài thư viện, đòi đưa ông Kissinger ra tòa xét xử tội ác chiến tranh. Nhân vật gây nhiều tranh cãi này lâu nay vẫn bị những người chỉ trích trách cứ.

Ông Kissinger nói với các phóng viên là ông tán thành việc cải thiện bang giao với Việt Nam, và tuy ông chưa trở lại Việt Nam từ khi Saigon thất thủ, ông vẫn dự tính nay mai thực hiện một cuộc viếng thăm Việt Nam.

"Tôi vẫn ủng hộ chính sách hòa giải với Việt Nam. Tôi chưa trở lại Việt Nam vì có quá nhiều hy vọng bị chôn vùi ở đó, vì thế cá nhân tôi chưa trở lại Việt Nam. Nhưng tôi ủng hộ chính sách hòa giải với Việt Nam. Tội chưa đích thân trở lại đó để chứng kiến các tiến bộ đã đạt được, nhưng tôi cầu chúc họ mọi sự tốt lành.”


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG