Tin của hãng thông tấn AFP đánh đi từ Santiago, Chile, cho hay trong một dự phóng của diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương, tức APEC, thì sau khi đạt được thành tích vang dội vào năm 2004, các nền kinh tế vùng này sẽ bị khựng lại vì một khoản phụ thu trên giá dầu và lãi suất đang tăng.
Trong báo cáo với các bộ trưởng thương mại của khối APEC đang dự các cuộc đàm phán thường niên trước khi diễn ra một hội nghị thượng đỉnh vào cuối tuần này, hội đồng kinh tế của diễn đàn cho biết tỷ lệ tăng trưởng sẽ sụt suống mức từ 3,5 đến 4% vào năm tới sau khi đạt kỷ lục cao nhất trong 4 năm là từ 4,5 đến 5% trong năm 2004.
Trong bối cảnh này, bản dự phóng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì các cải cách cơ chế của các thành viên APEC nhằm cải thiện hiệu năng ngõ hầu giữ vững được tăng trưởng kinh tế ở mức trung hạn.
Mặt khác, theo bản tin của Xinhuanet, các vị bộ trưởng của 21 nước thành viên APEC cũng tập trung thảo luận về việc tự do hóa mậu dịch trong cố gắng chung quyết một nghị trình cho cuộc họp vào cuối tuần của các nhà lãnh đạo kinh tế trong khối.
Cuộc họp cấp bộ trưởng dự kiến sẽ bao trùm các vấn đề thương nghị của WTO, mậu dịch tự do và các hiệp định thương mại khu vực, chống tham nhũng, phát triển bền vững và an ninh cho con người.
Khối APEC được thành lập vào năm 1989 để đáp ứng với sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và nhu cầu thăng tiến sự năng động về kinh tế và ý thức cộng đồng của khu vực.
Khối này hiện bao gồm Australia, Brunei, Chile, Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua Tân Ghinê, Peru, Philippin, Nga, Singapore, Đài Bắc, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Tổ chức bao trùm hơn 1/3 dân số thế giới với khoảng 2,6 tỷ người, chiếm gần 60% tổng sản lượng thế giới với khoảng 19 ngàn tỷ đôla và gần 47% nền thương mại thế giới. Khối cũng đại biểu cho khu vực năng động nhất về kinh tế trên thế giới, nơi phát xuất gần 70% tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 10 năm vừa qua.