Đường dẫn truy cập

120 viên chức và chuyên gia y tế đang thảo luận về các biện pháp ứng phó với HIV/AIDS và bệnh lao tại Việt Nam. - 2004-10-12


Có tới 120 viên chức và chuyên gia y tế, chủ yếu thuộc tiểu vùng sông Mekong và tổ chức y tế thế giới, đang thảo luận về các biện pháp ứng phó với HIV/AIDS và bệnh lao.

Tân Hoa Xã ghi nhận tin của báo Lao Động hôm thứ ba cho hay trong 5 ngày hội nghị khai mạc tại thành phố Hồ Chí Minh hôm thứ hai, các đại biểu sẽ đặt trọng điểm thảo luận vào một sách lược sử dụng hữu hiệu các dược phẩm chống virut, nhất là việc sử dụng các loại thuốc này trong giới bệnh nhân nghèo mắc bệnh AIDS, việc theo dõi các cơn dịch bệnh, đánh giá sự điều trị phối hợp HIV và bệnh lao, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế.

Cụ thể, các đại biểu sẽ đề cập đến các vấn đề có liên quan đến một chương trình của Tổ chức y tế thế giới nhắm mục đích cung cấp trị liệu chống virut cho 3 triệu người nhiễm HIV/AIDS tại các quốc gia đang phát triển vào cuối năm 2005, và một phát biểu của nhiều chuyên gia cho rằng mở rộng sự tiếp cận với điều trị bệnh lao, phối hợp với việc áp dụng thử nghiệm HIV và cấp phát thuốc chống vi-rut vào các chương trình phòng chống lao có thể cứu được mạng sống của nhiều người nhiễm HIV.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, 60% bệnh nhân nhiễm HIV trên toàn thế giới có cơ bị bệnh lao vào một thời điểm nào đó trong đời họ. Trong số ước chừng 100 triệu bệnh nhân lao tại các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong, gồm Trung quốc, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam, có khoảng 800 ngàn người nhiễm HIV. Nếu không được điều trị bệnh lao, những người nhiễm HIV bị bệnh lao thường chết trong vòng vài tháng.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 84 ngàn 400 người nhiễm HIV, bao gồm hơn 13 ngàn 100 người mắc bệnh AIDS, và khoảng 260 ngàn người bị bệnh lao. Trong số các bệnh nhân lao, hơn 4% bị nhiễm HIV.

Việt Nam có kế hoạch giảm thiểu tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong dân số 81 triệu xuống dưới 0,3% vào năm 2010 và giữ nguyên tỷ lệ đó sau năm 2020.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG