Đường dẫn truy cập

Khai mạc hội nghị ASEM 5 tại Hà Nội. - 2004-10-08


Tường thuật do thông tín viên Scott Bobb của Đài Tiếng Nói Hoa kỳ gởi về từ Hà nội hôm thứ sáu cho biết Chủ tịch Trần Đức Lương của Việt Nam đã khai mạc hội nghị thượng đỉnh Á Âu lần thứ năm, thường được gọi là hội nghị ASEM 5, với nhận định cho rằng đối thoại và hợp tác sẽ gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa Á châu và Á châu và hữu ích cho việc thiết lập một mối quan hệ đối tác để mưu tìm hòa bình, ổn định và phát triển.

Trong bài diễn văn khai mạc, nhà lãnh đạo Việt Nam nói rằng tình hình thế giới đang biến chuyển nhanh chóng, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang lại nhiều thách thức.

Những thách thức toàn cầu đang nổi lên; đó là tình trạng mất ổn định và xung đột xảy ra ở nhiều nơi và khủng bố tiếp tục lan rộng.

Người cầm đầu chính phủ ở Hà nội cũng tỏ ý hoan nghênh việc ASEM nới rộng để thu nhận 10 tân thành viên của Liên hiệp Âu châu và 3 hội viên mới nhất của khối ASEN là Kampuchia, Lào và Miến điện.

Quyền thủ tướng Đan Mạch, ông Per Stig Moller đã nhân danh Liên hiệp Âu châu ngỏ lời cám ơn Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo cho hội nghị. Ông Moller nói thêm rằng những vấn nạn mới như khan hiếm năng lượng và khí hậu địa cầu thay đổi cũng là những vấn đề cần phải giải quyết song song với những thách thức về mặt an ninh phát sinh từ các hoạt động khủng bố và các loại vũ khí có sức tàn phá hàng loạt.

Ông Moller nhận định rằng ASEM là một diễn đàn mà ông mô tả là độc đáo để mưu tìm những giải pháp chung:

Cả Âu châu và Á châu đều muốn tạo dựng một đường lối đa phương có hiệu quả để làm cơ sở cho việc bảo vệ và tăng cường luật pháp quốc tế. Một khía cạnh quan trọng của đường lối này là hợp tác, cải cách và tăng cường sức mạnh của Liên Hiệp Quốc.

Nhận định vừa kể được nhiều người xem là một lời chỉ trích đối với những hành động can thiệp quân sự do Hoa kỳ dẫn đầu ở Afghanistan và Iraq, tuy chính phủ của Tổng thống Bush có nói rằng những cuộc chiến tranh đó được tiến hành bởi các liên minh quốc tế và có sự chấp thuận của Liên Hiệp Quốc.

Những bất đồng chính trị về cách đối xử với chính quyền quân nhân Miến điện cũng đa nhanh chóng xuất hiện tại phiên khai mạc ASEM 5 ở Hà nội hôm thứ 6. Một ngày trước đó, Liên hiệp Âu châu loan báo rằng chính phủ Miến điện đã không thỏa mãn thời hạn chót mà liên hiệp này đưa ra khi họ yêu cầu giới hữu trách Rangoon trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và ngưng đàn áp Liên minh Toàn quốc Tranh đấu cho Dân chủ Miến điện do bà lãnh đạo. Và vì thế, Liên hiệp Âu châu sẽ áp dụng thêm các biện pháp chế tài qua việc nới rộng lệnh cấm cấp phát thị thực nhập cảnh cho các giới chức Miến điện và hạn chế những khoản tín dụng dành cho các ngân hàng và công ty Miến điện do nhà nước kiểm soát.

Ông Bernard Bot, ngoại trưởng Hà Lan, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên hiệp Âu châu, nói rằng quyết định vừa kể là một phần của chính sách song hành đối với vấn đề Miến điện:

Một mặt, chúng tôi tin tưởng ở hiệu quả của đối thoại vì chúng tôi nghĩ rằng cần phải trực tiếp nói với giới hữu trách Miến điện về những bất mãn của chúng tôi, chẳng những từ phía Liên hiệp Âu châu mà còn từ phía ASEM nữa. Và mặt khác dĩ nhiên là áp dụng các biện pháp chế tài.

Trước đó, Liên hiệp Âu châu đe dọa tẩy chay hội nghị thượng đỉnh Hà nội nếu phái đoàn Miến điện đến dự hội nghị này. Khối ASEAN thì bênh vực Miến điện và dọa là sẽ không đồng ý để cho 10 tân thành viên Liên hiệp Âu châu gia nhập ASEM.

Vụ tranh chấp này đã được giải quyết với thỏa hiệp là phái đoàn Miến điện sẽ đặt dưới sự hướng dẫn của một viên chức cấp thấp hơn, thay vì do người cầm đầu chính phủ hướng dẫn. Có tin cho hay một số các nước Âu châu đã gởi phái đoàn cấp thấp hơn đến dự hội nghị để tỏ ý bất mãn đối với thỏa hiệp vừa kể.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG