Đường dẫn truy cập

Một giáo chức Hoa Kỳ say mê nghề nghiệp, - 2004-10-04


10 năm trước đây khi ngập ngừng bước vào lớp dạy thay cho một giáo chức vắng mặt, ông Ron Clark đã cảm nhận ngay trong tiềm thức rằng ông phải theo đuổi ngành mô phạm. Lá Thư Mỹ Quốc tuần này sẽ gửi đến qúi thính giả những kinh nghiệm thu thập được ngay tại các lớp học của một giáo chức say mê với nghề nghiệp và sau đã được ông đưa vào trong một cuốn sách mới nhan đề The Excellent 11, được coi như một sách hướng dẫn để dạy dỗ con trẻ, qua những ghi nhận của Thông tín viên Faiza Elmasry sau đây:

Tác giả cuốn sách, ông Ron Clark, đã nhận lãnh sứ mạng cải cách lề lối giáo dục và kinh nghiệm học hỏi của con trẻ. Trong cuốn sách đầu tay tựa đề The Essential 55, xin tạm dịch là 55 Điều Luật, ông liệt kê 55 điều lệ để giúp con trẻ thành công trong trường học và trong trường đời. Những điều luật này gồm cả những lời khuyên rõ ràng như “ Luôn luôn phải ngỏ lời nói “cảm ơn” khi được ai cho mình cái gì hoặc được ai giúp đỡ.”

Hơn 2 năm qua, ông Clark đã đi khắp nước Mỹ, thăm các lớp học, gặp gỡ với các giáo chức và phụ huynh. Trong khi mục tiêu của ông là dạy dỗ con trẻ theo những điều lệ mà ông coi là thiết yếu nhất của ngành giáo dục, ông cho biết là những cuộc trò chuyện trong chuyến đi đó đã gây hứng khởi cho ông viết cuốn sách thứ nhì, về những đức tính mà ông nhận xét thấy nơi các nhà giáo và các bậc phụ huynh thành công. Cuốn sách thứ nhì mang tựa đề The Excellent 11, xin tạm dịch là 11 Yếu Tố Tuyệt Hảo.

Và những đức tính đó là: Lòng nhiệt thành, tinh thần mạo hiểm, óc sáng tạo, sự suy tưởng, cảm quan về thái độ quân bình , lòng nhân ái,sự tin tưởng, óc khôi hài, có chung những cảm nhận bình thường, lòng biết ơn và sự bền chí.

Nhà mô phạm Clark cho hay đức tính bền chí là dạy cho con trẻ đừng bỏ cuộc, một đức tính mà theo ông, sẽ giúp các em mãi mãi sau này trên trường đời nữa.

Trẻ con thường dễ nản chí. Vì vậy tôi hết sức cố gắng để dạy cho các em thấy rằng chúng ta không thể bỏ cuộc. Các em sẽ phải có sức mạnh tinh thần và quyết tâm theo đuổi ước mơ nếu các em muốn giấc mơ đó trở thành sự thực.

Để khuyến khích các học sinh theo đuổi giấc mơ của các em, nhà mô phạm này nói rằng cả thày cô lẫn phụ huynh đều phải có óc sáng tạo. Họ phải hiểu biết về khả năng của học trò và con em của họ và hiểu xem con trẻ ưa thích những gì .

Tác giả cuốn sách tin rằng cha mẹ và thày cô là những người lớn đóng vai trò quan trọng nhất trong cuộc đời một đứa trẻ., và họ cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau.

Thầy cô và phụ huynh phải theo dõi sát học trò và con em mình. Tôi rất thường hay gọi điện thoại đến cho phụ huynh học sinh. Tôi gửi giấy về nhà báo cáo cho cha mẹ các em. Điều mà tôi nhận thấy là bỏ một chút thời giờ và cố gắng thêm một chút để tiếp xúc với phụ huynh, cho họ biết là con em họ học hành, xử sự ra sao sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều thời giờ tính về lâu về dài vì làm như vậy cha mẹ các em sẽ cùng hợp tác với tôi, để họ chỉ dẫn, theo sát cho con cái họ ở nhà và chúng tôi trở thành một ê kíp làm việc chặt chẽ với nhau.

Bà Faith Simmons trở thành một người trong ê kíp đó khi con trai bà, em Timmy học trong lớp của thày Clark. Bà cho biết thoạt đầu, cách dạy dỗ của thày Clark không dễ cho bà tí nào.

Tôi bị thầy Clark bất thình lình đến gõ cửa nhà tôi rồi bước vào, đòi tôi phải ngồi xuống nghe ông nói chuyện về con tôi trong trường như thế nào. Lại còn có những lần Timmy mang theo bài vở về nhà để cho tôi phải làm cùng với nó nữa. Tôi lấy làm lạ, tự hỏi sao cái nhà ông này lại trông chờ tôi phải ngồi xuống cùng làm bài tập với con tôi, làm sao mà ông ta lại giao bài tập cho cả má học trò của ông ấy nữa là thế nào ? Nhưng khi đã quen với cung cách làm việc của ông thì tôi mới nhận thức được rằng chuyện ông làm quan trọng biết chừng nào. Ông cố gắng để đoan chắc được rằng cha mẹ cần phải dự phần vào việc dạy dỗ con cái.

Bà Simmons cho biết nhờ thày Clark dạy dỗ mà con bà học hành tấn tới hơn, đồng thời cậu bé cũng có được một thái độ hăng hái hơn trong việc học hỏi.

Ông đã tạo cho con tôi cũng như nhiều đứa trẻ khác mà ông dạy dỗ không biết bao nhiêu là cơ hội. Ông đã dẫn học trò đi nhiều nơi , giảng giải cho các em những điều mà các em chưa từng thấy. Những môn học mà trước đây con tôi rất ghét đã trở thành những môn mà cháu thích nhất, như môn sử ký và địa lý. Thày Clark đã biến những môn học khô khan này thành những để tài vui thích của các em. Ông giảng giải bằng một lối rất dễ hiểu nên con tôi ngày nào cũng nôn nóng cắp sách đến trường. Làm cha mẹ mà quí vị thấy điểm thi của con em mình tăng lên được 50%, 75%, 80% thì quí vị sẽ thấy nhẹ cả người.

Theo nhà mô phạm Clark thì tìm ra và thu dụng được những thày cô có khả năng truyền đạt và dạy dỗ như vậy không phải là chuyện khó. Ông cho biết ông đã gặp rất nhiều giáo chức hội đủ tất cả những đức tính và khả năng như vậy trong chuyến đi vòng quanh nước Mỹ trong 2 năm. Theo ông vấn đề nằm ở chỗ là làm sao giữ được những giáo chức như vậy ở lại trong nghề mô phạm.

Điều đáng buồn là giáo chức không được trả đồng lương xứng đáng. Tôi đã thấy có rất nhiều giáo chức đầy khả năng phải bỏ nghề. Tôi cho rằng nếu chúng ta thực sự muốn thay đổi phẩm chất giáo dục ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới thì chúng ta phải đến bù cho công việc mà các giáo chức đang làm, vì đây là một công việc khó khăn. Dạy học là công việc khó khăn nhất trên thế giới. Thầy Ron Clark gợi ý rằng một bầu không khí làm việc với sự nâng đỡ sẽ giúp cho các giáo chức hoàn tất sứ mạng của họ. Ông nói rằng những giáo chức dày kinh nghiệm có thể đỡ đầu cho những đồng nghiệp mới ra trường. HọÏ có thể truyền đạt kinh nghiệm dạy dỗ và những bí quyết trong nghề, từ cách soạn bài vở cho đến cách giao tiếp với phụ huynh học sinh.

Và cũng giống như các bậc cha mẹ yêu thương con cái, nhà mô phạm, tác giả cuốn “11 Điều Tuyệt Hảo” nói rằng một giáo chức có lương tâm phải là con nguời kiểu mẫu, hướng dẫn cho học sinh của mình biết rằng những mơ ước trong đời của các em là chuyện có thể thành đạt được, cho dù mơ ước đó có vẻ như rất xa vời.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG