Đường dẫn truy cập

Họp báo về vấn đề gia nhập WTO của Việt Nam. - 2004-09-29


Chiều thứ Tư, ông Shaun Donnelly, Phó Trợ Lý Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ đặc trách Kinh Tế và Doanh Nghiệp đã họp báo tại thành phố Hồ Chí Minh sau khi gặp các giới chức cao cấp trong chính phủ Hà Nội vào buổi sáng. Huy Phương đến dự và ghi lại:

Trả lời câu hỏi chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp trong cuộc đàm phán song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, để Việt Nam có thể gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đúng thời hạn, Phó Trợ Lý Donnelly cho biết:

Phần quan trọng thứ nhì trong cuộc thảo luận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vào tháng 10 sẽ là cuộc thảo luận về tiếp cận thị trường. Bất cứ quốc gia nào muốn gia nhập WTO đều phải đàm phán với các quốc gia đối tác quan trọng nhất của mình, và giải quyết tất cả mối quan tâm do phía bên kia đặt ra, ví dụ như quan tâm về dịch vụ tài chánh, luật lệ về đầu tư và bảo vệ tài sản trí tuệ, một vài mặt hàng nông nghiệp v.v.

Đây có thể là một tiến trình lâu dài, nhưng phía Hoa Kỳ rất muốn xúc tiến càng nhanh càng tốt.

Nhưng WTO đặt một số tiêu chuẩn. Nếu Việt Nam muốn gia nhập WTO thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn đó. Nếu phía Việt Nam sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn đó thì cuộc đàm phán sẽ tiến rất nhanh, và đó cũng là mối hy vọng của phía Mỹ. Rồi đây Việt Nam sẽ thấy nước Mỹ là một đối tác tốt và có thái độ linh hoạt. Vấn đề cơ bản ở đây là thái độ của chính phủ Việt Nam . Không hiểu chính phủ Việt Nam có muốn tiến tới nhanh chóng hay không. Phía Việt Nam có sẵn sàng giải quyết những gì còn tồn tại một cách nhanh chóng hay không?

Trả lời câu hỏi liệu những tiêu chuẩn do Hoa Kỳ đặt ra có quá cao hay không, Phó Trợ Lý Donnelly nói:

Ông không nghĩ rằng đây là những tiêu chuẩn quá cao. Đây là những tiêu chuẩn nếu muốn là thành viên của câu lạc bộ mà chúng ta gọi là WTO. Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn giống như các thành viên khác trong câu lạc bộ, trong đó có một số vấn đề quan trọng như vấn đề thuế quan. Mục tiêu WTO là giảm bớt những rào cản thương mại, như thuế quan, để trao đổi thương mại có thể xúc tiến một cách tự do. Nếu Việt Nam gia nhập WTO thì Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận nhiều hơn, chẳng những thị trường của Mỹ , mà còn thị trường Tây âu và Trung Quốc.

Chuyện này giống như đồng tiền hai mặt, và mặt bên kia của đồng tiền là Việt Nam cần mở cửa thị trường. Nếu Việt Nam mở cửa thêm nữa cho mọi sự tham gia của nước ngoài thì đó là một điều tốt cho Việt Nam. Những gì mà Hoa Kỳ đàm phán với Việt Nam không khác những gì mà Hoa Kỳ đã đàm phán với các nước từng gia nhập WTO. Hoa Kỳ không đòi hỏi Việt Nam làm những điều bất khả thi, Hoa Kỳ cũng không ép buộc Việt Nam phải chấp nhận bất cứ điều gì. Hoa Kỳ sẽ đàm phán với thái độ hết sức thực tế.

Và để kết luận, Phó Trợ Lý Donnelly nói rằng quả bóng đang nằm trên phần sân của Việt Nam:

Thực chất của việc gia nhập WTO là gia nhập cộng đồng quốc tế, được hưởng lợi sau khi trở nên một thành viên thực thụ, và nhận lãnh những nghĩa vụ. Nguyên tắc cơ bản của WTO là phải cởi mở hơn về mặt thương mại và đầu tư. Do đó ông nghĩ là phải có một quyết định về phía chính phủ Việt Nam. Quyết định này chỉ có mình Việt Nam mới có thể đưa ra được. Hoa Kỳ không thể ép buộc Việt Nam. Chính phủ Mỹ không bao giờ nói rằng Việt Nam phải làm thế này, làm thế nọ. Nhưng nói chung cần phải có sự cởi mở trong nền kinh tế. Phải có sự tham dự thêm của nhiều nhà đầu tư, nhiều công ty nước ngoài.

Điều này không chỉ có lợi cho Hoa Kỳ mà còn có lợi cho phía Việt Nam nữa. Vấn đề bây giờ là hoàn toàn tùy thuộc về lập trường của chính phủ Việt Nam. Nếu Việt Nam đến bàn đàm phán với thái độ sẵn sàng thì không riêng gì nước Mỹ mà tất cả các nước khác của WTO sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam để tìm ra một chương trình khả thi. Nhưng nếu chính phủ Việt Nam đến bàn đàm phán mà nói rằng chúng tôi không thể làm cái này, không thể làm cái nọ thì như vậy sẽ rất khó khăn, và cuộc đàm phán sẽ kéo dài rất nhiều.

Theo ý kiến riêng của ông nếu cuộc đàm phán tiến hành một cách nhanh chóng thì sẽ rất nhiều ngành có lợi, nhất là ngành dệt may.

Một số đề tài rất là dễ giải quyết và số khác thì không dễ. Nhưng Việt Nam cần giải quyết bởi vì các nghĩa vụ của WTO không phải là một thực đơn mà chúng ta có thể tự chọn, mà là cả một chương trình. Không ai có thể ra lệnh cho Việt Nam làm cái này cái nọ. Điều đó tuỳ theo lối tiếp cận mà Việt Nam đem đến bàn đàm phán.

Huy Phương tường trình từ thành phố Hồ Chí Minh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG