Những thổ dân tại bắc Mỹ và nam Mỹ đều được gọi chung dưới cái tên là Indian, mà người Việt vẫn gọi là người da đỏ. Trong tuần này một bảo tàng viện mới đã được khai trương để giới thiệu và tôn vinh nền văn hóa của các sắc dân này. Thông tín viên truyền hình của đài Tiếng nói Hoa Kỳ Craig Fitzpartick đã nói chuyện với hai nhà vẽ kiểu đã để lại ấn tượng độc đáo tại bảo tàng viện khác thường này. Hôm nay Lá Thư Mỹ Quốc mời quí thính giả nghe giới thiệu đôi nét về bảo tàng viện vừa được khai trương ở thủ đô Washington.
Bảo tàng viện quốc gia dành cho ngừơi da đỏ Mỹ chiếm một chỗ đặc biệt nơi quảng trường ở thủ đô Washington. Cũng giống như ở hầu hết trên toàn thể nước Mỹ, tại nơi này ngày xưa, nhiều thế hệ trước của người da đỏ đã săn bắn, câu cá nuôi sống gia đình. Giờ đây sau hơn 10 năm hoạch định và xây dựng, những sắc dân da đỏ ở Bắc Mỹ lẫn nam Mỹ nay đã có được 1 bảo tàng viện tồn trữ những di tích, cổ vật và các vật dụng và cũng là nơi trưng bày nghệ thuật, lịch sử và văn hóa của họ. 4 người da đỏ ở Mỹ, 2 nam và 2 nữ, đã tham gia vào việc vẽ kiểu để người ta có thể hình dung ra khung cảnh của miền tây hoang dã của nước Mỹ khi xưa. Kiến trúc sư John Paul Jones cho biết khi bắt đầu đề án, ông muốn tạo một khung cảnh độc đáo cho bảo tàng viện.
Chúng tôi muốn là ngay khi khách bước vào bảo tàng viện này họ sẽ cảm thấy là đã đi vào một nơi chốn khác. Chúng tôi muốn bảo tàng viện này là nơi mang nhiều sắc thái thiên nhiên hơn. Và thực sự bảo tàng viện này mang một hình thái rất gần gũi với thiên nhiên, khác xa với những bảo tàng viện quanh nơi quảng trường này, đó là những bảo tàng viện mang nhiều ảnh hưởng của kiến trúc Hy Lạp và La Mã. Kiến trúc của bảo tàng viện da đỏ không có những đường nét thẳng băng và được tạo mẫu theo hình nhừng khối đá bị khí hậu xói mòn nơi quê hương của nhiều sắc dân da đỏ ở Mỹ. Một nhân vật nữa trong toán vẽ kiểu là bà Donna House, một chuyên gia về thảo mộc dân tộc, muốn rằng bảo tàng viện này phải bao gồm cả những cây cỏ thiên nhiên vẫn là một phần trong đời sống của người da đỏ.
Điều mà chúng tôi thấy quan trọng đối với người dân da đỏ ở Bác và nam Mỹ là đất, đá, thiên nhiên, bầu trơiø và vũ trụ, và sự tương quan giữa các thành tố này.
Vì thế khu vườn chung quanh bảo tàng viện có cả những tảng đá lớn và cây cỏ cùng với dòng suối chảy. Dòng suối này tượng trưng cho dòng Tiber xưa kia đã chảy qua vùng đất này. Những người vẽ kiểu cho bảo tàng viện cũng muốn cửa chính phải quay về hướng đông nơi mặt trời mọc và để cho khách ra khỏi bảo tàng viện này sẽ nhìn thấy ngay điện Capitol, trụ sở quốc hội Hoa Kỳ.
Hầu hết lãnh thổ Hoa Kỳ xưa kia là nơi người da đỏ sinh sống. Các tiểu bang, thành phố và sông ngòi đều mang những tên da đỏ, như Kansas, Utah, Chicago và Chesapeake . Bảo tàng viện này sẽ giúp cho người dân Mỹ và những dân tộc khác nhớ đến lịch sử đầy hãnh diện của những sắc dân bản địa này.
Đây là một nơi giúp chúng ta có thể nói cho hậu duệ của những người da đỏ thổ sinh ở quốc gia này biết rằng người da đỏ chúng ta vẫn còn tồn tại, và vẫn sẽ tiếp tục lối sống của chúng ta. Bảo tàng viện này là một nơi giúp chúng ta làm được việc đó và nó sẽ là biểu trưng cho tất cả mọi sắc dân da đỏ ở lục địa bắc Mỹ này.