Đường dẫn truy cập

Việt Nam sẽ bắt đầu các chuyến bay thương mại trong tương lai đến quần đảo Trường Sa. - 2004-08-24


Việt Nam có thể bắt đầu các chuyến bay thương mại trong tương lai gần đây đến quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp, vì việc xây dựng một phi cảng dự trù sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.

Thứ trưởng giao thông vận tải Nguyễn Tiến Sâm hôm thứ ba cho hãng tin Reuters biết rằng bộ quốc phòng đang xây dựng một phi cảng ở đó. Nếu phi cảng hoàn tất thì có thể thực hiện các chuyến bay bất cứ khi nào.

Hồi tháng 5, các giới chức ngành du lịch đã nói rằng phi cảng ở đảo Trường Sa Lớn có phi đạo dài 600 mét theo dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Theo các chuyên gia hàng không thì chỉ có các máy bay chở khách cỡ nhỏ có thể cất và hạ cánh trên phi đạo có chiều dài như thế.

Phi cảng này nằm trong các tham vọng du lịch của Hà Nội trong một khu vực mà nhiều nước châu Á đang đòi chủ quyền và có nguy cơ gây khó chịu cho đại lân bang Trung Quốc.

Việt Nam đã có các cơ sở quân sự và viên chức chính quyền địa phương trong khu vực gồm các đảo rải rác trong vùng biển đông nơi đã xảy ra các vụ đụng độ giữa hải quân Việt Nam và tầu của Trung Quốc vào năm 1988. Bất chấp sự phản đối của các nước đòi chủ quyền quần đảo Trường Sa là Trung Quốc, Philippin và Đài Loan, hồi tháng trước Việt nam đã đưa nhóm du khách đầu tiên đến quần đảo này.

Tin của các cơ quan truyền thông trong tháng này ghi nhận Vietnam Airlines Services, một chi nhánh của hãng hàng không quốc doanh, đã dự định các chuyến bay đến quần đảo Trường Sa.

Khi được hỏi về chuyện này, ông Sâm nói rằng ông chưa nhận được đề nghị của họ và chính phủ cũng chưa cho phép các chuyến bay đến đó. Ông Sâm đưa ra lời phát biểu bên lề hội nghị hàng không do công ty Boeing bảo trợ. Ông cũng là tổng giám đốc của công ty hàng không dân dụng Việt Nam, là cơ quan điều hành tất cả các hoạt động hàng không dân dụng trong nước.

Phải mất 2 ngày để đi bằng tầu thủy đến quần đảo Trường Sa, nằm cách tỉnh Khánh Hoà 250 hải lý về phía đông. Cho đến nay, chỉ có các chuyến bay quân sự và họa hoằn các chuyến trực thăng thuê bao hoạt động trên tuyến đường này.

Trung Quốc, Đài Loan, Philippin, Brunei, Malaysia và Việt Nam đều nhận chủ quyền toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa, một dãy đảo đá và san hô được cho là giầu tài nguyên dầu khí.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG