Đường dẫn truy cập

Lịch sử công trình xây đắp hệ thống đường thủy và đường bộ của Hoa Kỳ. - 2004-05-24


Một trong những yếu tố để nước Mỹ trở thành một cường quốc về kinh tế như hiện nay là nhờ hệ thống đường giao thộng thủy bộ được các nhà lãnh đạo hoạch định và cho xây dựng rất sớm. Mời quí vị theo dõi Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay với bài viết của Jill Moss về lịch sử công trình xây đắp các hệ thống đường thủy và đường bộ của Hoa Kỳ.

Năm 1800, nhân dân Mỹ đã bầu ông Thomas Jefferson làm vị tổng thống thứ ba của họ. Tổng thống Jefferson vẫn mang một mơ ước là làm sao khám phá ra được một thủy lộ nối liền bờ biển Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Với viễn kiến thông thái, tổng thống Jefferson muốn xây đắp một hệ thống đường giao thông để cho việc giao thương và đi lại của dân chúng dễ dàng hơn, và nhờ đó người dân sẽ có những tiếp xúc mật thiết với nhau hơn. Vào thời tổng thống Jefferson nước Mỹ chưa trải rộng hết nguyên một phần lớn châu lục như bây giờ.

Tổng thống Jefferson đề nghị đưa một nhóm các nhà thám hiểm đi khắp bắc Mỹ để tìm cho ra một thủy lộ như vậy. Nhóm này do 2 ông Meriwether Lewis và William Clark cầm đầu. Họ đã thực hiện chuyến thám hiểm về phương tây từ năm 1803 đến năm 1806 và nhận ra rằng rặng Rocky Mountains là bức tường chắn trên con đường đi về bờ biển Thái Bình Dương. Cũng trong chuyến đi, đoàn thám hiểm thấy rằng không có một thủy lộ nào chạy dài suốt từ bờ biển miền đông sang bờ biển miền tây cả. Sau khi kết quả chuyến đi được trình lên tổng thống Jefferson, ông bèn quyết định là phải xây dựng một hệ thống giao thông khác để làm sao cho các cộng đồng liên lạc với nhau thật dễ dàng. Đó là một hệ thống bao gồm cả đường bộ, sông ngòi và đường hỏa xa. Ngoài ra còn có cả các dự án kênh đào.

Vào giữa thế kỷ thứ 19, nhiều con đường đất đã được xây đắp tại nhều nơi trên toàn quốc. Tàu chạy bằng hơi nước lưu thông trên các sông ngòi đã trở thành một phương tiện phổ thông hơn. Hệ thống kênh đào cũng giúp cho tàu bè có thêm thủy lộ để chuyên chở hàng hóa đến mọi nơi, giúp tăng sức mạnh cho nền kinh tế địa phương.

Rồi hệ thống đường hỏa xa của nước Mỹ được khởi công xây cất. Lúc đó nhiều người không tin là kỹ thuật hỏa xa sẽ giúp ích gì cho mọi người. Nhưng theo với thời gian thì xe lửa đã trở thành phương tiện giao thông và chuyên chở đường bộ phổ thông nhất tại Hoa Kỳ.

Đường hỏa xa dã có một ảnh hưởng lớn trong nền văn hóa Mỹ thế kỷ thứ 19, vượt lên trên tầm mức của một phương tiện giao thông. Chuyến xe lửa, tiếng còi tàu đã đi vào những tác phẩm văn chương của các văn hào Mỹ như Ralph Waldo Emersonm, Nathaniel Hawthorne và Walt Whitman.

Vào năm 1876, nước Mỹ ăn mừng 100 năm lập quốc. Đến lúc đó thì Hoa Kỳ đã có nhiều phương tiện vận chuyển dân chúng và hàng hóa từ các nông trại đến các thị trấn và thành phố. Thương mại phát triển, chiều hướng kinh tế thay đổi và đời sống của dân chúng được cải thiện.

Trong vòng 100 năm đầu tiên đó hệ thống giao thông vận tải đã giúp tạo dựng một nền kinh tế mới cho quốc gia.

Vào năm 1869 đường hỏa xa xuyên bang nối liền bờ biển Thái Bình Dương với Đại Tây Dương được hoàn tất. Từ đó các thị trấn và thành phố có thể mọc lên ở những nơi xa các thủy lộ và bờ biển. Nhưng để cho nền kinh tế phát triển thì nhiều cộng đồng cần phải được nối liền với nhau bằng đường hỏa xa.

Đường hỏa xa giúp ích rất nhiều cho các ngành công nghiệp, kể cả nông nghiệp. Các nông gia đã có phương cách mới chở sản phẩm đến các cửa khẩu và từ đó tàu bè chuyên chở hàng hóa, sản phẩm của họ đi khắp thế giới.

Các chuyến xe lửa có những toa tàu chứa nước đá để giữ lạnh các loại thực phẩm như thịt, sữa và các mặt hàng khác để có thể chuyên chở chúng đến những thị trường và chợ búa ở xa mà không bị hư hao.

Giờ đây thì dân chúng có thể mua được rau cỏ và trái cây tươi quanh năm. Những nông sản ở một số địa phương có thể được phân phối đi toàn quốc. Các trại chủ thường thuê mướn các công nhân từ Á châu và Mehicô đến để làm công việc đồng áng, gặt hái và đóng gói nông sản của họ.

Đến đầu thế kỷ thứ 20, các thành phố ở Hoa Kỳ đã phát triển mạnh và phương tiện giao thông trong thành phố được thiết lập. Tàu điện, những toa tàu di chuyển trên đường rầy được gắn chặt xuống mặt dường nhựa thành phố, trở thành phương tiện đi lại rất phổ thông cho người dân đô thị, giống như Hà Nội trước đây vậy.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG