Đường dẫn truy cập

Theo dõi các thiên thạch. - 2004-05-19


Cơ quan Không gian Hoa Kỳ nói rằng chương trình của cơ quan nhằm theo dõi các thiên thạch lớn có thể gây nguy hiểm cho Trái Đất, ngày càng phát hiện thêm được nhiều thiên thạch loại này. Nhưng chương trình này không theo dõi được hàng ngàn những thiên thạch khác nhỏ hơn, nhưng vẫn có thể gây thiệt hại to lớn, nếu chúng đâm vào hành tinh của chúng ta. Trong câu chuyện “Khoa học Không gian” hôm nay, Nguyễn Lê sẽ mang đến quý thính giả một số biện pháp đang được chuẩn bị để đối phó với mối đe dọa này.

Vừa qua, các chuyên gia về không gian đã trình bày trước một ủy ban về khoa học của Thượng viện Hoa Kỳ rằng nguy cơ xảy ra việc Trái Đất bị tàn phá vì một thiên thể có đường kính khoảng 1 kilomét hay lớn hơn đâm vào là chuyện cực kỳ hiếm hoi, có lẽ chỉ xảy ra 1 lần trong mỗi 100 ngàn năm. Một thảm họa như thế đã xảy ra 65 triệu năm trước đây, và được xem như là nguyên nhân đã làm cho giống khủng long bị tuyệt chủng.

Mặc dù là hiện tượng này hiếm xảy ra như vậy, Cơ quan Không gian Hoa kỳ, thường gọi tắt NASA, vẫn muốn theo dõi được 90 phần trăm của của các thiên thể này trước năm 2008, bởi vì chúng có thể gây ra những hậu quả tàn khốc. Chủ nhiệm chương trình theo dõi thiên thạch của NASA, ông Lindley Johnson, trình bày với các thượng nghị sĩ rằng sau 6 năm nỗ lực, chương trình này đã liệt kê được gần 50 phần trăm trong số khoảng 1100 thiên thạch lớn mà giới khoa học tin là đang di chuyển trên không gian.

Nhưng ông Johnson cho biết nỗ lực của chương trình không nhằm phát hiện hàng ngàn thiên thể nhỏ, có đường kính độ chừng 100 mét hay hơn. Những thiên thạch nhỏ này thường đâm vào trái đất khoảng vài trăm năm hay 1 ngàn năm một lần và cũng có thể gây ra những thiệt hại đáng kể. Ông Johnson nói:

“Những thiên thạch cỡ này có thể tàn phá một châu lục nếu chúng rơi xuống đất liền. Tuy nhiên, nếu chúng rơi xuống một đại dương thì đợt sóng lớn, tức là đợt sóng thần, mà chúng gây ra, sẽ có tác động đối với cả hai bên bờ đại đương. Chúng tôi chưa theo dõi số thiên thạch này. Chúng tôi sẽ phát hiện ra chúng khi chúng đến đủ gần Trái Đất để các máy cảm biến của chúng tôi phát hiện ra chúng. Nhưng hiện nay chúng tôi biết rằng có rất nhiều thiên thạch loại này trong không gian.”

Nhà thiên văn học Wayne Van Citters thuộc Quỹ Khoa học Quốc gia, tức cơ quan của chính phủ tài trợ cho hầu hết các công trình nghiên cứu phi y học của Hoa Kỳ, nói rằng Hoa Kỳ có thể làm nhiều việc hơn nữa để mở rộng hoạt động theo dõi những thiên thạch cỡ nhỏ bay gần Trái Đất. Ông cho biết cơ quan của ông và NASA đang xem xét việc làm thế nào để thực hiện điều đó bằng cách sử dụng công nghệ viễn vọng kính mới đang được phát triển.

Một viễn vọng kính mới đang được dự tính xây dựng--có tên là Viễn vọng kính thăm dò thời tiết học cỡ lớn--sẽ có độ nhạy 50 lần lớn hơn bất cứ đài thiên văn nào hiện có trên Trái Đất. Ông Citters giải thích:

“Nhờ phương cách hoạt động của chúng, những thiết bị giống như Viễn vọng kính thăm dò thời tiết học cỡ lớn này đương nhiên sẽ giúp liệt kê hàng chục ngàn thiên thạch loại nhỏ. Người ta ước tính rằng các cuộc thăm dò sẽ được hoàn tất trong khoảng từ 7 năm đến 20 năm. 90 phần trăm các cuộc thăm dò những thiên thạch có đường kính ít nhất là 140 mét sẽ được hoàn tất. Điều này dĩ nhiên là một sự gia tăng đáng kể trong hiểu biết của chúng ta về các thiên thể này.”

Cũng trong cuộc điều trần tại ủy ban khoa học của Thượng viện vừa kể, phi hành gia không gian Mỹ Ed Lu, chủ tịch của một tổ chức gọi là Quỹ B- 612, lập luận rằng NASA nên cho một tên lửa đáp xuống một thiên thạch trước năm 2015 để kiểm tra xem tên lửa này có làm thay đổi đước hướng bay của thiên thạch một vài độ hay không. Phi hành gia Ed Lu nói rằng một khả năng như vậy có thể cứu được hành tinh của chúng ta nếu các cuộc thăm dò không gian có thể giúp báo động trước nhiều năm về một thiên thạch đang bay về hướng Trái Đất.

Phi hành gia Ed Lu nói rằng việc cho một tên lửa hạ cánh xuống một thiên thạch như thế cũng có thể giúp kiểm tra công nghệ hạt nhân và các công nghệ sức tống khác mà NASA đang phát triển để trong tương lai có thể đưa người lên Sao Hỏa, theo chương trình mới về thám hiểm không gian của Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush. Ông Lu cũng nêu lên sự kiện rằng một hệ thống sức tống như vậy chắc chắn phải có công suất lớn hơn những hệ thống sử dụng hóa chất hiện nay mới có thể làm xê dịch một khối thiên thạch nặng nhiều triệu tấn. Phi hành gia Ed Lu tiên đoán:

“Rồi ra con người cần phải lo liệu lấy vận mạng của mình bằng cách này, nếu không thì một ngày nào đó chúng ta sẽ phải đi theo con đường của giống khủng long, khi khối thiên thạch lớn kế tiếp đâm vào Trái Đất.”

Tháng ba năm nay, một thiên thạch loại nhỏ như thế-có đường kính chừng 30 mét và được đặt tên là 2004 FH-bay ngang Trái Đất ở khoảng cách chỉ 40 ngàn kilomét. Và đây là khoảng cách gần nhất ghi nhận được từ trước tới nay giữa 1 thiên thạch và hành tinh của chúng ta. Thiết bị phát hiện được thiên thạch vừa kể là một viễn vọng kính có tên là Viễn vọng kính Lincoln nghiên cứu các thiên thạch gần Trái Đất, được đặt tại một góc của Xạ trường Phi đạn White Sands thuộc bang New Mexico và do Viện Công nghệ Massachusetts điều hành. Nếu thiên thạch này đâm vào Trái Đất, nó có thể san bằng một diện tích rừng khảng 160 kilomét vuông.

Theo ông Roger Sudbury, một nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Lincoln, một cơ sở của Viện Công nghệ Massachusetts, thì sở dĩ viện này chọn bang New Mexico làm nơi đặt viễn vọng kính là vì bầu trời ở bang này vẫn nổi tiếng rất đen tối vào ban đêm. Ông nói rằng bang này ít có mưa vào ban đêm, và bầu trời cũng ít bị nguồn ánh sáng nhân tạo làm nhạt bóng tối vào ban đêm, nên có những điều kiện lý tưởng đề quan sát các thiên tượng.

Ông Grant Stokes, một nhà thiên văn học, nói rằng hiện nay, nếu có một thiên thạch khổng lồ nào sắp đâm vào Trái Đất, thì có phần chắc là viễn vọng kính này sẽ nhìn thấy nó đầu tiên.

Ông Stokes cho biết các nhà thiên văn học mỗi năm tìm ra được khoảng 70% trong tổng số các thiên thạch mới. Ông cũng nói rằng có lẽ có chừng 100 ngàn thiên thạch dài khoảng 30 mét đang bay trong không gian có thể tiến đến gần Trái Đất.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG