Đường dẫn truy cập

Số sinh viên ở Mỹ mất nhiều hơn 4 năm để tốt nghiệp đại học đang trên đà gia tăng. - 2004-05-05


Sau bốn năm theo học ở Đại học Tiểu bang Michigan và lấy đủ số tín chỉ để tốt nghiệp, anh Eric Morath đã có thể ra trường với văn bằng cử nhân khoa báo chí hồi tháng 5 năm ngoái. Nhưng thay vào đó, anh lại quyết định học tiếp một năm nữa để lấy thêm những tín chỉ cho chuyên ngành thứ nhì về khoa kinh tế học. Anh hy vọng là số điểm cao và kinh nghiệm làm chủ bút cho tờ báo của trường cộng với những kiến thức về kinh tế sẽ giúp anh tìm được một việc làm vừa ý. Quyết định vừa kể của anh Morath là một quyết định tốt đối với cá nhân anh, nhưng nó đã tạo ra những vấn đề khó khăn cho trường đại học mà anh đang theo học.

Theo tường thuật của tờ Christian Science Monitor, số ra ngày thứ Ba vừa qua, số sinh viên ở Mỹ mất nhiều hơn số năm tiêu chuẩn là 4 năm để tốt nghiệp đại học hiện đang trên đà gia tăng. Trong số đó có những sinh viên ở vào trường hợp như anh Morath, nhưng cũng còn nhiều sinh viên khác ở vào những tình trạng bất khả kháng như phải đi làm thêm vì điều kiện kinh tế khó khăn, hoặc phải mất thêm thời giờ để hoàn tất những khóa học bổ túc, hoặc những lớp học mà họ bắt buộc phải lấy để ra trường lại không con đủ chỗ khi họ ghi danh. Tờ Christian Science Monitor trích dẫn một bản phúc trình của Trung Tâm Thống Kê Giáo Dục thuộc Bộ Giáo Dục cho biết: trong số các sinh viên lấy bằng cử nhân năm 2000, chỉ có 35% là đã hoàn tất chương trình trong vòng 4 năm. Tỉ lệ này của năm 1993 là 39%.

Đối với nhiều trường đại học, những sinh viên ra trường trễ sẽ chiếm mất chỗ dành cho những sinh viên mới. Ông David Colbum, giám học của Đại học Florida, cho biết: trong niên khóa vừa qua trường của ông đã nhận đến 25 ngàn đơn xin nhập học trong lúc chỉ đủ chỗ để nhận 6 ngàn 700 sinh viên năm thứ nhất. Để giúp giải quyết vấn đề này, Đại học Florida đã đề ra chỉ tiêu là nâng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp trong vòng 4 năm từ 52% hiện nay lên đến 75%.

Tình trạng bị thiếu chỗ không phải là vấn đề duy nhất mà các sinh viên ra trường trễ mang lại cho các giới chức quản trị đại học. Các sinh viên này còn khiến cho tình trạng tài chánh của các trường công lập, vốn đã bị khó khăn vì nguồn tài trợ từ chính phủ tiểu bang bị sút giảm trong mấy năm vừa qua, lại càng trở nên khó khăn hơn.

Theo các chuyên gia, khoảng 2/3 chi phí giáo dục ở các trường đại học công lập là do chính phủ tiểu bang tài trợ, và thời gian sinh viên ở lại trường lâu chừng nào thì khoản tiền mà những người thọ thuế phải bù đắp cho chi phí giáo dục của sinh viên này càng cao chừng đó.

Để giúp giải quyết phần nào những khó khăn của vấn đề này, Đại học Tiểu bang Michigan đang cứu xét đến việc áp dụng một mức học phí trần, theo đó các sinh viên sẽ chỉ trả học phí cho 5 môn học của một học kỳ bất kể là họ lấy bao nhiêu lớp. Mục đích của kế hoạch này là khuyến khích các sinh viên học thêm nhiều lớp hơn trong mỗi học kỳ để có thể ra trường trong vòng 4 năm. Trong khi đó, Hội đồng Quản trị của Hệ thống Đại học Tiểu bang California lại quyết định hạn chế số tín chỉ bắt buộc của tất cả các ngành học để giúp sinh viên có thể hoàn tất chương trình học nhanh hơn.

Tường thuật của tờ Christian Science Monitor trích thuật nhận xét của bà Sally Stroup, Trợ lý Bộ trưởng Giáo dục đặc trách Giáo dục Cao đẳng và Đại học, cho biết: các trường đại học ở miền Nam và Tây Nam Hoa Kỳ, nơi dân số đang trên đà gia tăng nhanh chóng, đã rất tích cực trong việc đề xuất những phương pháp để khuyến khích sinh viên hoàn tất chương trình bậc cử nhân trong vòng 4 năm. Các nhà lập pháp của tiểu bang Texas đang soạn thảo một kế hoạch để xóa nợ của một số sinh viên tốt nghiệp trong vòng 4 năm.

Trong khi đó, giới hữu trách ở tiểu bang Florida cũng đang cứu xét đến một biện pháp để hạn chế số sinh viên ra trường trễ bằng cách qui định những sinh viên nào ghi tên học thêm những lớp nằm ngoài chương trình phải trả mức học phí của sinh viên ngoài tiểu bang, thường là cao hơn khoảng 3 lần mức học phí dành cho sinh viên là cư dân trong tiểu bang.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG