Cách đây ba tuần, Việt Nam đã phong tỏa vùng tây nguyên, hủy bỏ các chuyến bay, dựng rào cản đường và bưng bít mọi tin tức sau khi hàng ngàn người Thượng biểu tình đòi đất đai và tự do tôn giáo.
Dưới áp lực của các tổ chức quốc tế tranh đấu cho nhân quyền và Liên Hiệp Âu Châu, tuần trước Việt Nam đã cho phép các ký giả nước ngoài đi thăm 2 tỉnh đã xảy ra các vụ đụng độ giữa người Thượng và nhà cầm quyền vào hai ngày 10 và 11 tháng Tư. Chính phủ Việt Nam nói có 2 người biểu tình đã bị thiệt mạng, nhưng các tổ chức nhân quyền đã báo cáo có tới 10 người chết và mấy trăm người bị thương.
Các tổ chức nhân quyền thoạt đầu đã hy vọng chuyến đi là một dấu hiệu cởi mở của chính quyền cộng sản Việt Nam, lâu nay vẫn bị tố cáo là ngược đãi người thiểu số và đàn áp đối lập. Nhưng vấn đề đặt ra cho chuyến đi 3 ngày này là sẽ không ai được phép tự do tường thuật.
Các ký giả bị kiểm soát chặt chẽ đã được đưa đến 2 ngôi làng mà các giới chức đã chọn sẵn những người Thượng được phỏng vấn. Các phóng viên cũng được chở đến 8 ủy ban nhân dân, 2 bệnh viện và một đồn công an trong chuyến đi do nhà nước tổ chức, và là dịp để các viên chức địa phương báo cáo dài dòng về các thành quả.
Các giới chức đều lên án các lực lượng phản động ở Hoa Kỳ là khích động các cuộc biểu tình và lừa dối dân làng bằng những lời hứa hẹn cho tiền và đi định cư ở Mỹ.
Các cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam đã dự những buổi họp báo nhưng chỉ lo quay phim các ký giả nước ngoài. Chuyến đi được quảng bá trong cả nước là một thành công.
Một tác giả chuyên nghiên cứu về Việt Nam là ông Neil Jamieson nhận định rằng, chính phủ Việt Nam "thực sự lo bênh vực cho mình." "Họ áp dụng các thủ tục thường lệ bởi vì làm như thế là an toàn nhất, theo đúng truyền thống không vạch áo cho người xem lưng."
Việt Nam không nhận là có việc đàn áp tôn giáo, nhưng chính phủ chỉ cho phép một số các giáo hội được phép hoạt động và đã cấm đạo Tin Lành Dega mà một số người Thượng theo bởi vì họ cho rằng giáo lý đạo này đe dọa đến tình đoàn kết dân tộc.