Đường dẫn truy cập

Tưởng niệm tháng 4: Những hoài niệm về Hà Nội và Sài Gòn. - 2004-04-26


Vào khoảng thời gian này 29 năm trước đây thủ đô Sài Gòn đang trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng và sau ngày 30 tháng tư năm đó, người dân miền nam đã phải trải qua gần 2 thập niên khốn đốn, lao đao. Nhưng bây giờ cát bụi hầu như đã lắng xuống, nhiều người tỵ nạn ra khỏi nước đã trở về thăm lại cố hương. Hà Nội, thủ đô hành chính, và Sài Gòn, thủ đô thương mại của Viet Nam hiện nay, đã được tờ Thế Kỷ 21, được coi là một trong những tờ báo có uy tín nhất của người Việt Hải ngoại, dành ra 2 số đặc biệt để nói về nhiều nét của hai thành phố này.

Điều mà người ta nhận thấy rõ nhất là qua những bài viết, bút ký, phóng sự, truyện ngắn, phỏng vấn đăng trên 2 số báo này là lòng yêu mến quê hương , hay đúng hơn là yêu mến chính những hoài niệm về hai thành phố đó của những người đã có thời sống ở đấy và đã từ giã chúng để ra đi, cũng như những mơ ước mong cho người dân giữ lại được cái hay, cái đẹp trong lúc cố gắng theo kip đà tiến của thế giới. Lá Thư Mỹ Quốc kỳ này sẽ đem đến quí thính giả một đôi nét được đề cập đến trong hai số báo đặc biệt này. Tờ Thế Kỷ 21, số ra tháng 9 năm 2003, đã có một loạt bài về Hà Nội với những hình ảnh do Tôn Nữ Thu Nga ghi lại trong ống kính ngay từ trang bìa với hồ gươm, tháp rùa, cành phượng vỹ, bên trong là hình dáng cô gái đội chiếc nón lá, đạp xe đạp với những giỏ hoa đằng sau để bán cho khách, cảnh gánh gồng chợ búa và những sinh hoạt của người dân, các “diễn viên” múa rối nước v..v.. Nội dung là một tập hợp của những bài viết về Hà Nội, có những bài viết đã từ lâu như “Hà Nội Trong Mắt Tôi” của Phạm Xuân Đài, viết năm 1989 khi tác giả còn ở Sài Gòn nhân chuyến ra thăm lại chốn cũ và sau đó bài đã dược in trong cuốn tùy bút Hà Nội Trong Mắt Tôi được tờ thế Kỷ 21 xuất bản năm 1994. Sau đây là một chút nhận xét của tác giả về Hà Nội trong chuyến đi năm 1989:

“Hà Nội quả là một thành phố đẹp. So với những thành phố khác mà người Pháp đã xây dựng trên nước ta như Sài gòn, Đà nẵng, Đà Lạt thì Hà Nội được xây dựng với một chủ đề văn hóa rõ rệt và công phu nhất. Họ xây dựng công thự, khu hành chánh, những “khu phố tây,” nhưng đồng thời cũng giữ lại phần Hà Nội cổ với khu buôn bán, khu cổ thành và các di tích. Có thể thấy rõ sự cố gắng của họ để cái mới và cái cũ cùng tồn tại cạnh nhau mà không làm hỏng nhau, và để đạt được điều đó, mỗi một kiến trúc mới của họ đều có một trình độ mỹ thuật cao và đẩy tính văn hóa, tính cổ điển sao cho phù hợp với quần thể kiến trúc sẵn có nơi kinh đô chính trị văn hóa nghìn năm của ta. Các tòa nhà như dinh toàn quyền, viện Bác Cổ, nhà Hát Lớn…đều được vẽ kiểu tráng lệ mà có một vẻ đẹp sâu thẳm như gắng chứa đựng trong đó cả chiều dày đời sống tinh thần nghìn năm văn hiến của đất cố đô cùng cái rực rỡ của nền văn minh Pháp. Các biệt thự ẩn hiện sau các hàng cây rợp bóng ven đường thì mỗi cái có thể nói là một tác phẩm nghệ thuật, liên kết cùng nhau thành một tổng thể hòa hợp, duyên dáng đến làm mê lòng người.”

Ký sự ghi lại chuyến thăm Hà Nội của Đỗ Tuyết Khanh năm 2000, sau thời kinh tế đã mở cửa với tựa đề “Phở Tổng Thống và Siêu Khuyến Mãi” khen ngợi sự tiến bộ trong lối tiếp đãi hành khách của các cô tiếp viên hàng không Việt Nam hiện nay, đã khác hẳn với lần bà về thăm Hà Nội trên chiếc Ilioutchine năm 1979 .

Theo nhận xét của bà, sức sống của Hà Nội đã bùng dậy, quá khứ sống với tương lai, vẫn có những người răng đen chít khăn mỏ quạ, vẫn thấy các bà già hay cô gái chiều chiều ra giặt giũ ở ngoài đường vì nước không vào tới nhà trong, nhưng cạnh đó là Hà Nội Hilton tráng lệ, cao vòi vọi, những siêu thị đầy đủ mặt hàng mà năm 1979 không thể nào tưởng tượng ra nổi… ở Sài gòn, tôi thấy sự buôn bán phát triển thêm nhiều sau sáu năm nhưng ở Hà Nội so với 21 năm trước thì quả là một sự bùng nổ, sự thay đổi gần như về bản chất chứ không còn ở mức độ. Hàng hóa cái gì cũng có, chất lượng khá, chỉ buồn một điều là hàng Trung Quốc thống trị thị trường, hàng Việt Nam không biết có sống nổi không. Nhưng trước mắt tất cả đều đua nhau bán buôn, hăm hở làm ăn, hối hả học Anh văn, tính toán cho tương lai.

Dường như ai cũng hy vọng thế kỷ sắp đến là thời cơ của Việt Nam , phải mau mau bắt kịp để thoát khỏi cái nghèo dai dẳng cho đến nay, vất những đói khổ lại sau lưng cùng những vướng mắc còn tồn tại để nhìn về phía trước. Tuy nhiên bà cũng ngậm ngùi sau chuyến về thăm quê ở làng Bần “Chiếc Honda có lúc phải đi thật chậm vì một bà vác cày, dắt trâu, đi đủng đỉnh xuống ao như dắt tôi ngược thời gian về một thế kỷ trước.” Sau chuyến thăm quê, trở về Hà Nội sau nửõa giờ, “tôi lại đi qua cái ngã tư gần kháck sạn chăng ngang tấm biểu ngữ quảng cáo với hàng tít lớn” Cùng Heineken nối mạng với thế kỷ 21”. Giữa con trâu làng Bần buổi sáng và dãy máy vi tính trưng bày các sản phầm ở hội thảo Linux buổi chiều hôm ấy, chỉ có 25 cây số nhưng cả một vài thế kỷ.

Số báo còn đăng bài tựa đề “Hà Nội trong Mắt Người Trí thức”: trò chuyện với Giáo sư Nguyễn Huệ Chi do Đào Tuấn thực hiện. Toàn thể bài nói chuyện đưa ra những nhận xét rất tinh tế và sâu sắc về người Hà Nội, cảnh Hà Nội ,văn hóa qua bao thăng trầm của Hà Nội, giới trí thức Hà Nội xưa và nay. Vì thời lượng có hạn, chúng tôi xin trích một đoạn ngắn câu trả lời của giáo sư Nguyễn Huệ Chi khi được Đào Tuấn hỏi rằng “hình như cái thanh lịch của người Hà Nội giờ đã khác xưa lắm?”

Sau đây là câu trả lời của giáo sư Nguyễn Huệ Chi:

“Hà Nội bây giờ mất thanh lịch đi nhiều. Sự tăng dân số một cách cơ học quá nhanh và quá lớn đã àm văn hóa truyền thống của Hà Nội phai nhạt đi. Cấu trúc gia đình cũ của Hà Nội bị phá vỡ cũng là một nguyên nhân quan trọng. Vào khoảng sau 1954, một ngôi nhà từ đời ông đời cha để lại bị chia xẻ thành năm bảy cái nhà con cho rất nhiều hộ từ đâu đâu về ở, khiến cho ứng xử của họ không còn giống như khi ngôi nhà ấy còn là một biệt thự êm đềm, trong đó có tôn ti, có nhường nhịn, có đi nhẹ nói khẽ nữa. Trật tự văn hóa đã thay đổi. Để trở lại thanh lịch như mong muốn thì phải chờ thời gian xác lập lại trật tự hợp với qui luật. Không phải bằng giáo dục một cách “nhân vi” mà được. Ngày xưa tôi thấy bố tôi nói, người ta đi ngoài đường không nói những lời sỗ sàng, bây giờ thì chuyện ấy có nhiều, nhất là với những người trẻ tuổi.”

Qua nhận xét rất nhẹ nhàng này người ta thấy đâu đây hình bóng Thạch Lam hoài niệm về một Hà Nội của ông: “Cuộc đời xưa, những ý nghĩ cũ, những hy vọng và mong ước khác bây giờ.”

Kính thưa quí thính giả, trong Lá Thư Mỹ Quốc kỳ tới, chúng tôi sẽ đề cập đến số báo đặc biệt của tờ thế Kỷ 21 xuất bản tại California, với chủ đề “Nhớ Về Sài Gòn.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG