Đường dẫn truy cập

Việt Nam cho phép nhà báo nước ngoài lên vùng Tây Nguyên. - 2004-04-26


Sau những áp lực nặng nề của quốc tế, hôm thứ Hai Việt Nam đã cho phép nhà báo nước ngoài lên vùng Tây Nguyên, hai tuần lễ sau khi hàng ngàn người dân tộc thiểu số theo đạo Cơ Đốc xung đột dữ dội với nhà chức trách trong những vụ phản kháng đông đảo.

Tin của Thông Tấn Xã AP cho hay chính phủ đã tổ chức chuyến đi, khởi sự từ Pleiku, thủ phủ của tỉnh Gia Lai và sẽ kết thúc vào ngày thứ Tư này tại thủ phủ Buôn Ma Thuột của tỉnh Daklak ở bên cạnh.

Tại thị trấn êm đềm này gần biên giới Kampuchia, người ta không thấy có dấu vết nào của một cuộc biểu tình khổng lồ bùng nổ hôm mùng 10 tháng Tư khi dân làng thuộc các sắc dân thiểu số, thường được gọi chung là người Thượng, đã đi bộ hoặc dùng xe gắn máy, xe tải đổ xuống đường để phản kháng chính phủ về chuyện đàn áp tôn giáo và tịch thâu đất đai của họ tại khoảng 20 ngôi làng.

Ông Nguyễn Vĩ Hà, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai, đổ lỗi cho một tổ chức có cơ sở tại Hoa Kỳ và có thiện cảm với người Thượng là đã khích động vụ này.

Theo ông, không có người Thượng nào chạy sang Kampuchia, dù báo chí Kampuchia tuần trước trích lời nhân viên làm việc cho các tổ chức nhân quyền nói rằng ít nhất 160 người Thượng đã bị trục xuất về lại Việt Nam.

Ông cũng bác bỏ tin nói là cảnh sát đã dùng bạo lực để dẹp đám biểu tình. Ông cho chiếu một đoạn Video đen trắng rõ ràng được cắt xén rất nhiều để cho thấy đám người biểu tình ném gạch đá vào cảnh sát và tràn vào một công ốc của chính quyền địa phương. Theo ông, 1 người biểu tình và 1 nhân viên an ninh thiệt mạng trong vụ này.

Ông cho hay đa số những người biểu tình sau đó đã trở về nhà, và có thể 3 người sẽ bị truy tố. Tổ chức Human Rights Watch tranh đấu cho nhân quyền, trụ sở đặt tại New York, thì cho hay là đã được các nhân chứng kể lại rằng lực luợng an ninh đã bắn chết 1 người biểu tình và đánh chết ít nhất 9 người khác, đồng thời gây thương tích cho nhiều người tại 3 tỉnh.

Việt Nam bác bỏ lời tố giác này, nhưng mãi cho tới thứ Hai mới cho phép nhà báo nước ngoài vào vùng này. Chuyến đi hôm thứ Hai đã bị canh chừng chặt chẽ, và nhóm nhà báo nước ngoài đã được hướng dẫn từ cuộc phỏng vấn này sang cuộc phỏng vấn khác, và được cho biết là không được tách ra khỏi đoàn và tường trình một cách độc lập.

Chính quyền bác bỏ yêu cầu của nhà báo muốn gặp những người biểu tình phản kháng đang bị cảnh sát bắt giữ hoặc thân nhân của họ. Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai cũng bác bỏ tin nói là lực lượng an ninh đã được tăng cường trong vùng kể từ khi xảy ra các vụ biểu tình phản kháng.

Theo ông, thêm nhiều giới chức địa phương đã được gửi tới các làng xã để giáo dục những người sắc dân thiểu số bị các lực luợng phản cách mạng làm cho lầm đường lạc lối.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG