Đường dẫn truy cập

Phần Lan - một trong những nước có nền giáo dục thành công nhất thế giới. - 2004-04-13


Trong những năm gần đây, các nhà giáo dục từ khắp nơi trên thế giới đã rủ nhau đến thủ đô Helsinki của Phần Lan để tìm hiểu xem những nguyên do nào đã giúp cho quốc gia Bắc Âu này trở thành một trong những nước có nền giáo dục thành công nhất thế giới. Tường thuật của tờ New York Times, số ra ngày mồng 9 tháng 4, cho biết con số các phái đoàn giáo dục quốc tế đến thăm Phần Lan đông đến nỗi một số người đã gọi việc tham quan, học hỏi về hệ thống học đường của quốc gia có 6 triệu dân này là một cuộc “hành hương giáo dục”.

Thoạt nhìn vào những số liệu tổng quát, hệ thống học đường của Phần Lan chẳng có gì xuất sắc so với các nước tiên tiến khác. Trẻ em ở đây đến 7 tuổi mới bắt đầu đi học, và ngân sách chi tiêu của chính phủ cho mỗi học sinh chỉ ở vào khoảng 5 ngàn đô la mỗi năm. Số chi tiêu này chỉ ở mức trung bình trong khối các nước công nghiệp và thấp hơn nhiều so với con số khoảng 8 ngàn đô la của Hoa Kỳ.

Các trường trung tiểu học ở Phần Lan lại không có những chương trình dành riêng cho học sinh xuất chúng và sĩ số mỗi lớp thường đông đến 30 học sinh. Tuy nhiên, trong mấy năm vừa qua, Phần Lan đã liên tiếp qua mặt 31 quốc gia khác trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, gọi tắt là OECD, để dẫn đầu trong những cuộc thẩm định học lực quốc tế. Trong khi đó, cường quốc hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ chỉ được xếp vào hạng trung bình từ hạng thứ 15 cho đến 19.

Bên cạnh việc có số điểm dẫn đầu trong các cuộc trắc nghiệm học lực quốc tế, hệ thống giáo dục Phần Lan còn có những thành quả vượt bực khác khiến cho những nhà giáo dục của các nước trên thế giới phải thán phục.

Các số liệu thống kê cho thấy chỉ có 3% học sinh Phần Lan bỏ học trước năm 16 tuổi, với 70% học tiếp trung học đệ nhị cấp và 27% theo học các trường chuyên nghiệp; và trong số học sinh tốt nghiệp trung học, có từ 60 đến 70% học tiếp bậc đại học. Một chỉ số khác cho thấy hiệu quả giáo dục rất cao của các trường ở Phần Lan là khoảng cách chênh lệch về học lực giữa học sinh giỏi và học sinh dở nằm ở mức thuộc hàng thấp nhất thế giới, tương đương với các số liệu của hệ thống giáo dục Nhật Bản và Nam Triều Tiên.

Theo nhận xét của các chuyên gia, có nhiều yếu tố phức tạp đã giúp cho Phần Lan thành công về mặt giáo dục; trong đó có những yếu tố thuộc loại khó có thể du nhập vào các nước khác, chẳng hạn như có khối dân tương đối đồng nhất và không đông, và phần lớn dân chúng có mức sống tương đối sung túc. Tuy nhiên, có một yếu tố đặc biệt quan trọng mà các nước khác có thể học được từ Phần Lan là tinh thần dân chủ trong công tác giáo dục của quốc gia Bắc Âu này.

Tường thuật của tờ The Guardian ở London trích lời ông Raji Rajanen, cố vấn bộ giáo dục Phần Lan, nói rằng: nguyên tắc chỉ đạo của nền giáo dục Phần Lan là sinh hoạt dân chủ lấy học sinh làm gốc. Ông Rajanen cho biết "Các trường không hề thực hiện việc tuyển chọn học sinh trong bất cứ giai đoạn nào. Tất cả các học sinh được dạy chung một lớp và hoàn toàn không có chuyện ở lại lớp hay học nhảy lớp. Học sinh được tự do lựa chọn những gì các em muốn học và tự quyết định về việc nên học tiếp bậc trung học đệ nhị cấp hay vào học ở các trường chuyên nghiệp. Bổn phận của giáo viên là hướng dẫn cho các em trong việc lựa chọn."

Bên cạnh đường lối dân chủ đó, các học sinh Phần Lan còn không phải thi cử nhiều như các nước khác. Dĩ nhiên là các em phải tham gia những cuộc trắc nghiệm trong lớp hoặc những cuộc khảo hạch ở trường như học sinh ở những nước khác, nhưng kỳ thi toàn quốc đầu tiên mà học sinh Phần Lan phải trải qua là kỳ thi tốt nghiệp trung học. Ngoài ra, hệ thống giáo dục Phần Lan còn có một đặc điểm nổi bật trong công tác thanh tra học đường. Ông Reijo Laukkanen, một thành viên của Hội đồng Giáo dục Quốc gia Phần lan cho biết: Khi chúng tôi đánh giá một trường, mục đích của chúng tôi là hỗ trợ và giúp đỡ ban nhân viên nhà trường phát triển. Chúng tôi chỉ hướng dẫn mà không bao giờ chỉ trích. Chúng tôi không công khai kết quả thanh tra mà cũng chẳng hề lập ra một bảng xếp hạng nào để phân biệt trường nào là trường giỏi, trường nào là trường dở. Các giới chức chính phủ cũng dành cho các vị hiệu trưởng và các giáo chức quyền tự trị cao độ. Các trường chỉ cần tuân theo một giáo trình có tính chất cốt lõi của quốc gia, còn ngoài ra họ được hoàn toàn tự do giảng dạy cho học sinh theo phương cách mà họ muốn.

Theo các chuyên gia, song song với những yếu tố vừa kể, có một yếu tố đặc biệt quan trọng đã giúp cho nền giáo dục Phần Lan đạt được thành tựu vượt bậc như hiện nay là phẩm chất và địa vị xã hội của giáo chức. Tường thuật của tờ New York Times cho biết tất cả giáo chức Phần Lan phải có ít nhất một văn bằng cao học trong ngành giáo dục, và mặc dù lương bỗng của họ không cao hơn so với giáo chức ở các nước công nghiệp khác nhưng nghề giáo ở Phần Lan là nghề được mọi người quí trọng. Nhờ vào địa vị xã hội cao và có nhiều quyền hạn trong lúc giảng dạy, có rất nhiều sinh viên Phần Lan muốn theo ngành sư phạm, và thông thường cứ mỗi chân giáo chức cần thu dụng, có đến 10 ứng viên nộp đơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG