Đường dẫn truy cập

Quần đảo Trường Sa lại trở thành nơi gây ra những cuộc tranh chấp khi Việt Nam loan báo mở tour du lịch. - 2004-04-05


Thông Tấn Xã AP có bài cho hay trong những ngày gần đây, quần đảo Trường Sa, gồm khoảng 100 đảo nhỏ, nằm trong biển đông, lại trở thành nơi gây ra những cuộc tranh chấp khi Việt Nam loan báo mở một tour du lịch tới đó, Trung Quốc tỏ phản ứng phẫn nộ, Philippines kiên nhẫn đợi chờ, và Đài Loan cho xây cất một căn chòi ngắm chim trên những hòn đảo này.

6 nước, Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei, đều cho là mình có chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần của quần đảo trong có dầu lửa, khí đốt và cá, đó là chưa kể tới chuyện nằm trong một vị trí chiến lược với rất nhiều tàu bè qua lại.

Tuần trước, Việt Nam loan báo kế hoạch đưa 100 du khách ra thăm quần đảo Trường Sa vào giữa tháng Tư để viếng các tiền đồn quân sự của Việt Nam tại đây. Việt Nam gọi tour du lịch này là một sự kiện thông thường vì quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ngay sau đó, Bắc Kinh lên tiếng yêu cầu Việt Nam hủy bỏ tour du lịch vừa kể , vì theo Bắc Kinh, Trung Quốc rõ rệt có toàn bộ chủ quyền đối với quần đảo rộng khoảng 7 kilômét vuông này. Philippines bày tỏ một thái độ thận trọng hơn. Đại sứ Philippines tại Hà Nội tỏ vẻ nghi ngờ tính cách hợp pháp của tour du lịch vừa kể và nói rằng Việt Nam có thể đã vi phạm vào một thỏa ước ký kết năm 2002 về việc tránh những cuộc tranh chấp vũ trang tại quần đảo này.

Tuy nhiên, trong chuyến viếng thăm Singapore hôm thứ Bảy vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phạm Văn Trà đã tỏ ra cứng rắn khi tuyên bố rằng Quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam và Việt Nam có quyền đưa du khách tới thăm quần đảo đó.

Đang bận rộn với những rắc rối sau cuộc tổng tuyển cử, Đài Loan không nói một lời nào, mà chỉ gửi một khinh tốc đỉnh tới quần đảo để, theo lời Việt Nam, xây một căn nhà nhỏ mà sau này Đài Loan gọi là một nhà chòi ngắm chim.

Tuy nhiên, người ta chưa rõ ai sẽ sử dụng căn nhà này. Trong quá khứ, những vụ tranh chấp qua lại như vừa kể có thể dẫn tới những vụ nổ súng, nhưng cuối năm 2002, Trung Quốc và 10 nước thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á, trong có 4 trong số 6 nước công bố có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, ký một thỏa ước cam kết giải quyết mọi tranh chấp bằng đường lối ôn hòa.

Một chuyên viên thuộc Trung Tâm Đông Tây ở Hawaii nói rằng cuộc tranh chấp về quần đảo Trường Sa trong những ngày gần đây thực ra không nghĩa lý gì so với cuộc tranh chấp giữa hai miền Triều Tiên hoặc giữa Đài Loan và Hoa Lục.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG