Đường dẫn truy cập

Quản lý ngựa rừng tại Nevada. - 2004-03-22


Cho dù người Mỹ coi Mustang, loài ngựa rừng vẫn nhởn nhơ trong các tiểu bang miền tây Hoa Kỳ , chỉ là một loài thú hoang hay coi chúng là biểu tượng của tự do, thì chúng vẫn được luật pháp liên bang bảo vệ . Chính phủ liên bang đã cho áp dụng 1 đạo luật có từ năm 1971 cấm giết hại loài ngựa rừng và phải duy trì 25 ngàn con tại nơi sinh sống của chúng trong vùng thảo nguyên . Tuy nhiên bảo vệ một đàn ngựa rừng 39 ngàn con như hiện nay ở các khu vực hoang dã với mức độ sinh sản của chúng là 20% quả thực là một thử thách lớn, nhất là ở Nevada, nơi qui tụ đến 60% số ngựa rừng của quốc gia . Lá thư Mỹ Quốc hôm nay mời quí vị theo dõi câu chuyện bảo vệ loài ngựa hoang này do TTV Ky Plaskon gửi về.

Bà Billie Young đứng trong đất bùn dưới chân 1 triền núi dốc đầy tuyết phủ trong rặng Spring Mountains. Trong chức vụ chủ tịch Hiệp Hội Toàn Quốc Bảo Vệ Ngựa Rừng, bà là một trong nhiều tình nguyện viên làm việc không ngưng nghỉ , liên tục gọi điện thoại để tìm người sẵn lòng nhận ngựa rừng về nuôi, giống như 19 con đang được tạm nuôi trong chuồng ngựa của Cục Quản Lý Đất Công ở gần đấy.

Hai lần mỗi năm Hiệp hội do bà quản trị tổ chức cuộc vận động để nhận ngựa rừng về nuôi. Để có được con ngựa rừng, người ta phải trả một lệ phí nhỏ khoảng 125 đô la, quá nhỏ so với biểu tượïng về tự do này. Có thể phải mất mấy tuần lễ thì người muốn xin chúng về nuôi mới có thể hoàn tất xong mọi thủ tục. Nhưng theo bà Young thì cũng bõ công để chờ đợi.

Qua khỏi cổng chuồng ngựa, bà Young trỏ vào con màu hung có tên là Romeo, với chiếc bờm, cái đuôi và 4 chân màu đen. Romeo đang nghịch ngợm chạy nhảy trên cánh đồng cỏ.

Coi kìa , nó có một tính khí thật hay và thật dẻo dai. Nó có thể nghển cổ lên, cúi đầu xuống vặn người sang bên nọ, quay ngoắt sang bên kia. Nó rất nhanh nhẹn, và sẽ thích ứng rất nhanh với bất cứ một người chủ mới nào.

Từ nhiều thế kỷ nay vẫn tự do chạy nhảy khắp vùng sa mạc và thảo nguyên ở miền tây Hoa Kỳ, loài ngựa rừng này đã trở thành một chủng loại khỏe mạnh, dai sức, đủ khả năng sinh tồn mặc dù phải tranh giành để có được cỏ gặm và nước uống hiếm hoi nơi sa mạc . Theo bà Billy Young thì nhu cầu đơn giản của loài ngựa rừng là 1 trong những lý do khiến chúng khác với loài ngựa nhà. Bà Young cho biết thêm về một đặc tính khác của loài ngựa này:

Ngựa rừng phải trông cậy vào một bầy để sống còn, và vì vậy một khi bạn làm quen được với ngựa rừng, chúng sẽ coi bạn là 1 phần thân thuộc như anh em của chúng và rất quyến luyến bạn, không giống loài ngựa nhà.

Mỗi năm có chừng 6000 con ngựa rừng được nguời Mỹ nhận về nuôi. Tuy vậy con số ngựa rừng sống nơi hoang dã vẫn còn quá nhiều, sa mạc và thảo nguyên không đủ khả năng cung cấp cỏ và nước cho chúng sống còn. Theo bà Young cho biết thì những hệ quả của mức sinh sản quá độ, của nạn hạn hán và sự sút giảm diện tích đất đai rất rõ ràng khi người ta bắt gặp những con ngựa rừng này từ 1 bầy ngựa ở nơi hẻm vực Đá Đỏ gần thành phố Las Vega. Bà Young thuật lại tình cảnh của chúng khi đó:

Chúng bước đi chậm chạp, thật thiểu não, chỉ còn da bọc xương. Chúng tôi đã cứu dược chúng và không con nào trong bầy ngựa đó bị chết.

Nhưng số ngựa nơi hẻm vực Đá Đỏ cứ giảm sút dần. Giờ đây chỉ còn 25 con không đủ để duy trì khả năng truyền chủng. Tuy nhiên ở những nơi khác khắp miền tây nước Mỹ, ngựa rừng đang sinh nở với một tốc độ đáng báo động là 20% một năm.

Ngựa rừng sinh sản quá mau lẹ, mỗi bầy ngựa tăng gấp đôi trong vòng 4 năm mà đất đai vùng thảo nguyên thì chỉ có hạn trong việc cung ứng cỏ và nước cho chúng.

Ông Dean Bolstead là một chuyên gia về luật bảo vệ ngựa rừng làm việc cho Cục quản Lý Đất Công, cho biết thêm như sau:

Với đà sinh sản mau lẹ đó của loài ngựa rừng, chúng ta bắt đầu cảm thấy ảnh hưởng đối với môi trườn sinh thái, ảnh hưởng đối với sự mầu mỡ của các đồng cỏ. Điều mà ngươiø ta thấy khá rõ là thú rừng sinh sản quá nhiều là điều không tốt, không tốt trong bất cứ lãnh vực nào, và cho chính loài ngựa này nữa. Chúng ta bắt buộc phải hạ giảm số ngựa này xuống tới mức độ thích hợp cho mục tiêu bảo vệ chất lượng của các vùng đất công và cho lợi ích của những sinh vật sống trên các vùng đất đó.

Để duy trì mức độ thích hợp là25 ngàn con ngựa rừng trên toàn quốc, cục Quản Lý Đất Công cần phải tìm cho ra người để nhận 14 ngàn con ngựa rừng về nuôi. Nhưng cứ mỗi năm lại có chừng 7800 con ngựa rừng ra đời khiến cho vấn đề càng thêm rắc rối.

Theo các giới chức Cục Quản Lý Đất Công thì tại bang Nevada họ đang gần đạt được mục tiêu vạch ra, nhưng lại đang gặp trở ngại vì thiếu tiền . Ngân quĩ Liên bang chi cho việc quản lý số ngựa rừng đã giảm từ 35 triệu năm 2001 xuống còn 29 triệu đô la trong năm nay. Một đề nghị ngân sách mới xin tăng 10 triệu 500 ngàn đô la để theo dõi, đếm và kiểm soát sinh sản của loài ngựa rừng, nhưng không có một khoản nào được dành cho nỗ lực khuyến khích người dân xin ngựa rừng về nuôi.

Đây là điểm bị các giới chức trong bang Nevada coi là yếu kém nhất trong chương trình quản trị loài ngựa rừng có tên là Mustang, cái tên mà công ty xe hơi Ford dành để đặt cho một kiểu xe thể thao rất được ưa chuộng của họ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG