Đường dẫn truy cập

Dân số cao niên của thế giới. - 2004-03-12


Hàng chục khoa học gia và nhà làm chính sách cảnh báo rằng sự chênh lệch trong tuổi thọ của con người trên toàn cầu có thể gây ra một làn sóng di cư ào ạt từ các khu vực nghèo khổ sang các khu vực giàu có. Hàng trăm tham dự viên tại một hội nghị về lão hóa vừa diễn ra ở Sydney, Australia, tiên đoán rằng số người cao tuổi ngày càng gia tăng trên thế giới chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành một lực lượng mạnh có thể quyết định tương lai của nhiều nước. Nguyễn Lê xin dành câu chuyện “Khoa học và Đời sống” hôm nay để mang đến quý vị vài ý kiến do một số nhà nghiên cứu trình bày tại hội nghị này, dựa trên tường trình của TTV đài TNHK Phil Mercer.

Một đứa bé mới ra đời hôm nay tại Nhật Bản có thể sẽ sống đến 82 tuổi và có sức khỏe tốt trong phần lớn đời sống của mình. Tuy nhiên, hầu hết những người sinh ra tại nước Sierra Leone ở Châu Phi sẽ không sống quá 35 tuổi.

Sự chênh lệch trong tuổi thọ này được xem là hậu quả của nạn nghèo khổ, mức lây nhiễm bệnh AIDS cao, và trình độ giáo dục thấp kém.

Một hội nghị về lão hóa mới đây tại Australia đã nêu bật cái hố cách biệt giữa tuổi thọ con người tại những nước giàu có và tại những quốc gia đang phát triển. Giữa những nước trong cùng một khu vực cũng có sự tương phản rất rõ rệt. Thí dụ, tuổi thọ trung bình của một người Australia là 80, trong khi người dân của nước láng giềng ở phía bắc là Papua New Guinea không hy vọng sống quá 60 tuổi.

Sự chênh lệch trong tuổi thọ giữa người Canada và người Haiti còn to lớn hơn nữa, người Canada có thể thọ tới 79 tuổi, trong khi người Haiti chỉ có thể sống tới 50 tuổi là nhiều.

Con người trong các nước thịnh vượng không những chỉ sống lâu hơn, mà còn hưởng tình trạng sức khỏe tốt trong một thời gian dài hơn nữa.

Các nhà khoa học vừa đưa ra một cảnh báo mới, đó là cái hố cách biệt trong sức khỏe và tuổi thọ sẽ đi đến chỗ gây ra tình trạng xáo trộn xã hội nghiêm trọng.

Ông Alex Kalache, một giới chức thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, nói rằng nếu tình trạng chênh lệch đó kéo dài, nó có thể châm ngòi cho một đợt di cư ồ ạt của những người nghèo trên thế giới đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở những nơi khác. Ông tiên đoán như sau:

“Những cách biệt này sẽ làm cho những người dân Châu Phi điên tiết, và quý vị sẽ không thể trách họ được, nếu họ tìm cách rời bỏ đất nước của họ. Người ta lo sợ sẽ xảy ra một cuộc di cư tập thể, sang châu Âu và các nước khác, một cuộc di cư của dân chúng châu Mỹ la tinh đến Bắc Mỹ, của người Philipppines hoặc Indonesia đến Australia, chẳng hạn. Đây sẽ là một vấn đề rất đau đầu.”

Theo các chuyên gia thì số dân chúng cao tuổi sẽ là một thách thức lớn đối với các nước đã phát triển lẫn các nước đang phát triển trong những năm trước mắt.

Mặc dù người dân của các quốc gia nghèo khổ không thể có tuổi thọ ngang bằng với người dân các nước trù phú hơn được, ngày nay họ sống lâu hơn trước. Điều đó tạo nên một tình trạng được mô tả như là “những cơn ác mộng mới” cho các cơ quan y tế và cho các nguồn lực kinh tế không được trang bị thích đáng để chăm sóc cho một số người cao tuổi ốm yếu ngày càng tăng lên.

Riêng đối với các nước giàu có, tiên tiến, thì các nhà nghiên cứu khác tin rằng khối dân số cao tuổi sẽ tạo ra những vấn đề, nhưng đồng thời cũng mang lại những cơ hội.

Ông Noah Weller, người tổ chức hội nghị đầu tiên tại Sydney về người cao tuổi vừa nêu, nói rằng các xã hội có thể hưởng được nhiều lợi ích nếu có những công dân cao tuổi hoạt động hơn và khỏe mạnh hơn. Ông Weller nhận định như sau:

“Đây là một vấn đề quan trọng mà mọi người thuộc bất cứ lứa tuổi nào cũng cần phải lưu tâm. Điều then chốt là phải kính trọng người cao tuổi, phải dành thì giờ tiếp xúc với họ để tìm thấy niềm vui và sự hứng khởi trong việc học tập cái khôn ngoan của họ.”

Những người tham dự hội nghị được nghe trình bày rằng thế giới hoàn toàn chưa sẵn sàng để đối phó với sự bùng nổ dân số cao tuổi. Ở những nước đã phát triển, giới người già thường không làm việc và cần được chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, so với giới thanh niên, và đây là điều có thể gây căng thẳng cho tài nguyên của cộng đồng.

Giáo sư Bruce Carns thuộc Trường đại học Oklahoma, Hoa Kỳ, tin rằng mục tiêu của con người phải là một đời sống khỏe mạnh, chứ không nhất thiết phải là tuổi thọ thật cao. Giáo sư Carns nói tiếp:

“Tuổi thọ trung bình của con người ngày nay là vào khoảng 80. Ở một số nước đã phát triển, số tuổi thọ này vượt xa mức cần thiết cho việc tái sản xuất. Ngày nay cơ thể chúng ta suy mòn dần. Điều này gây hao tốn tiền bạc rất nhiều. Vì thế, theo tôi nghĩ, mục đích của khoa học không nên chỉ nhằm kéo dài đời sống, mà nên nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho những năm tháng trong cuộc đời của chúng ta.”

Tuy nhiên, cũng có một số tin vui cho những người mơ ước được trường sinh bất tử. Một nhà khoa học Mỹ nói rằng có thể ông đã tìm ra được chìa khóa để chữa bệnh già. Giáo sư Michael Fossel thuộc Trường Đại học bang Michigan nói rằng đồng hồ sinh học của cơ thể con người có thể được vặn ngược trở lại để cho những tế bào già hoạt động như những tế bào mới. Ông tin rằng con người có thể sống trên 200 tuổi một cách dễ dàng. Các cuộc thử nghiệm về vấn đề này đã được thực hiện với các con thú trong phòng thí nghiệm. Nhưng đối với con người thì có thể còn chờ một thời gian khá lâu nữa. Những lý thuyết của ông Fossel chưa được kiểm nghiệm, và công trình nghiên cứu của ông cũng đã bị nhiều người chỉ trích.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG