Hạ tuần tháng Hai vừa qua, Hội đồng Giáo dục Tiểu bang Texas ở Mỹ đã quyết định thực hiện một chương trình để cho những người tốt nghiệp đại học không thuộc ngành sư phạm được nhận làm giáo chức bằng cách thông qua một cuộc trắc nghiệm mà không cần phải theo học những môn sư phạm ở đại học.
Theo chương trình vừa kể, các sinh viên tốt nghiệp đại học có thể giảng dạy những môn học của lớp 8 đến lớp 12 có liên hệ với chuyên ngành của mình, sau khi đã tham gia một kỳ thi về môn học đó và trải qua một cuộc trắc nghiệm để được cấp giấy chứng nhận tạm thời để làm nghề dạy học. Những giáo chức mới này sẽ được các giáo chức thâm niên hướng dẫn và giúp đỡ trong hai năm đầu, và giấy chứng nhận hành nghề của họ sẽ có hiệu lực trong hai năm. Sau đó họ sẽ được giới hữu trách tiểu bang cấp bằng hành nghề chính thức.
Chương trình vừa kể là nỗ lực mới nhất nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo chức của tiểu bang Texas, là nơi cần phải thu nhận thêm khoảng 45 ngàn giáo chức mỗi năm trong lúc số người được cấp giấy chứng nhận hành nghề thầy giáo trong năm 2003 chỉ ở mức 20 ngàn người.
Tường thuật của tờ Christian Science Monitor, số ra ngày thứ 6 vừa qua, trích lời một viên chức thuộc Hiệp Hội Các Hội Đồng Giáo Dục Tiểu Bang Texas, ông Marty de Leon nói rằng hiệp hội này tuy không xem chương trình vừa kể là phương cách để giải quyết rốt ráo vấn đề thiếu hụt giáo chức, nhưng kế hoạch đó sẽ giúp các trường trung tiểu học ở tiểu bang Texas có thêm được một biện pháp để tuyển dụng giáo chức.
Theo một bản phúc trình mới đây của nghiệp đoàn giới chức lớn nhất nước Mỹ, Hiệp Hội Giáo Dục Toàn Quốc, thì nghề giáo ở Hoa kỳ đang trải qua một biến chuyển trọng đại: (đó là) số học sinh ghi danh theo học đang gia tăng với tốc độ rất nhanh trong lúc có hơn 1 triệu giáo chức sắp đến tuổi nghỉ hưu. Hiệp hội này trích lời các chuyên gia nói rằng trong 10 năm tới đây, các trường trung tiểu học phải thu nhận thêm hơn 2 triệu giáo chức mới có thể đáp ứng nhu cầu. Cũng theo phúc trình vừa kể, vấn đề thiếu hụt giáo chức ở một số khu vực, đặc biệt là ở các đô thị lớn và vùng thôn quê, đã tiến vào giai đoạn khủng hoảng.
Đứng trước tình trạng thiếu hụt giáo chức trầm trọng này, giới hữu trách ngành giáo dục ở hầu hết các tiểu bang đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để thu hút giáo chức mới và lưu dụng giáo chức cũ, như tăng lương, cấp tiền thưởng cho giáo chức mới, nhận trả tiền nợ cho các sinh viên mới tốt nghiệp đại học, và kêu gọi các giáo chức đã nghỉ hưu trở lại trường làm việc bán thời gian.
Ngoài ra, nhiều khu học chánh cũng đã ra sức tuyển mộ giáo chức từ những nước nói tiếng Anh như Canada, Australia, New Zealand, Anh Quốc, và Nam Phi. Theo tường thuật của tờ Christian Science Monitor, trong số khoảng 10 ngàn giáo chức người nước ngoài ở Mỹ, có đến gần 1/3 đang giảng dạy ở các trường công lập của tiểu bang Texas.
Bên cạnh những biện pháp vừa kể, tiểu bang Texas cùng với 43 tiểu bang khác ở Mỹ còn áp dụng những chương trình đặc biệt để cấp bằng hành nghề thầy giáo, với sự tán đồng của các giới chức thuộc bộ giáo dục liên bang. Tường thuật của tờ Christian Science Monitor trích lời một viên chức cao cấp của bộ Giáo dục Hoa Kỳ, ông Michael Petrilli, cho biết bộ Giáo dục khuyến khích các tiểu bang thực hiện những thay đổi trong hệ thống cấp bằng hành nghề để hạ thấp những rào cản hiện đang ngăn không cho những người có khả năng được theo đuổi nghề gõ đầu trẻ.
Chủ trương vừa kể đã gặp phải sự phản đối của nhiều nhà giáo dục và các học giả. Họ cho rằng những biện pháp nhằm nới lỏng điều kiện để được cấp bằng hành nghề sẽ làm sút giảm phẩm chất của nền giáo dục bậc trung tiểu học vốn đã yếu kém, vì số giáo chức không được đào tạo kỹ lưỡng về khoa sư phạm sẽ gia tăng. Trong khi đó, các chuyên gia của Hiệp Hội Giáo Dục Toàn Quốc cũng cho rằng giới hữu trách đã đặt sai vấn đề khi tập trung nỗ lực vào việc tuyển dụng giáo chức mới.
Theo các chuyên gia vừa kể, trong số những giáo chức mới được tuyển dụng có đến 20% đã bỏ nghề nửa chừng trong vòng 3 năm đầu, và tại một số học khu ở các thành phố lớn, tỉ lệ đó lên tới 50% trong 5 năm đầu. Các chuyên gia này cho rằng vấn đề cấp bách hiện nay là làm thế nào để cho những thầy giáo mới vào nghề có thể tiếp tục theo đuổi nghề giáo.