Đường dẫn truy cập

Chính phủ Ấn quyết định cắt giảm 80% tiền học cho các sinh viên IIM với mục đích gia tăng cơ hội cho những sinh viên nghèo. - 2004-03-01


Học viện Quản trị Ấn độ, thường được gọi tắt là IIM theo tên tiếng Anh Indian Institute of Management, là một trong những học viện nổi tiếng nhất thế giới về ngành quản trị học, và các sinh viên tốt nghiệp IIM là những đối tượng thường được các công ty đa quốc tranh nhau tuyển dụng. Học viện Quản trị Ấn độ, được thành lập năm 1961 với sự trợ giúp của Đại học Harvard của Mỹ, dành cho học sinh những phòng trọ có điện thoại, TV, máy giặt, và máy điện toán với khả năng truy cập Internet tốc độ cao. Nhiều giảng sư của trường này là những người đã từng giảng dạy tại các đại học hàng đầu ở Hoa Kỳ.

Phân hiệu Ahmedabad của Học viện Quản trị Ấn độ đã được tuần báo Kinh Tế Gia của Anh xếp hạng là đại học thương nghiệp khó được nhận vào học nhất thế giới. Trong năm nay trường này chỉ thu nhận 260 sinh viên nhưng đã có đến 127,000 ngàn người nộp đơn. IIM cũng là nơi có mức tiền học khá cao với phí tổn hàng năm lên tới 150,000 đồng rúp Ấn độ, tương đương với khoảng 3,500 đô la. Mức học phí vừa kể tuy rẻ so với tiền học ở các nước công nghiệp, nhưng cao hơn gấp 13 lần mức thu nhập bình quân của người dân ở quốc gia đông dân hàng thứ nhì thế giới này.

Mới đây, chính phủ Ấn độ đã quyết định cắt giảm 80% tiền học cho các sinh viên IIM với mục đích gia tăng cơ hội cho những sinh viên nghèo, và theo kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu và Phát triển Nhân lực, ông Murli Manohar Joshi, tiền học của IIM sẽ được giảm xuống còn 30,000 rúp mỗi năm và số chênh lệch sẽ được bù đắp bằng công quĩ.

Một phát ngôn viên của Bộ Phát triển Nhân lực nói rằng quyết định của ông Joshi phù hợp với nguyên tắc mà chính phủ đã đề ra là không thể để cho giáo dục bậc cao đẳng trở thành một công nghệ độc quyền của người giàu có. Tuy nhiên, kế hoạch vừa kể, thay vì nhận được sự hoan nghênh của các sinh viên, đã gặp phải sự chống đối kịch liệt, chủ yếu là vì họ e rằng chính phủ sẽ lợi dụng biện pháp này để xâm phạm quyền tự trị của đại học.

Nhật báo The Guardian ở London, số ra ngày thứ 5 vừa qua, trích lời một sinh viên năm chót của chương trình Cao học Quản trị Kinh doanh của IIM nói rằng: tiền học ở đây sở dĩ cao là vì có những cơ sở vật chất và đội ngũ giáo sư thuộc tầm cỡ thế giới; và nếu cắt giảm học phí thì chắc chắn là phẩm chất giáo dục sẽ bị sút giảm.

Một cựu sinh viên IIM, ông Sandipan Deb, hiện là phó chủ biên Tạp chí Outlook ở New Dehli, nói rằng: các sinh viên sẵn sàng trả tiền để tránh không cho chính phủ can thiệp vào công tác giáo dục bậc cao đẳng. Theo nhận xét của ông Deb, các sinh viên IIM không tin tưởng ở chính phủ và họ e rằng biện pháp giảm học phí này chỉ là một chiêu bài mà giới hữu trách dùng để áp đặt sự kiểm soát của nhà nước; và cũng như hầu hết các sinh viên khác trên thế giới, sinh viên IIM không muốn xảy ra tình trạng là chương trình học tập hoặc nhân viên trường phải bị thay đổi để làm vừa ý một vị bộ trưởng nào đó trong chính phủ.

Theo tường thuật của tờ The Guardian, một yếu tố khác khiến các sinh viên IIM tỏ ý lo ngại đối với kế hoạch giảm học phí của Bộ trưởng Joshi là điều mà họ cho là những mưu đồ văn hóa của ông. Ông Joshi lâu nay vẫn tự cho là một người muốn phục hưng Ấn độ giáo, và ông bị tố cáo là đã viết lại sách giáo khoa và sa thải những học giả với mục đích mang lại cho nền giáo dục nhiều sắc thái của Ấn độ giáo hơn. Mới đây, 3 cựu sinh viên IIM đã đệ đơn kiện lên Tối Cao Pháp Viện để ngăn chận kế hoạch giảm học phí của Bộ trưởng Joshi. Tuy nhiên, yêu cầu của họ đã bị các thẩm phán bác bỏ sau phiên tòa diễn ra hôm thứ 6 vừa qua.

Trong khi đó, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp Ấn độ cũng đã tỏ ý phản đối kế hoạch giảm học phí cho sinh viên IIM. Tường thuật của tờ The Times of India, số ra ngày thứ Tư vừa qua, cho biết nhiều công thương kỹ nghệ gia Ấn độ cho rằng chính phủ nên gia tăng sĩ số của các khoa quản trị kinh doanh và mở thêm những trường quản trị xí nghiệp mới thay vì giảm học phí của trường IIM. Ông Narayana Murthy, nhà tỉ phí sáng lập công ty nhu liệu Infosys, nói rằng thay vì tài trợ cho cho những sinh viên sẽ trở nên giàu có trong nay mai, chính phủ nên dùng khoản tiền đó cho công tác giáo dục bậc cơ sở. Ông Murthy nói thêm rằng sau khi ra trường và làm việc từ 2 đến 3 năm, các sinh viên của IIM có thể trả dứt một cách dễ dàng khoản nợ mà họ phải vay để đi học.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG