Đường dẫn truy cập

Kim cương nhân tạo. - 2004-02-27


Hột xoàn hay kim cương, một thứ châu ngọc kết tinh trong lòng đất qua tiến trình dài hàng bao nhiêu ngàn năm để thành món quà của thượng đế ban tặng cho con người. Thế nhưng gần đây con người đã tiến đến việc thay thế quyền năng của thiên nhiên để tạo ra được loại ngọc quí này trong phòng thí nghiệm. Lá Thư Mỹ quốc hôm nay sẽ gửi đến quí thính giả câu chuyện về kim cương nhân tạo do Hoa Kỳ sản xuất.

Từ năm 1948 đến nay giá kim cương trên thị trường thế giới chưa bao giờ sụt giảm vì ngành công nghệ khai thác và sản xuất kim cương trong đó có công ty DeBeers, thống lĩnh 60% thị trường, đã tìm đủ mọi cách để quảng cáo cho loại đá quí này. Với lời quảng cáo như “A diamond is forever”, một viên kim cương có giá trị vĩnh cửu, công ty DeBeers đã cố ý sử dụng nó làm biểu tượng cho tình yêu bền vững để chiêu dụ các đấng mày râu hãy mua tặng cho người tình, cho vị hôn thê hay cho người vợ của họ . Trong ngày lễ Valentine tại Hoa Kỳ, nữ trang nạm kim cương là món hàng bán rất chạy .

Kim cương, một loài đá quí kết tinh trong lòng đất qua tiến trình dài hàng ngàn, có khi cả triệu năm, được coi là một chất khoáng có độ cứng nhất từ trước đến nay, và từ nhiềâu năm nay con người đã khổ công tìm cách chế kim cương nhân tạo.

Họ đã chế ra những viên có tên gọi là Cubic Zirconia và Moissanite, trong khá giống kim cương và nếu đem nạm vào vòng, nhẫn thì chúng đều là những món trang sức đẹp mắt. Tuy nhiên, nếu một số người thường không phân biệt được Cubic Zirconia và Moissanite với kim cương thật thì đối với con mắt tinh đời và với những người chuyên nghề buôn bán châu ngọc hoặc các chuyên gia về đá quí thì họ phân biệt được ngay.

Một vấn đề vẫn gây lo nghĩ cho ngành công nghệ khai thác các mỏ kim cương và buôn bán loại đá quí này là: nếu như con người có thể tạo được một viên kim cương toàn bích trong phòng thí nghiệm, không tài nào phân biệt được chúng với kim cương thên nhiên đào lên từ lòng đất thì nó có một giá trị như thế nào ?

Câu hỏi này cứ đeo đẳng và chưa có câu trả lời kể từ thập niên 1950 khi kim cương tổng hợp bắt đầu được sản xuất như đã nói trên: đó những viên đá nhân tạo nhưng chúng không thể bị nhầm lẫn với kim cương thật, không thể qua mặt được các nhà chuyên môn.

Nhưng cho tới bây giờ thì câu chuyện kim cương nhân tạo đã đổi chiều.

Câu trả lời cho thắc mắc đó có lẽ sẽ rõ ràng hơn trong một hai năm nữa khi loại kim cương nhân tạo mới được đem bán nhiều trên thị trường.

Những viên kim cương màu vàng, loại quí hiếm, đã được công ty Mỹ có tên là Gemesis Corp. Tại Sarasota, bang Florida, sản xuất và giờ đây đã cho bày bán ở một vài cửa hàng nữ trang hiếm hoi nổi tiếng trên toàn quốc trong đó có Sandy Alison Diamonds and Fine Jewelry.

Một công ty nữa có tên gọi là Apollo Diamond Inc. tại thành phố Boston miền đông bắc Mỹ cũng đã có thể sản xuất được những viên kim cương trắng, trong suốt gần như không có một tỳ vết. Tuy nhiên có lẽ người ta phải đợi đến mùa thu năm nay chúng mới được công ty tung ra thị trường. Đây là những viên kim cương thật do 2 công ty Apollo và Gemesis sử dụng các phương pháp kỹ thuật cao để tạo nên. Chúng giống hệt như kim cương thiên nhiên cả về cấu trúc hóa học, quang học lẫn hình thể .

Công ty Gemesis sử dụng hệ thống máy móc với nhiệt độ thật cao đến 1500 độ bách phân, dưới áp suất rất cao để biến một mẩu than chì thật tốt thành viên kim cương màu vàng trong 80 tiếng đồng hồ.

Còn công ty Apollo thì sử dụng một khoang kín trong đó có carbon đã bốc hơi để hơi carbon từ từ gắn chặt vào từng nguyên tử của một mảnh kim cương thật và dần dần tạo thành một viên kim cương trắng trong ở mức độ gần như toàn bích, không tỳ vết.

Người ta không thể phân biệt được kim cương nhân tạo của công ty Gemesis với kim cương thiên nhiên trừ phi có được các máy móc tinh vi của các phòng thí nghiệm tối tân của những tổ chức chuyên môn về đá quí tỉ như Học Viện Đá Quí Hoa Kỳ chẳng hạn. Và những viên kim cương này cũng được công ty khắc dấu bằng tia laser để phân biệt rõ là kim cương nhân tạo. Thế nhưng không có dấu khắc này thì không ai phân biệt nổi. Còn công ty Apollo thì đang hợp tác với Học viện Đá Quí Hoa Kỳ để tìm ra một phương cách nhận diện kim cương do công ty sản xuất bằng phương pháp nhân tạo.

Sự kiện phải có những máy móc tân kỳ mới có thể phân biệt được đâu là kim cương nhân tạo và đâu là kim cương đào từ lòng đất khiến người ta lo ngại là những con buôn vô lương tâm có thể tẩy xóa các dấu khắc của công để giả làm kim cương thiên nhiên rồi bán với giá cao hơn trên thị trường. Hoặc khi kỹ thuật sản xuất kim cương nhân tạo lọt vào tay những công ty thiếu lương thiện ở nước ngoài và rồi họ cứ sản xuất mà không chịu ghi rõ là kim cương nhân tạo.

Tuy nhiên hiện nay nguơiø ta cũng chưa phải lo ngại quá đáng vì không dễ gì mà sản xuất được loại kim cương nhân tạo này bởi lẽ tiến trình sản xuất rất khó và vô cùng tốn kém. Trong giai đoạn đầu, cả hai công ty Mỹ Gemisis và Apollo chỉ nhắm đưa kim cương nhân tạo vào thị trường nữ trang mà thôi. Nhưng trong tương lai họ sẽ nhắm tới thị trường của thế giới kỹ thuật cao, là nơi mà kim cương rất cần để ứng dụng trong rất nhiều hoạt động công nghiệp vì tính dẫn truyền cao và nó có thể sẽ bỏ xa công dụng của silicon nữa.

Cả hai công ty đều nói rằng họ không có ý muốn tung ra những viên kim cương nhân tạo để thay thế loại kim cương đào lên từ lòng đất. Họ chỉ muốn mở rộng sự chọn lựa cho khách hàng.

Theo dự kiến của các công ty sản xuất ra loại kim cương in hệt như thật này thì giá cả trên thị trường của chúng sẽ thấp hơn kim cương thiên nhiên khoảng 30 đến 35%.

Hiện giờ chưa ai có thể đoán được thị hiếu của giới tiêu thụ đối với kim cương nhân tạo ra sao. Riêng theo con mắt của nguơiø viết Lá Thư Mỹ Quốc thì cho dù kim cương nhân tạo hay kim cương đào lên từ lòng đất, nếu chúng làm được cái công việc là tôn thêm vẻ nồng thắm, rực rỡ cho những tấm dung nhan yêu kiều như đóa hải đường mà khuôn mặt của nữ diễn viên màn bạc Elizabeth Taylor thời son trẻ là một, thì chúng đều có giá trị như nhau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG