Đường dẫn truy cập

Vấn đề thể phạt trong giáo giới Hoa Kỳ. - 2004-02-23


Mới đây, một vị phó hiệu trưởng của một trường trung học ở tiểu bang Mississipi, thuộc miền nam nước Mỹ, đã quyết định từ chức vì không muốn đánh đòn học sinh theo lệnh của hiệu trưởng. Quyết định của ông Ralph McLaney, phó hiệu trưởng trường trung học đệ nhất cấp Carver ở thành phố Meridian, đã khơi dậy cuộc tranh luận về vấn đề thể phạt trong giáo giới Hoa Kỳ, là nơi có 28 tiểu bang cấm giáo viên không được đánh đòn học sinh.

Ông McLaney cho biết khi nhận chức phó hiệu trưởng hồi mùa hè năm ngoái, ông đã đồng ý chấp hành những qui định của nội qui trường; trong đó có việc dùng thước gỗ đánh đòn những học sinh phạm lỗi; nhưng lúc đó ông không biết là sẽ phải đánh đòn từ 10 tới 15 học sinh mỗi ngày. Khi ông dùng những biện pháp kỷ luật khác, như bắt học sinh ở lại lớp sau giờ tan trường, để phạt những học sinh vi phạm nội qui thì ông bị hiệu trưởng và các giáo viên trong trường chê trách là không chu toàn nhiệm vụ. Ông McLaney cho biết khi ông hỏi bộ Tư pháp của tiểu bang là ông có thể viện dẫn lý do lương tâm để từ chối đánh đòn học sinh hay không thì ông được trả lời là ông không có quyền không tuân hành những mệnh lệnh hợp pháp của cấp trên. Một vị luật sư của nghiệp đoàn giáo chức cũng trình bày với ông một ý kiến tương tự, và vì thế, ông đã quyết định từ chức sau khi biết rõ là ông sẽ bị sa thải vì không tuân lệnh hiệu trưởng.

Theo tường thuật của nhật báo Washington Post, số ra ngày thứ Bảy vừa qua, ông Earnest Ward, hiệu trưởng trường trung học Carver, nói rằng mục đích của việc đánh đòn là làm cho học sinh nhớ kỹ hơn những lỗi mà các em đã phạm để tránh không tái phạm, chứ không phải chỉ cốt làm cho thân thể các em bị đau. Theo ông Ward, mặc dù có một số nhỏ học sinh không sợ bị đánh đòn, nhưng phần lớn các em học sinh khác thì chỉ cần nhìn cây roi giơ lên là đã sợ rồi; và vì thế, đây là một biện pháp tốt để duy trì trật tự và kỷ luật ở nhà trường. Ông Ward cho biết thêm biện pháp thể phạt ở trường của ông được áp dụng theo đúng những qui định nghiêm nhặt do Hội đồng Quản trị Học đường đề ra, theo đó, thước dùng để đánh đòn phải là loại thước gỗ bản mỏng đúng theo tiêu chuẩn, mỗi lần phạt không được đánh quá ba roi, việc đánh đòn phải do nhân viên quản trị thực hiện tại văn phòng với sự hiện diện của một nhân chứng, và có sự đồng ý trước của phụ huynh.

Các nhà tâm lý học thiếu nhi và nhiều chuyên gia sư phạm cho rằng việc áp dụng thể phạt đối với trẻ em có nguy cơ làm gia tăng những hành vi tiêu cực. Tuy nhiên, nhiều giáo viên và phụ huynh học sinh ở thành phố Meridian và các tiểu bang miền Nam nước Mỹ nói rằng đánh đòn là một hình thức kỷ luật có hiệu quả, đặc biệt là đối với các học sinh bậc tiểu học và trung học đệ nhất cấp. Một số người cho rằng việc đánh đòn một cách thích đáng giúp cho trẻ em có được một sự e sợ có tính chất lành mạnh đối với những người có quyền; như cha mẹ ở nhà và thầy cô ở trường, và điều này sẽ hữu ích cho việc có được những công dân tôn trọng luật pháp. Một số người khác viện dẫn lời khuyên ‘không dùng roi vọt sẽ làm cho trẻ con trở nên hư hỏng’ trong Thánh Kinh Cựu Ước để bênh vực cho việc đánh đòn học sinh. Một giáo viên ở trường Carver, bà Cherry Moore, nói rằng chúng ta nên tin ở báo cáo của Thượng Đế hay báo cáo của các chuyên gia tâm lý thiếu nhi?

Theo các số liệu thống kê của bộ Giáo dục Hoa Kỳ, việc áp dụng biện pháp thể phạt đã giảm thiểu rất nhiều kể từ những năm đầu của thập niên 1970, khi có nhiều tiểu bang bắt đầu ra lệnh cấm đánh đòn học sinh. Kết quả là số học sinh trường công bị đánh đòn đã từ con số 1 triệu rưỡi trong năm 1976 giảm xuống còn khoảng 340 ngàn trong năm 2000. Tường thuật của nhật báo Washington Post cho biết hầu hết các khu học chánh cho phép dùng biện pháp roi vọt để phạt học sinh đều có qui định là biện pháp kỷ luật này chỉ được áp dụng khi nào có sự đồng ý của phụ huynh. Điều này đã giúp giảm thiểu khá nhiều những vụ kiện tụng của những phụ huynh có con bị phạt đòn ở trường. Tuy nhiên, theo phán quyết năm 1977 của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, các giáo chức có quyền phạt đòn học sinh mà không cần có sự chấp thuận của phụ huynh. Cũng theo phán quyết vừa kể, tu chánh án số tám của hiến pháp Hoa Kỳ, cấm chỉ việc trừng phạt có tính chất tàn bạo và bất thường, chỉ áp dụng cho các ti phạm hình sự chứ không áp dụng cho học sinh. Trước tình trạng này, một nhà tranh đấu cho quyền lợi thiếu nhi nói rằng sự bảo vệ của luật pháp Mỹ dành cho trẻ em còn kém hơn sự bảo vệ dành cho những người đang ở tù.

Hôm 30 tháng giêng vừa qua, Tối Cao Pháp Viện Canada đã ra phán quyết cấm các giáo viên không được xử dụng việc dùng dây buộc học sinh vào ghế hoặc dùng roi đánh đòn như một cách để trừng phạt những học sinh ngỗ nghịch. Theo các tổ chức chuyên cổ xúy cho việc loại bỏ việc đánh đòn học sinh, sau khi phán quyết vừa kể được đưa ra, trong hàng ngũ các nước công nghiệp hóa trên thế giới hiện nay chỉ có 22 tiểu bang ở Hoa Kỳ và một tiểu bang duy nhất ở Australia là những nơi còn xử dụng thể phạt ở học đường.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG