Đường dẫn truy cập

Lan Phương phỏng vấn ông Thomas Harrison, chủ nhân công ty Việt Mỹ. - 2004-02-17


Công ty Việt Mỹ chuyên cung cấp các thực phẩm đặc thù của Viet nam cho thị trường Mỹ, đã hiện diện tại vùng phụ cận thủ đô Washington từ hơn 32 năm nay. Sau đây là bài phỏng vấn chủ nhân công ty này do Lan Phương thực hiện.

Ông Thomas Harrison, chủ nhân công ty Việt Mỹ, từng là sỹ quan không quân cao cấp trong quân lực Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam. Nơi đây ông đã gặp một phụ nữ Việt và kết hôn với bà. Sau đó hai người trở về Mỹ và câu chuyện bắt đầu như sau:

Q: Thưa ông Harrison, tôi thắc mắc tại sao tại sao ông là một người Mỹ mà lại mở công ty chuyên sản xuất những thức ăn đặc sản của Việt Nam như vậy ?

A: Mọi chuyện bắt đầu từ khi vợ tôi từ Sài Gòn sang năm 1970. Bà thấy rằng chẳng có thực phẩm Viet Nam nào được bán ở đây, ngay cả bánh mỳ Pháp cho ngon cũng không có. Tình trạng này vẫn thế cho đến năm 1972 chúng tôi thành lập công ty Việt Mỹ, nhập cảng một ít mặt hàng hạn chế từ Sài Gòn. Đó là mắm lóc, mắm Thái, mắm sắt, mắm lóc, mắm nêm xay, bánh tráng, đại loại như vậy. Vào lúc đó con số người Việt tại nước Mỹ chỉ có chừng 25000 người và chúng tôi bắt đầu công cuộc làm ăn bằng dịch vụ bán hàng qua bưu điện. Nhà tôi thiết lập trung tâm Việt Nam trong khu Clarenden sát cạnh thủ đô Washington và chỉ mấy năm sau thì khu vực này trở thành 1 khu tiểu Sài Gòn.

Q: Thế nhưng tình trạng buôn bán của ông ra sao sau khi mất miền nam, khi ngay cả việc liên lạc thư từ qua bưu điện đã bị gián đoạn đến 6 tháng ?

A: Đến khi cộng sản thôn tính miền nam năm 1975 thì nguồn cung cấp thực phẩm của chúng tôi bị cắt đứt. Trong lúc đó thì nước Mỹ tiếp nhận hàng ngàn nguời Việt tỵ nạn mỗi ngày, và nhu cầu về thực phẩm Việt nam gia tăng mạnh, vượt quá khả năng cung ứng của chúng tôi. Chúng tôi phải mở rộng nguồn cung cấp bằng cách sang Philippin, Thái Lan tìm những thực phẩm thay thế. Tuy nhiên thức ăn của các quốc gia này khác với Việt Nam nên chúng tôi cũng gặp một số khó khăn. Lấy ví dụ, họ không làm bánh tráng tại các quốc gia đó nên chúng tôi phải sang tận vùng biên giới giữa Thái Lan và Campuchia là nơi có một số người Việt sinh sống và biết cách làm bánh tráng . Chúng tôi buôn hàng của họ nhưng không hài lòng lắm với những sản phẩm đó. Chúng tôi phải chỉ cho họ để họ cải thiện và mỗi ngày thì chất lượng các sản phẩm có khá hơn. Chúng tôi cũng phải mất một thời gian để tìm ra nguồn cung cấp các loại cá như cá lóc, cá sặt dùng để làm mắm Thái, mắm lóc và mắm sặt. Nhưng dần đà rồi mọi chuyện cũng được giải quyết và công ty của chúng tôi đã phát triển rất nhanh trong những năm 1975 , 1976 , 1977.

Q: Công ty của ông đã hiện hữu từ rất lâu. Nhãn hiệu với 3 cô gái trung nam bắc mặc áo dài đã được thấy ở gần như tất cả các cửa hàng bán thực phẩm á đông trên toàn nước Mỹ từ lâu lắm rồi. Ông có thể cho chúng tôi biết bí quyết gì khiến ông có thể giữ được khách hàng trong một thời gian lâu dài như vậy ?

A: Chúng tôi không hề thuê mướn nhân viên tiếp thị . Tuy nhiên sản phẩm của chúng tôi vẫn bán được suốt 30 năm nay là nhờ chất lượng các mặt hàng có từ ngay lúc bắt đầu 30 năm trước và những nguời đã dùng qua sản phẩm của chúng tôi mách bảo cho người khác nên công ty của chúng tôi mới tiến triển tốt đẹp.

Q: Tôi biết công ty của ông là một cơ sở kinh doanh nhỏ, nhân viên chỉ có chừng mươi người. Vậy thì tại sao ông lại có thể cung cấp sản phẩm cho một thị trường rộng lớn như nước Mỹ này?

A: Thực ra thì tôi không cung cấp hàng hóa cho toàn thể thị trường. Theo với thời gian tôi phải thay đổi lề lối kinh doanh, bởi lẽ nguyên thủy nếu như 1 mặt hàng không theo đúng với qui định của cơ quan kiềm soát thực phẩm và dược phẩmm Hoa Kỳ hoặc của bộ canh nông thì rồi ra cơ quan kiểm soát thực phẩm và được phẩm sẽ can thiệp, và những thực phẩm đó sẽ không được chấp thuận, vì thế tôi không nhập khẩu sản phẩm. Điều tôi làm là tìm ra một công ty cung cấp cá , nhập khẩu cả một container cá rồi đem về đây mới chế biến thành các loại mắm, theo đúng với các luật lệ của cơ quan kiểm soát thực phẩm và dược phẩm, và đưa ra thị trường các sản phẩm hết sức an toàn hợp tiêu chuẩn vệ sinh.

Những công ty nhập khẩu tạm gọi là cạnh tranh với chúng tôi vẫn nhập khẩu hàng từ nước ngoài, nhưng các sản phẩm đó không thực sự đạt tiêu chuẩn của cơ quan kiểm soát thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ. Vì cạnh tranh nên thị phần cũng dần dần thu nhỏ lại nhưng tôi nghi ngại về chất lượng và tính cách an toàn của các sản phẩm nhập khẩu. Sản phẩm của chúng tôi giữ hương vị thơm ngon và chắc chắn là chất lượng cao hơn bất cứ sản phẩm nào khác.

Q: Trong dịp tết vừa rồi, công việc kinh doanh của ông ra sao ?

A: Ai cũng biết là lúc chuẩn bị hàng bán tết là một trong những khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm, khó mà lo cho đủ hàng tồn kho, đại loại là những vấn đề như vậy nhưng chúng tôi bán được nhiều hàng trong mùa này.

Q: Năm nay số hàng bán có khá hơn mấy năm trước hay không ?

A: Không. Từ nhiều năm trước chúng tôi đã dự đoán là sẽ đi đến tình trạng này rồi và quả thực nó đang diễn ra. Những nguời Việt sinh sống tại Hoa Kỳ sau nhiều năm thì thói quen ăn uống của họ cũng thay đổi. Họ thấy rằng món hamburger (bánh mỳ kẹp thịt bò bằm) mua ở những nhà hàng dọn thức ăn nhanh như McDonald tiện lơi hơn là dọn các món ăn rắc rối, tỉ mỉ như món mắm sặt chẳng hạn. Vì thế thị trườøng từ từ giảm sút đi nhưng công ty của tôi vẫn sống được.

Q: Trong mùa tết vừa rồi mặt hàng nào của công ty bán chạy nhất ?

A: Tôi thấy rằng bóng bì là một trong các sản phẩm mà công ty của tôi bán chạy nhất. Người ta thường mua bóng bì về nấu xúp ăn khi trời lạnh.

Q: Trong những năm gần đây thị trường Hoa Kỳ tràn ngập các sản phẩm nhập khẩu từ Viet Nam. Chuyện này có ảnh hưởng gì đến việc kinh doanh của ông hay không ?

A: Có chứ. Như tôi vừa nói ở trên. Tôi rất thận trọng trong việc tuân thủ các luật lệ của quốc gia. Nếu nhập khẩu những sản phẩm như thế thì khó mà qua được tiêu chuẩn của cơ quan kiểm soát thực phẩm và được phẩm vì các luật lệ dành cho thực phẩm đóng chai, đóng hộp rất nhgiêm ngặt, khó khăn. Và vì thế mà có sự khác biệt trong sản phẩm của công ty chúng tôi so với các sản phẩm nhập khẩu.

Cũng theo lời ông Harrison, nhân viên của bộ canh nông đến thanh tra cơ sở của ông hầu như hàng ngày để kiểm soát những sản phẩm có liên quan đến thịt.

Và những bà nội trợ tỵ nạn người Việt đến Hoa Kỳ từ những năm đầu không ai là không biết đến các mặt hàng như bóng bì, bì heo dông lạnh và bì khô, thính, mắm lóc, mắm thái, mắm sặt v..v.. của công ty Việt Mỹ, cho đến giờ này thì những sản phẩm này vẫn là những mặt hàng theo thật sát với những qui luật của cơ quan kiểm soát thực phẩm và dược phẩm cũng như của bộ canh nông Hoa Kỳ đề ra.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG