Đường dẫn truy cập

Các giới chức quản trị của những trường trung học trong vùng thủ đô Washington đang ra sức giúp đỡ các học sinh di dân lớn tuổi. - 2004-01-27


Cô Dalia Gonzalez, 20 tuổi, là một người di dân từ Mexico. Trong mấy năm vừa qua, Dalia phải vừa đi làm vừa đi học và cố gắng dành dụm để gởi một ít tiền về giúp gia đình ở Mexico. Trường hợp của Dalia chẳng có gì đáng nói nếu cô không còn học lớp 11 và lớn hơn những bạn cùng lớp của cô tới 4 hoặc 5 tuổi. Nhưng đồng thời cô Dalia cũng chỉ là một trong số rất nhiều học sinh di dân lớn tuổi đang theo học ở các trường trung học trong vùng thủ đô Washington, nơi mà số người di dân đã gia tăng nhanh chóng trong mấy năm vừa qua và đã trở thành một trong những vùng có đông di dân nhất ở nước Mỹ.

Các giới chức quản trị của những trường trung học trong vùng đang ra sức để giúp đỡ các học sinh di dân lớn tuổi, nhiều người trong số này đã vì chiến tranh hoặc nghèo đói mà phải rời bỏ quê hương ở Phi Châu, Mỹ Châu La tinh và Á Châu để đến nước Mỹ với số vốn liếng tiếng Anh rất giới hạn và không đủ trình độ để vào thẳng đại học. Một số học sinh không có học bạ để chứng minh đã học xong những môn gì khi còn ở quê nhà và một số khác thì chưa học những môn mà các trường ở Mỹ đòi hỏi để được cấp bằng tốt nghiệp trung học.

Tường thuật của tờ Washington Post, số ra ngày thứ 3 vừa qua, trích lời các giới chức quản trị học đường trong vùng Washington DC cho biết: số học sinh di dân lớn tuổi đã gia tăng khá đều đặn trong những năm gần đây, mặc dù họ không có con số chính xác là bao nhiêu. Tuy nhiên, điều này có thể thấy được qua việc nghị viện tiểu bang Virginia, với sự vận động của các học khu, mới đây đã chấp thuận nâng cao mức tuổi tối đa để được hưởng một nền giáo dục phổ thông miễn phí từ 20 tuổi lên tới 22 tuổi, với điều kiện là các học sinh đó vẫn còn theo học những môn tiếng Anh. Hạn tuổi này ở Đặc khu Columbia là 18, và ở tiểu bang Maryland là 21.

Ông Francisco Millet, giám đốc chương trình ESOL, tức lớp tiếng Anh dành cho người nói những thứ tiếng khác, của học khu Fairfax ở Virginia cho biết: trong những năm trước đây, các nhà giáo dục trong vùng này không mấy quan tâm tới số học sinh di dân lớn tuổi vì thật ra các trường không có đủ nguồn lực để giải quyết vấn đề. Ông Millet cho biết thêm học khu Fairfax đang đặt vấn đề này thành một ưu tiên và đã bắt đầu triển khai một chương trình chuyển tiếp cho các học sinh di dân lớn tuổi hầu giúp cho các em thu hẹp những cách biệt về mặt học lực với bạn bè cùng lớp và cố gắng làm sao để cho các em có thể ra trường với mảnh bằng trung học, thay vì phải vào học các lớp ban đêm dành cho người lớn tuổi để lấy bằng tương đương. Những nỗ lực tương tự cũng đang được thực hiện ở các học khu có đông di dân, từ học khu quận Arlington ở Virginia cho tới quận Mongomery ở tiểu bang Maryland.

Theo lời các giới chức quản trị học đường, bên cạnh cảm giác lạc lõng khi vào ngồi chung lớp với các bạn nhỏ tuổi hơn mình, vấn đề ngôn ngữ là một trở ngại chính của các học sinh di dân lớn tuổi. Nhưng đó không phải là trở ngại duy nhất, vì có nhiều học sinh còn phải đi làm thêm và làm nhiều giờ, không phải để có tiền mua sắm quần áo hay vật dụng thời trang như các bạn học người Mỹ nhỏ tuổi, mà là để đài thọ cho chi phí sinh hoạt và để giúp đỡ cho thân nhân ở quê nhà. Như trường hợp của cô Dalia Gonzalez đang theo học ở trường trung học Northwestern ở tiểu bang Maryland và đi làm thêm ở một tiệm bán thức ăn nhanh của người Mexico. Mỗi ngày, cô Dalia phải thức dậy từ 7 giờ sáng để chuẩn bị đến trường mặc dù đêm trước đó cô phải làm việc cho tới 2 giờ rưỡi sáng mới về đến nhà. Mặc dù cực nhọc như thế, nhưng cô vẫn tươi cười nói rằng cô sẽ gắng học xong trung học để học tiếp đại học và trở thành một nhà thiết kế nội thất.

Tường thuật của tờ Washington Post trích lời bà Carol Bass, người điều hành những chương trình dành cho học sinh di dân của học khu Quận Prince William ở tiểu bang Virginia, nói rằng đối với những học sinh di dân lớn tuổi có chí tiến thủ như thế, bà không có chọn lựa nào khác hơn là phải làm hết khả năng của mình để giúp cho họ đạt được ước mơ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG