Đường dẫn truy cập

Tệ nạn hiếp đáp và phá phách lan tràn nhanh chóng qua mạng lưới Internet. - 2004-01-05


Không ai có thể phủ nhận giá trị của mạng lưới Internet trong việc phổ cập kiến thức và truyền bá thông tin trong xã hội hiện nay. Và hầu hết các giới chức giáo dục trên khắp thế giới ai nấy cũng đều ra sức để học sinh của mình có cơ hội truy cập Internet. Tuy nhiên, mạng lưới thông tin toàn cầu này cũng đang gây nghiêm trọng thêm cho tệ nạn hiếp đáp và phá phách bạn học ở trường.

Thưa quí thính giả và các bạn sinh viên học sinh, những hành vi hiếp đáp và phá phách bạn bè cùng lớp cùng trường vốn dĩ không có gì là mới lạ, tệ nạn này đã có từ lâu và xuất hiện hầu như ở khắp mọi nơi. Nhưng trong những năm gần đây, với sự phổ cập của Internet và những phương tiện thông tin hiện đại, như kỹ thuật nhắn tin qua máy điện thoại di động, tệ nạn này đã trở nên nghiêm trọng hơn trước và đang gây lo ngại cho các giới chức quản trị học đường ở Hoa Kỳ cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới.

Tường thuật của tờ Christian Science Monitor, số ra ngày thứ Ba vừa qua, cho biết những hành vi xấu; như đồn đãi tin nhảm, dọa nạt, làm nhục bạn bè ở trường, đã lan tràn khá nhanh chóng qua email, website, phòng trò chuyện trên Internet và hệ thống nhắn tin của máy điện thoại di động. Một trong những nguyên do đưa tới tình trạng này là những kẻ xấu có thể dùng tên hiệu để che giấu lai lịch của mình. Đồng thời, hành động đó lại có thể được thực hiện một cách dễ dàng và tầm tán phát của nó cũng rộng rãi hơn trước, nhờ vào những tiến bộ của kỹ thuật tin học. Bên cạnh đó, nạn nhân của tệ nạn này cũng bị tác động nhiều hơn vì những hành vi hiếp đáp phá phách đó còn theo các em về đến nhà chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi nhà trường như trước kia.

Theo ông Glenn Stutzky, giáo sư khoa Công tác Xã hội của Đại học Tiểu bang Michigan, trong thời có thể gọi là tiền Internet, các em bị bạn bè chế giễu ở trường chỉ cảm thấy xấu hổ trước một số người có mặt lúc đó, nhưng với kỹ thuật vô tuyến hiện nay, việc bêu xấu như thế có khả năng lan truyền nhanh chóng và chẳng những lan ra khắp cả trường mà còn có thể bị đưa lên Internet để chia sẻ với mọi người trên khắp thế giới.

Tờ Christian Science Monitor trích thuật một cuộc nghiên cứu của Đại học New Hampshire cho biết có khoảng 6% các học sinh trong lứa tuổi từ 10 đến 17 ở Mỹ đã bị đe dọa hoặc sách nhiễu trên mạng, và trong số đó, có khoảng 1 phần 3 cảm thấy bị chán nản cùng cực vì những vụ như thế. Những vụ đe dọa và sách nhiễu thường diễn ra qua các mẫu nhắn tin cấp tốc trên Internet thường được gọi tắt là IM. Những kẻ quấy phá có thể gởi một mẫu nhắn tin với nội dung có tính chất đe dọa hay ác độc mà không cần cho biết tên thật của mình, và trong trường hợp tên hiệu bị ngăn chận, chúng chỉ cần chọn một tên khác để tiếp tục quấy phá.

Những kẻ quấy phá cũng xử dụng các website để sách nhiễu các bạn cùng trường. Chẳng hạn như một nữ sinh ở tiểu bang Kansas đã lập ra một website để nói xấu người bạn trai của cô sau khi cuộc tình hai người bị đổ vỡ. Giáo sư Glenn Stutzky cho biết: trong thời gian gần đây, những hành vi quấy phá thông qua việc gởi hình ảnh và những mẫu nhắn tin qua điện thoại di động cũng đã bắt đầu xuất hiện ở Mỹ sau khi đã hoành hành ở nhiều nước khác như Anh quốc và Nhật bản.

Sau khi xảy ra vụ bắn giết khủng khiếp ở trường trung học Columbine năm 1999, các giới chức quản trị học đường ở Mỹ đã bắt đầu xem vấn đề hiếp đáp và phá phách của học sinh như một vấn đề quan trọng, và nhiều trường đã áp dụng những chính sách gọi là zero tolerance, tức là tuyệt đối không dung thứ những hành vi như thế. Tuy nhiên, nhiều trường cảm thấy bó tay trước tệ nạn sách nhiễu trên mạng, một phần vì đây là một hiện tượng tương đối mới mẻ, nhưng phần lớn là vì việc đóng cửa một website là một việc không dễ dàng vì có liên hệ đến quyền tự do ngôn luận, những kẻ xấu thường giấu tên, và những hành vi xấu được thực hiện bên ngoài phạm vi nhà trường.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng: học sinh, nhà trường, và phụ huynh vẫn có nhiều cách để đối phó với tệ nạn này; và có lẽ cách quan trọng nhất là giữ cho mối liên lạc thông tin giữa học sinh với nhà trường và phụ huynh được tốt đẹp. Theo nhận xét của ông Bill Belsey, giám đốc một tổ chức bất vụ lợi ở Canada, có tên là bullying.org, cần phải giữ cho mối liên lạc đó được vững mạnh để cho các em sẵn sàng nói cho phụ huynh và nhà trường biết rõ vấn đề mỗi khi các em bị quấy nhiễu trên mạng. Bà Nancy Mullin-Rindler, giám đốc dự án Chọc ghẹo và Hiếp đáp của Đại học Wellesley ở tiểu bang Massachusettes, cũng tán đồng nhận xét vừa kể. Bà nói thêm rằng: việc truy ra những học sinh thủ phạm không khó khăn lắm như nhiều người vẫn tưởng.

Theo bà Mullin-Rindler, thật ra, các nhân viên nhà trường có thể dùng những phương pháp thường dùng lâu nay để tìm ra thủ phạm của những vụ phá phách trên mạng. Lý do là vì bản tính của những kẻ xấu vẫn không thay đổi cho dù phương tiện làm việc xấu có thay đổi, và những em đó vẫn thích khoe khoang điều mà các em gọi là thành tích của mình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG