Trong mấy ngày qua, quý vị đã nghe nhiều về vụ kiện tôm qua các nhà báo nước ngoài có mặt tại Việt Nam. Hôm nay chúng tôi xin nói về vụ kiện này qua cái nhìn của tờ Washington Post.
Việt Nam nằm trong số 6 quốc gia mà các nhà nuôi tôm Hoa Kỳ đang đi kiện vì bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ. Tổ chức có tên là Liên hiệp Tôm Miền Nam Hoa Kỳ đã yêu cầu chính quyền liên bang đánh thuế từ 30 đến 230% vào tôm của 6 quốc gia này, gồm có Ecuador, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Bà Deborah Regan, Phát ngôn viên của Liên hiệp Tôm Miền Nam Hoa Kỳ nói rằng Hàng năm Hoa Kỳ nhập 2 tỉ 400 đôla tôm của 6 quốc gia vừa nêu. Theo lời bà, 6 quốc gia đó đã bán phá giá, đưa đến hậu quả là nhiều người Hoa Kỳ sống bằng nghề tôm đang thất nghiệp, và hầu như toàn bộ người dân sống tại các vùng vịnh Mexico của Hoa Kỳ đang bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, luật sư Warren Connelly, đại diện cho các nhà xuất khẩu tôm của Ecuador, và đồng thời cũng đại diện cho các nhà nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ nói rằng nếu đánh thuế tôm nhập vào Hoa Kỳ thì người thua thiệt nhiều nhất ở đây là người tiêu dùng, bởi vì nếu Liên hiệp Tôm Miền Nam Hoa Kỳ thắng kiện, thì giá tôm bán tại các chợ Mỹ sẽ tăng lên.
Theo lời Liên hiệp Tôm Miền Nam, là tổ chức của các nhà nuôi tôm trải dài từ bang Texas đến bang North Carolina, 6 quốc gia bị kiện đã chiếm hết gần 3 phần tư số tôm nhập khẩu của Hoa Kỳ, với gần 350 triệu kilogram mỗi năm, và đã khiến cho giá tôm giảm xuống 28% trong vòng 3 năm qua.
Vẫn theo đơn kiện, 6 quốc gia đó đã được chính phủ của họ trợ giá để có thể bán tôm ra nước ngoài với giá rẻ hơn giá bán ra trong nước. Hậu quả là trong năm 2002, doanh thu của các nhà nuôi tôm Hoa Kỳ chỉ có 559 triệu đôla , trong khi 2 năm trước đó, doanh thu của họ là 1 tỉ 250 triệu đôla. Và giá bán ra của họ bây giờ chỉ có 3 đôla 30 xu một pao, thay vì 6 đôla 8 xu một pao như trước.
Đơn kiện của Liên hiệp Tôm Miền Nam Hoa Kỳ được sự ủng hộ chính trị của bà Mary Landrieu, Nghị Sĩ bang Louisiana miền Nam. Bà nói rằng các nhà nuôi tôm Hoa Kỳ phải được tạo cơ hội để có một sân chơi bình đẳng. Vẫn theo lời bà, muốn cho các người đi đánh tôm có đủ tiền nuôi gia đình và đủ tiền mua xăng dầu để chạy các tàu đi cào tôm, họ phải nhận được giá cả xứng đáng cho những gì đã thu hoạch.
Nhưng theo lời ông Claude E. Barfield, một chuyên viên về thương mại tại tổ chức American Enterprise Institute, thì trong nhiều trường hợp, các nhà sản xuất bên ngoài nước Mỹ đã thu hoạch tôm với chi phí thấp hơn chi phí của các nhà sản xuất Hoa Kỳ, và lý do họ bán tôm cho Hoa Kỳ với giá rẻ là vì một lý do đơn giản: giá thành của họ rẻ.
Bước kế tiếp trong vụ kiện này, là Bộ Thương mại Hoa Kỳ phải quyết định xem 6 quốc gia vừa nói có thực sự bán tôm với giá không thể nào chấp nhận được hay không. Người ta trông đợi một quyết định đầu tiên sẽ được công bố, có lẽ là vào tháng 2. Hiện nay, Việt Nam mỗi năm xuất khẩu 470 triệu đôla tôm sang Hoa Kỳ. Theo tin của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sẽ đóng góp hơn một triệu đôla để theo đuổi vụ kiện này đến cùng.