Đường dẫn truy cập

Chương trình dạy tiếng Anh cho học sinh mới di dân đến Mỹ tại trường trung học Annandale ở tiểu bang Virginia. - 2003-12-29


Thủ đô Washington và vùng phụ cận là nơi có số di dân gia tăng nhanh nhất ở nước Mỹ hiện nay. Các trường trung tiểu học ở đây phản ánh tình trạng vừa kể và các giới chức giáo dục đang ra sức để giúp đỡ cho những học sinh mới đến Hoa Kỳ có thể thích nghi với đòi sống và công việc học tập. Trong Câu chuyện Học đường tuần này, Duy Ái và Phương Lan sẽ giới thiệu một số chi tiết về chương trình dạy tiếng Anh cho học sinh mới di dân đến Mỹ tại trường trung học Annandale ở tiểu bang Virginia.

Trong số khoảng 2 ngàn 500 học sinh của trường Annandale ở vùng ngoại ô Washington D.C., có gần một nửa là những em sinh ra ở những nước khác. Một vị giáo sư của trường này, là bà Robin Thompson, phụ trách chương trình Anh Ngữ Dành Cho Học Sinh Nói Các Thứ Tiếng Khác, thường được gọi tắt là ESOL. Bà cho biết: trường của bà rất chú trọng đến việc thỏa mãn những nhu cầu của các học sinh di dân. Bà Thompson nói tiếp như sau về sự thành công của chương trình ESOL ở đây:

Sự thành công này phần lớn là xuất phát từ thái độ của các giáo viên và ban quản trị nhà trường. Chúng tôi cố gắng để cho các em không nghĩ là chúng tôi muốn các em từ bỏ văn hóa và truyền thống của mình, mà thật ra, chúng tôi chỉ muốn giúp cho các em đạt được kết quả tốt đẹp trong việc học tập.

Bà Thompson cho biết hơn 1000 học sinh di dân ở trường Annandale đến từ 92 nước khác nhau, và hầu hết các em này đều theo học chương trình ESOL. Bà cho biết tiếp về cách sắp xếp lớp học ESOL cho các học sinh:

Khi mới tới Mỹ, các em này sẽ đến một văn phòng phụ trách việc ghi danh nhập học cho nhiều trường trong khu học chính. Tại văn phòng này, các em sẽ được cho làm trắc nghiệm để xác định khả năng tiếng Anh. Em nào có trình độ ở mức thấp sẽ được xếp vào học những lớp ESOL sơ cấp. Các em sẽ được học trong 3 lớp ESOL khác nhau, cùng với một số lớp được thiết kế đặc biệt để dạy cho các em những khái niệm và ngữ vựng cơ bản của các môn xã hội và khoa học.

Theo bà Thompson: các lớp ESOL đều được giảng dạy toàn bộ bằng tiếng Anh. Và vì việc sắp lớp ESOL không dựa theo nước, cho nên có những lớp trong đó các em học sinh nói 8, 9 thứ tiếng khác nhau. Các giáo viên cũng tìm cách để sắp xếp cho những em mới đến được có cơ hội làm quen với những em đến trước và nói cùng một thứ tiếng để các em đó giúp đỡ cho người bạn mới của mình trong việc học tập. Bà Thompson cũng nói thêm rằng: chương trình ESOL không chỉ chú trọng về việc dạy tiếng Anh mà còn còn dạy nhiều thứ khác:

Chúng tôi cũng giảng dạy cho các em về những phong tục tập quán mà các em còn cảm thấy xa lạ. Bên cạnh đó, các em cũng sẽ học những ngữ vựng căn bản và những khả năng khác mà các em sẽ cần tới để học những môn học thông thường.

Một học sinh người Việt ở trường Annandale, cô Tiffany Phạm, 20 tuổi, tới Mỹ được 3 năm. Khi mới tới, cô chỉ biết nói lõm bõm vài câu tiếng Anh. Nhưng giờ đây, sau hai năm học ESOL, cô đã có đủ trình độ Anh ngữ để học chung với các học sinh bản xứ. Cô cho biết như sau về chương trình ESOL:

Những lớp ESOL thật là có ích. Lúc đầu, em không biết nói mà cũng nghe không hiểu tiếng Anh. Nhưng các thầy cô ở đây đối xử với em thật tốt, và dần dà, họ đã dạy cho em hiểu được. Khi em không hiểu một điều gì đó, các thầy các cô đã rất kiên nhẫn để giải thích cho em hiểu. Họ thật tốt. Nhưng bên cạnh đó, em cũng phải bỏ rất nhiều thời giờ để học thêm ở nhà bằng cách xem TV và đọc sách.

Cô Tiffany Phạm cho biết cô mong muốn được trở thành một nữ luật sư. Nhưng cô cũng lo ngại là khả năng Anh ngữ của cô sẽ là một trở ngại khiến cô khó lòng thực hiện giấc mơ của mình. Bây giờ, cô đang ra sức học tập trong năm chót ở trường Annandale để dự các kỳ thi Anh văn và SAT với hy vọng là cô sẽ được các trường đại học nhận vào học. Cô cho biết tiếp như sau:

Năm nay em phải học thật chăm vì phải thi SAT và TOEFL. Em chỉ mới tới Mỹ được 3 năm, cho nên em phải học hành chăm chỉ hơn các bạn cùng lớp. Mỗi ngày, sau khi tan học là em vào ngay thư viện hay về nhà để học tiếp chứ không đi đâu cả. Hy vọng là em sẽ được nhận vào học đại học.

Mặc dù có số học sinh di dân khá đông, nhưng trường Annandale cũng có tỉ lệ học sinh học tiếp đại học nằm ở mức rất cao là 79%. Theo lời của các nhân viên trong ban quản trị nhà trường: sau khi tốt nghiệp vào mùa hè sắp tới, các học sinh lớp 12 ở đây sẽ có 48% vào học ở các trường đại học 4 năm, và 31% theo học ở các trường đại học cộng đồng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG