Đường dẫn truy cập

Các nhà cấp viện đã không ràng buộc vấn đề nhân quyền vào với chương trình viện trợ phát triển cho Việt Nam. - 2003-12-08


Các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền và một số nhà ngoại giao có thể không đồng ý, nhưng năm nọ kế tiếp năm kia, người ta thấy cộng đồng các nhà cấp viện đã không tìm cách ràng buộc chương trình viện trợ lớn lao của họ vào với việc cải thiện thành tích nhân quyền tại nước Việt Nam cộng sản.

Hôm thứ Tư tuần trước, các nhà cấp viện song phương hay đa phương cho Việt Nam đã cam kết cấp cho Việt Nam 2 tỷ 840 triệu đôla trong năm 2004, tức là tăng 15% so với ngân khoản của năm 2003, để giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế.

Theo thông tín viên Didier Lauras của Thông Tấn Xã AFP, mức cấp viện gia tăng vừa kể đã được cam kết mặc dầu trong năm vừa qua đã có những vụ lời qua tiếng lại rất gay gắt giữa Việt Nam và các nhà cấp viện, nhất là với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu, liên quan tới những vụ bắt giữ và xét xử những người bất đồng ý kiến với chính quyền về mặt tôn giáo hay chính trị.

Hôm thứ Ba tuần truớc, tổ chức tranh đấu cho nhân quyền Human Rights Watch trụ sở đặt tại New York đã kêu gọi các nhà cấp viện ràng buộc công cuộc viện trợ vào với thành tích nhân quyền ngày càng tệ hại một cách khủng khiếp ở Việt Nam.

Tổ chức này nói rằng trong năm qua, chính phủ Việt Nam đã bắt giữ và bỏ tù hàng chục Phật tử, những người bất đồng chính kiến, những người bày tỏ thái độ bất đồng ý kiến với chính quyền trên máy điện toán, và những người Cơ Đốc Giáo thuộc sắc tộc thiểu số. Thế nhưng lời kêu gọi này dường như đã rơi vào quãng thinh không.

Liên Hiệp Âu Châu nhấn mạnh rằng việc quảng bá và bảo vệ nhân quyền phải đi song song với công tác phát triển bền vững của một quốc gia, thế nhưng sau đó đã cam kết viện trợ cho Việt Nam 528 triệu 950 ngàn Euro, tương đương với 640 triệu đôla Mỹ.

Hoa Kỳ phụ họa theo quan điểm của Liên Hiệp Âu Châu rằng thái độ khoan dung hơn nữa đối với những người bất đồng chính kiến và sự kiện chấp nhận những quan điểm khác biệt rất quan trọng cho niềm tin tưởng của các nhà cấp viện, thế nhưng sau đó cũng đã cam kết giúp cho Việt Nam 50 triệu đôla.

Trước khi phiên họp của các nhà cấp viện diễn ra, ông Carl Thayer, một chuyên viên về vấn đề Việt Nam của Viện Quốc Phòng Australia, nói rằng ông không tin là các nhà cấp viện muốn đi ra ngoài khuôn khổ của những chương trình viện trợ dài hạn hiện nay, bởi vì theo họ, ràng buộc những điều kiện vào công cuộc viện trợ có nghĩa là làm cho những chương trình này mất hiệu năng.

Ông Thayer cho biết thêm có nhiều nhà cấp viện nghĩ rằng đạt được mục tiêu xã hội và kinh tế sẽ tạo ra một môi trường để những lãnh vực liên quan tới chính trị và nhân quyền được cải thiện.

Không phải mọi người đều chia sẻ quan điểm ông Carl Thayer vừa nói. Một số nhà ngoại giao tin rằng các nhóm công tác song phương và đa phương được thành lập để thảo luận về nhân quyền với Chính phủ Việt Nam đã tỏ ra là thiếu hiệu năng.

Một người lâu nay vẫn theo dõi tình hình Việt Nam nói rằng nếu nhân quyền không phải là một mục tiêu rõ ràng đối với các chính sách thương mại hoặc những chương trình viện trợ phát triển thì chính phủ Việt Nam sẽ chỉ thực hiện những thay đổi nào mà họ muốn vào đúng thời điểm họ muốn mà thôi. Một nhà ngoại giao khác nói rằng các toán công tác đã không làm việc hữu hiệu vì không có các biện pháp trừng phạt.

Theo ông, trừ trường hợp có ai cắt giảm viện trợ đối với Việt Nam, nếu không, Việt Nam sẽ không làm gì cả. Tuy nhiên, sẽ chẳng có nước nào cắt giảm viện trợ như vậy, vì nhân quyền không bao giờ được đặt vào hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Một nhà ngoại giao tin rằng đối đầu không phải là một đường lối tốt đẹp để đối xử với Việt Nam, vì ngại là Việt Nam có thể nói là không cần tới mình. Ông kết luận rằng không thể giúp cho một quốc gia thăng tiến bằng cách cô lập nước đó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG