Đường dẫn truy cập

Diễn tập quân sự Ấn Độ - Trung Quốc. - 2003-11-17


Lời dẫn: Ngày 14 tháng 11 vừa qua, lực lượng hải quân Trung Quốc và Ấn Độ mở một cuộc diễn tập hỗn hợp ở ngoài khơi thành phố Thượng Hải. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ và Trung Quốc mở tập trận chung. Một số chi tiết về diễn biến đáng kể này, và mối quan hệ quân sự rõ ràng đã được cải thiện giữa hai nước đông dân nhất Châu Á sẽ được phân tích trong Tiết mục Nhìn Về Á Châu do Hoài Hương phụ trách sau đây:

Thưa quý thính giả, vào sáng thứ Sáu, ngày 14 tháng 11 vừa qua, với sự yểm trợ của máy bay trực thăng và phi cơ, 3 tàu chiến của Aán Độ, gồm khu trục hạm Ranjit, tàu hộ tống Kulish, và tàu tiếp liệu Jyoti đã tham gia các cuộc diễn tập về an toàn hàng hải và truy tìm và giải cứu với các lực lượng hải quân Trung Quốc, với sự tham dự của tàu chiến Jiaxing, với sự yểm trợ của tàu tiếp nhiên liệu Feng Chang.

Bộ Quốc Phòng Trung Quốc không cho phép giới truyền thông quốc tế quan sát cuộc diễn tập, nhưng theo lời tường thuật của báo chí Trung Quốc thì có cả thảy 985 thủy thủ và sĩ quan Ấn Độ tham gia tập trận.

Đây là cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp đầu tiên giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới đều tự hào có một nền văn minh lâu đời, và vẫn thường coi nhau như địch thủ. Hai nước láng giềng khổng lồ tại Châu Á đã từng đối đầu nhau trong một cuộc chiến đẫm máu hồi năm 1962 liên quan tới các cuộc tranh chấp biên giới tại vùng Hy Mã Lạp Sơn. Nhưng trong thời gian gần đây đã có nhiều dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang được cải thiện rõ rệt, và bằng cớ mới nhất là cuộc diễn tập vừa hoàn tất.

Hôm thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Lưu Kiến Siêu tuyên bố:

Chúng tôi tin rằng sự hợp tác này sẽ củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc trích dẫn lời của Đại Sứ Ấn Độ tại Trung Quốc, ông Nalin Surie, nói:

Cuộc diễn tập nhằm mục đích bảo đảm sự an toàn của các hoạt động trao đổi mậu dịch đường biển, và cải thiện sự hợp tác trong các sứ mạng truy tìm và cấp cứu trên biển, sẽ là cơ sở để củng cố khả năng phối hợp hành động giữa hai lực lượng hải quân.

Sau cuộc diễn tập, giới truyền thông Trung Quốc đã ca ngợi sự thành công của cuộc tập trận, và tuyên bố hai nước láng giềng đã “mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ nhiều khúc mắc trước đây”.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, kênh số 9, cũng hết lời ca ngợi quan hệ hợp tác Ấn Trung:

Các cuộc diễn tập đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Trung Quốc với Ấn Độ. Giữa Hai quốc gia vẫn còn nhiều khác biệt quan điểm, thế nhưng theo đà của các cuộc giao lưu song phương, hai nước lớn của Châu Á đang tiến tới một quan hệ đối tác gần gũi hơn.

Đài truyền hình Trung Quốc cũng nói rằng sự gia tăng các hoạt động mậu dịch đã đưa hai nước lại gần nhau hơn, vì sự ổn định và phát triển của khu vực.

Trong khi đó, tờ Giải Phóng, tiếng nói của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, nói rằng tuy các cuộc diễn tập Ấn-Trung trên thực tế, không thật sự bao gồm nhiều nội dung quân sự, thế nhưng các cuộc diễn tập này “mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt và là một biểu tượng mạnh mẽ đánh dấu sự tiến bộ trong quan hệ Ấn-Trung”.

Đây chỉ mới là lần thứ Tư trong lịch sử, các tàu chiến của Ấn Độ đã cập bến tại Thượng Hải.

Diễn tiến tốt đẹp trong mối quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc phần lớn có thể được quy cho sự hội tụ của các mục tiêu chiến lược và quyền lợi song phương, cả hai nước đều tìm cách tạo một môi trường ổn định và hòa bình để có thể tiếp tục phát triển kinh tế.

Mặt khác, vì sự tăng tốc của tiến trình toàn cầu hóa, nhu cầu an ninh đã biến đổi để trở thành một khái niệm bao quát, vượt ra khỏi lĩnh vực chính trị và quân sự để bước vào các lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ, môi sinh và văn hóa vv...

Lịch sử đã chứng minh rằng vũ lực quân sự đơn thuần không thể giải quyết tận gốc rễ những cuộc tranh chấp và hiềm khích. Và các hệ thống an ninh đặt căn bản trên vũ lực, hay đe dọa dùng vũ lực, không thể đưa đến một nền hòa bình bền vững.

Trong một thế giới mà các nước ngày càng liên đới chặt chẽ với nhau hơn, an ninh chỉ có thể được bảo đảm qua những quan hệ hợp tác tích cực, và có lẽ đó là điều mà giới lãnh đạo hai nước Ấn Độ và Trung Quốc đã nhận thức được.

Các cuộc diễn tập hỗn hợp phản ánh khát vọng của cả hai nước, muốn xây dựng niềm tin lẫn nhau bằng cách hợp tác trong một lĩnh vực đầy tế nhị, là lĩnh vực quân sự.

Phó Giám Đốc Viện Nghiên Cứu các vấn đề Á Châu-Thái Bình Dương thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, ông Sun Shihai, phát biểu:

Quan hệ hợp tác lịch sử này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp hai nước tạo niềm tin nơi nhau và xóa bỏ hiềm khích.

Hồi tháng trước, Trung Quốc cũng đã thực hiện các cuộc diễn tập quân sự tương tự với Pakistan, nước đối nghịch với Ấn Độ. Hồi tuần trước, trả lời một câu hỏi về tác động của cuộc tập trận hỗn Ấn-Trung đối với quan hệ giữa Bắc Kinh với Islamabad, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Chương Khải Nguyệt nói chính phủ Trung Quốc cho rằng, duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Aán Độ và Pakistan là điều cực kỳ quan trọng. Bà Chương Khải Nguyệt nói:

Lập trường của chính phủ Trung Quốc là tiếp tục duy trì quan hệ với tất cả các nước láng giềng, kể cả Aán Độ và Pakistan, trong tinh thần tương trợ các nước lân bang, và đối xử với các nước này như những nước đối tác.

Theo Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, các cuộc diễn tập hải quân giữa Trung Quốc với Ấn Độ, cũng như với Pakistan đều phù hợp với quyền lợi của cả 3 quốc gia, trong bối cảnh các trao đổi thương mại giữa cả 3 nước, phần lớn phải dựa trên các phương tiện chuyên chở đường biển, một phương tiện giao thông thường bị cản trở bởi bọn cướp biển.

Cộng đồng quốc tế cũng đặt hy vọng là diễn biến tích cực này sẽ giúp xoa dịu những căng thẳng trong vùng Nam Á. Trung Quốc có thể đóng một vai trò xây dựng trong nỗ lực tạo một môi trường hòa dịu hơn để lót đường cho các cuộc thương thuyết giữa hai nước Nam-Á, Ấn Độ và Pakistan, dẫn đến một giải pháp ôn hòa để giải quyết cuộc tranh chấp lâu đời giữa hai đối thủ đều có vũ khí hạt nhân này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG