Đường dẫn truy cập

Học phí tại các đại học công lập ở Mỹ trong năm 2003 gia tăng với tỉ lệ bình quân 14,1%. - 2003-11-03


Tình trạng học phí đại học ở Mỹ gia tăng quá nhanh đã khiến một số người e rằng chướng ngại này sẽ ngăn không cho khoảng 2 triệu học sinh học tiếp lên bậc đại học trong mười năm tới đây.

Theo một bản phúc trình do Hội đồng Đại học công bố hôm 21 tháng 10, học phí tại các đại học công lập ở Mỹ trong năm 2003 đã gia tăng với tỉ lệ bình quân 14,1%, trong lúc những khoản trợ cấp tài chánh dành cho sinh viên nghèo đã bị sút giảm trong một thập niên qua.

Bản phúc trình thường niên của Hội đồng Đại học còn cho biết các đại học tư cũng đã tăng học phí với tỉ lệ 6%, và đây là năm thứ 3 liên tiếp các đại học tư tăng học phí với tỉ lệ gia tăng cao hơn gấp đôi tỉ lệ lạm phát. Kết quả là học phí bình quân hiện nay là 19,710 đô la ở các đại học tư, 4,694 đô la ở các đại học công và 1,905 đô la ở các đại học cộng đồng.

Tường thuật của nhật báo Boston Globe, số ra ngày 22 tháng 10, trích lời chủ tịch của Hội đồng Đại học, ông Gaston Caperton nói rằng: lý do khiến cho học phí ở đại học công tăng cao là hầu hết các chính phủ tiểu bang đã cắt giảm ngân sách tài trợ cho giáo dục cao đẳng. Ông Caperton cho biết: các đại học tư cũng phải chật vật ứng phó với tình trạng chi phí bảo trì và lương bỗng gia tăng trong lúc các khoản quyên tặng của cựu sinh viên và các nhà hảo tâm bị giảm thiểu. Tuy vậy, ông Caperton cũng nói rằng chi phí thật sự của việc theo học đại học hiện nay không gia tăng nhanh như nhiều người vẫn tưởng, vì số trợ cấp tài chánh dưới dạng học bỗng và cho vay nhẹ lãi cũng tăng đến mức kỷ lục là 105 tỉ đô la.

Theo tường thuật của tờ New York Times, số ra ngày 22 tháng 10, sau khi trừ đi các khoản học bỗng và điều chỉnh cho phù hợp với tỉ lệ lạm phát, số tiền mà các sinh viên ở đại học công phải trả trong năm 2002 chỉ cao hơn 343 đô la so với năm 1992, mặc dù học phí trong cùng thời gian đã tăng 1,100 đô la. Cũng tương tự như vậy, số tiền mà sinh viên đại học tư phải trả trong năm ngoái chỉ cao hơn 2,799 đô la so với 10 năm trước trong lúc học phí bình quân đã tăng 5,300 đô la.

Trong khi đó, các số liệu của Hội đồng Đại học cho thấy nhờ vào sự gia tăng của các khoản học bỗng, các sinh viên đại học cộng đồng trong năm 2002 đã trả ít hơn 591 đô la so với mười năm trước.

Mặc dù vậy, phúc trình của Hội đồng Đại học còn cho thấy một xu thế, mà ông Gaston Caperton gọi là ỏmột diễn tiến không mấy phấn khởiõ; đó là tỉ lệ của các khoản học bỗng dành cho sinh viên nghèo đã giảm thiểu trong một thập niên qua. Theo phúc trình vừa kể, trong năm 1991, tỉ lệ của học bỗng dành cho những sinh viên không thuộc diện nhà nghèo chiếm không đến 10% tổng số học bỗng của chính phủ tiểu bang nhưng đến năm 2001 con số này đã tăng đến gần 25%.

Vấn đề học phí đại học gia tăng quá nhanh đã khiến các giới chức chính phủ liên bang và tiểu bang quan tâm, và họ đang tìm cách để thúc đẩy các giới chức quản trị đại học giải quyết vấn đề bằng cách giảm thiểu chi phí điều hành. Mới đây, các dân biểu thuộc đảng Cộng hòa đã đề xuất một dự luật để phá bỏ một chướng ngại mà họ nói là sẽ ngăn không cho khoảng 2 triệu học sinh theo học đại học trong vòng 10 năm tới đây.

Theo dự luật do dân biểu Howard McKeon bảo trợ, những đại học nào tăng học phí với tỉ lệ cao hơn gấp đôi tỉ lệ vật giá leo thang trong 3 năm liên tiếp sẽ bị liệt kê vào danh sách những trường cần được theo dõi, và nếu tình trạng không được cải thiện trong vòng 3 năm, các trường đó sẽ không được nhận những khoản trợ cấp nhiều triệu đô la của chính phủ liên bang.

Trong khi đó, theo tường thuật của nhật báo Atlanta Journal-Constitution, số ra ngày 26 tháng 10, giới lãnh đạo các chính phủ tiểu bang cũng dự định đề ra những phần thưởng tài chánh cho những trường đại học nào đạt được thành tích trong việc giảm thiểu chi phí điều hành.

Tường thuật của tờ Atlanta Journal-Constitution trích lời bà Kristin Conklin, một nhà phân tích chính sách của Hiệp hội Thống đốc Toàn quốc, nói rằng trong thời kỳ kinh tế phát triển nhanh, các đại học ở Mỹ đã thiết lập quá nhiều định chế mà trong tình trạng hiện nay họ không có khả năng chu cấp.

Bà Conklin còn cho biết: trong cuộc hội thảo tổ chức hồi tháng trước ở San Francisco, các vị thống đốc và các nhà lập pháp tiểu bang đã thảo luận với các giới chức quản trị đại học về một số biện pháp nhằm giảm thiểu chi tiêu, bao gồm việc thiết lập những trung tâm kỹ thuật để tập trung điều hành việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ, và hỗ trợ tài chánh chung cho nhiều phân hiệu; tiêu chuẩn hóa giáo trình của những lớp cấp thấp; gộp chung các phân khoa và các cơ quan hành chánh; và chuyển đổi một số đại học chuyên về nghiên cứu thành những đại học chú trọng đến công tác giảng huấn.

Theo ông Patrick Callan, giám đốc một tổ chức nghiên cứu tư nhân ở California có tên là Trung tâm Quốc gia về Chính sách Công cộng và Giáo dục Cao đẳng, những biện pháp vừa kể tuy hay nhưng không dễ thực hiện. Ông Callan nói với nhật báo Atlanta Journal-Constitution rằng từ trước đến nay, các trường đại học Mỹ không hề thu dụng một vị hiệu trưởng nào với mục đích giảm thiểu chi phí điều hành mà chỉ để cho họ làm thế nào tìm ra thêm tiền cho trường và chi tiêu cho hết những khoản tiền đó mới thôi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG