Đường dẫn truy cập

Trần Nam phỏng vấn nhà bác học Torsten Wiesel, chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền của 3 Hàn Lâm Viện Khoa Học, Kỹ Thuật và Y Khoa Hoa Kỳ về trường hợp của bác sĩ Nguyễn Đan Quế. - 2003-10-06


Như tin đã loan trong tuần này, 12 nhà bác học từng được trao giải Nobel trong nhiều lãnh vực đã lên tiếng về trường hợp bác sĩ Nguyễn Đan Quế, hiện đang bị nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ. Sau đây là bài phỏng vấn đặc biệt của thông tín viên Trần Nam của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ với nhà bác học Torsten Wiesel, chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền của 3 Hàn Lâm Viện Khoa Học, Kỹ Thuật và Y Khoa Hoa Kỳ về vấn đề nói trên.

Ông Torsten Wiesel, người đã được trao giải Nobel về Y Học năm 1981 là một trong số 12 nhà bác học đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về trường hợp của bác sĩ Nguyễn Đan Quế, hiện đang bị nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ . Trả lời câu hỏi đầu tiên mà chúng tôi đặt ra với tiến sĩ Torsten Wiesel về việc ông lên tiếng bày tỏ sự lo ngại cho bác sĩ Nguyễn Đan Quế vào thời điểm này. Ông cho biết:

Chúng tôi đã theo dõi trường hợp của bác sĩ Quế trong nhiều năm nay, và như quí vị đã biết bác sĩ Quế đã bị bắt trở lại vào tháng 3 năm nay. Kể từ đó ông đã bị biệt giam và không có những tin tức nào về tình trạng của ông. Vợ của ông cũng không được phép đến thăm ông. Chúng tôi biết rằng sức khỏe của ông đang suy yếu. Ông bị áp huyết cao và bệnh thận. Chúng tôi lo ngại rằng bác sĩ Quế, một người từng lớn tiếng bênh vực cho quyền tự do phát biểu ý kiến và nhân quyền tại Việt Nam, hiện đang có rất nhiều nguy hiểm về tình trạng sức khỏe cũng như về quyền tự do của ông.

Q: Thưa ông, ông đã có những can thiệp nào với chính phủ Hoa Kỳ hoặc với chính quyền Việt Nam để có thể giúp đỡ cho bác sĩ Nguyễn Đan Quế?

Chúng tôi đã viết thư cho Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, ông Collin Powell, và viết một lá thư có chữ ký của 12 người từng được trao giải Nobel, để gửi cho chính phủ Việt Nam, nhằm tìm cách gây áp lực với nhà cầm quyền sở tại cũng như tìm cách tranh thủ sự giúp đỡ của chính phủ Hoa Kỳ trong việc gây áp lực. Và chúng tôi cũng nhận thấy rằng nhân có sự hiện diện của các giới chức Việt Nam trong cuộc họp của Liên Hiệp Quốc tại New York cũng như ở Washington, chúng tôi hy vọng có thể gây được sự chú ý của quốc tế về trường hợp của bác sĩ Nguyễn Đan Quế.

Q: Ngoài việc gửi thư và những hoạt động kể trên ông có thêm những dự định nào khác mà ông nghĩ là có thể hữu ích cho trường hợp của bác sĩ Nguyễn Đan Quế ?

Vâng, chúng tôi muốn có một phái bộ đến Việt Nam để thăm bác sĩ Quế và thảo luận với các giới chức chính phủ, đồng thời đến thăm một tù nhân khác là bác sĩ Phạm Hồng Sơn, và các tù nhân khác. Chúng tôi đã có gắng liên hệ với Đại Sứ Quán Việt Nam tại Washington, và chúng tôi cũng tìm cách tiếp xúc với Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam khi ông có mặt tại New York, nhưng cho đến nay thì chúng tôi chưa nhận được một sự phúc đáp nào. Chúng tôi cần có sự chấp thuận chính thức của chính phủ Việt Nam về cuộc viếng thăm này. Nếu không thì chúng tôi không thể thực hiện việc viếng thăm. Trước đây có những người đến Việt Nam đã bị bắt, trong đó có một nhà báo Pháp bị bắt và bị thẩm vấn trong 2 ngày, và sau đó bị trục xuất về Pháp. Chúng tôi muốn chắc chắn rằng bất cứ tổ chức nào cũng vậy, chứ không riêng gì các Hàn Lâm viện tại Hoa Ky,ø đều hiểu rõ mục đích chuyến đi của chúng tôi.

Q: Nói tóm lại là ông muốn có một phái đoàn hay là một số các khoa học gia đến Việt Nam để tìm hiểu về tình trạng của bác sĩ Nguyễn Đan Quế và các tù nhân chính trị khác?

Vâng đúng như vậy, chúng tôi cần có Visa, và chính phủ Việt Nam cũng cần biết mục đích chuyến đi của chúng tôi tại Việt Nam.

Q: Thưa ông một chuyến đi Việt Nam như vậy, với mục đích mà ông vừa trình bày, có cần phải xin phép chính phủ Hoa Kỳ hay không?

Không, tôi không nghĩ rằng phải xin phép chính phủ Hoa Kỳ vì Hàn Lâm viện là một tổ chức không phải là của chính phủ, do đó bất cứ người nào trong tổ chức này cũng có thể viếng thăm Việt Nam nếu họ có được Visa của Việt Nam.

Q: Thưa ông, việc tiếp tục giam giữ bác sĩ Nguyễn Đan Quế sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với Việt Nam về mặt chính trị, kinh tế hoặc trong các lãnh vực khác?

Đây là câu hỏi khó có thể trả lời một cách chính xác. Tuy nhiên chúng tôi hy vọng là có, vì Việt Nam là một quốc gia có nhiều tài nguyên và rất muốn phát triển kinh tế, đồng thời Việt Nam cũng cần nhiều đầu tư nước ngoài, do đó chính quyền cần phải tỏ ra cởi mở nhiều hơn và một xã hội cởi mở hơn nữa. Ngoài ra, áp lực của các nhóm nhân quyền như Hội Ân Xá Quốc Tế cũng có thể hữu ích trong việc đòi hỏi chính quyền Việt Nam nới lỏng các hạn chế đối với các tù nhân chính trị.

Q: Ngoài ra có những cách nào khác mà ông nghĩ là có thể giúp cho bác sĩ Nguyễn Đan Quế được giảm bớt những hạn chế, chẳng hạn như cho phép gia đình viếng thăm hoặc tiếp tế thuốc men?

Vâng, chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể gửi một kiến nghị về trường hợp của bác sĩ Quế lên Tổ Chức UNESCO. Tổ chức này có một cơ quan mà chúng tôi có thể gửi kiến nghị về các tù nhân, và chính phủ Việt Nam phải giải đáp về những điều được nêu lên trong bản kiến nghị. Chúng tôi hy vọng tổ chức này sẽ vui lòng giúp đỡ chúng tôi.

Q: Ông có nghĩ rằng những việc làm này có thể mang lại kết quả hay không?

Chúng tôi không có cách nào khác ngoài việc hy vọng là chính phủ Hoa Kỳ sẽ gây một vài áp lực nào đó lên chính phủ Việt Nam. Có trường hợp trước đây cho thấy rằng những áp lực như vậy đã tỏ ra rất hữu hiệu như trong vụ trả tự do cho bác sĩ Quế vào năm 1998, và rồi ông bị bắt trở lại 5 năm sau đó. Tuy nhiên ông vẩn tiếp tục lên tiếng tại Việt Nam. Ai cũng biết rằng ông đã từ chối việc rời khỏi nước theo yêu cầu của chính quyền vì ông muốn ở lại để theo đuổi công việc của ông, do đó chúng tôi rất ngưỡng mộ ông vì lòng can đảm và sự cương quyết của ông.

Q: Thưa ông Wiesel, xin hỏi ông một câu hỏi chót, ông có dịp nào gặp mặt bác sĩ Nguyễn Đan Quế trước đây hay không?

Không tôi chưa hề gặp mặt ông Quế. Chúng tôi chỉ trao đổi ý kiến với nhau qua máy vi tính, nhưng tôi đã có dịp gặp gỡ bào huynh của ông là bác sĩ Nguyễn Quốc Quân tại Hoa Kỳ.

Cám ơn tiến sĩ Wiesel đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn hôm nay.

Thưa quí thính giả Tiến sĩ Torsten Wiesel và 11 nhà bác học khác từng được trao giải Nobel trong nhiều lảnh vực khác nhau từ năm 1964 đến năm 1997, đã cùng ký tên trong một lá thư gửi cho Thủ Tướng Việt Nam Phan Văn Khải; Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nông Đức Mạnh; và Chủ Tịch nước Trần Đức Lương, bày tỏ những lo ngại về tình trạng sức khỏe suy nhược của bác sĩ Nguyễn Đan Quế và yêu cầu chính quyền cứu xét việc trả tự do ngay cho ông vì lý do nhân đạo. Và trong khi chờ đợi, bác sĩ Quế cần được cho phép gặp mặt gia đình, được quyền lựa chọn luật sư, và được săn sóc thuốc men theo các luật lệ tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hiệp Quốc trong việc đối xử với tù nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG