Hôm thứ 6 vừa qua, các trường đại học luật khoa ở Mỹ cùng với các giáo sư và sinh viên trường luật đã đệ đơn kiện bộ Quốc phòng và 5 bộ khác vì họ cho rằng việc 6 bộ này đòi các trường luật phải cho phép nhân viên tuyển mộ của quân đội được hoạt động trong khuôn viên đại học là một hành động vi phạm quyền tự do học thuật.
Mới đây, một tổ chức của các đại học luật khoa, cùng với Hội Giáo Sư Luật Học Hoa Kỳ và một số sinh viên trường luật, đã đệ đơn kiện bộ Quốc phòng cùng với 5 bộ khác của chính phủ liên bang là bộ Giáo dục, bộ Lao động, bộ Giao thông, bộ Y tế, và bộ An ninh Quốc nội. Những người đứng tên trong đơn kiện cho rằng: việc 6 bộ vừa kể đòi hỏi các trường luật phải cho phép nhân viên tuyển lính của quân đội hoạt động trong khuôn viên đại học là một hành động vi phạm quyền tự do học thuật.
Theo đơn kiện nộp ngày 19 tháng 9 tại tòa sơ thẩm liên bang ở tiểu bang New Jersey: đạo luật có tên Tu Chính Án Solomon mà quốc hội Mỹ thông qua năm 1995 là vi hiến, vì đạo luật đó cấm Bộ Quốc Phòng và một số cơ quan khác trong chính phủ liên bang không được cung cấp tiền bạc cho đại học nào cản trở công tác tuyển mộ của quân đội ở khuôn viên đại học.
Tường thuật của nhật báo Boston Globe trích lời người đứng đầu đơn kiện, là giáo sư Kent Greenfield của Boston College, nói rằng: chính phủ đang dùng đạo luật vừa kể để tìm cách thay đổi những điều cốt lõi trong triết lý giáo dục của các đại học và điều đó đi ngược với những qui định về tự do học thuật trong Tu Chính Án Thứ Nhất của hiến pháp Hoa Kỳ.
Các nguyên đơn của vụ kiện còn đưa ra một yêu cầu khẩn cấp để xin tòa án ra lệnh ngưng tức khắc việc chấp hành Tu Chính Án Solomon trước khi mùa tuyển lính của học kỳ mùa thu bắt đầu. Sau phiên tòa hôm 19 tháng 9, Chánh án John Lifland đã bác bỏ yêu cầu vừa kể nhưng ông cũng ra lệnh cho chính phủ phúc đáp những tố giác của đơn kiện trong vòng một tuần lễ.
Từ nhiều năm qua, hầu hết các trường đại học ở Mỹ đều áp dụng những chính sách nhằm ngăn cấm tệ nạn kỳ thị, kể cả nạn kỳ thị dựa trên xu hướng tính dục, hay phân biệt đối xử với những người đồng tính luyến ái. Trong khi đó, theo qui định hiện hành của quân đội Hoa Kỳ, thường được gọi là chính sách "Don't ask, don't tell" hay "Không hỏi, không nói", thì những quân nhân đồng tính luyến ái vẫn có quyền phục vụ trong quân đội nhưng họ không được công khai cho thấy xu hướng tính dục của mình. Vì có sự khác biệt chủ trương như thế nên nhiều đại học luật khoa; trong đó có những trường hàng đầu ở Mỹ như Harvard, Yale, và Columbia; đã bày tỏ sự phản đối của họ bằng cách không cho phép nhân viên tuyển mộ của quân đội được tự do hoạt động trong khuôn viên đại học.
Một số trường ngăn cấm hẳn không cho nhân viên tuyển mộ của quân đội vào trường. Một số khác, tuy cho phép những nhân viên này vào trường, nhưng lại sắp xếp để cho những cuộc viếng thăm đó khác với những cuộc viếng thăm của những nhân viên tuyển mộ của các tổ hợp luật sư hay của những công ty mà nhà trường xem là không áp dụng những chính sách có tính chất kỳ thị.
Mặc dù Tu Chính Án Solomon đã được thông qua năm 1995, nhưng mãi đến vài năm gần đây các giới chức Bộ Quốc Phòng mới tích cực yêu cầu các đại học luật khoa tuân hành đạo luật này. Các giới chức của Ngũ Giác Đài đã gởi thư cho các trường Harvard, Yale, Columbia và 20 viện đại học khác để cảnh cáo là họ có thể bị mất đi những khoản tài trợ của chính phủ liên bang dành cho toàn trường nếu trường luật của họ tiếp tục không cho nhân viên tuyển mộ của quân đội tiếp cận với sinh viên trong khuôn viên đại học. Tháng 8 năm ngoái, đại học luật khoa Havard đã quyết định nhượng bộ vì họ không muốn cả Viện đại học phải mất đi những khoản tài trợ của chính phủ liên bang lên đến 328 triệu đô la, chiếm khoảng 16% ngân sách hoạt động của cả trường. Và đến mùa hè năm ngoái, hầu như toàn bộ các đại học khác có nhận tài trợ nghiên cứu của chính phủ liên bang cũng đã đưa ra những quyết định tương tự như quyết định của đại học Havard.
Mặc dù vậy, nhưng một số các giới chức quản trị đại học vẫn không chịu bó tay, và hồi gần đây họ đã thành lập một tổ chức lấy tên là Diễn Đàn Tranh Đấu Cho Quyền Tự Do Học Thuật để nộp đơn kiện chính phủ. Tổ chức này không chịu tiết lộ tên của các trường thành viên vì muốn tránh cho các trường này khỏi bị gặp phải những hành động trả đũa. Tuy nhiên, theo tường thuật của hãng thông tấn AP, các thành viên trong ban quản trị của tổ chức này gồm có những giáo sư của các trường danh tiếng như đại học Yale, đại học Stanford, đại học Georgetown, đại học New York, và đại học Nam California. Bên cạnh Diễn Đàn Tranh Đấu Cho Quyền Tự Do Học Thuật, những nguyên đơn của đơn kiện này bao gồm một đoàn thể qui tụ khoảng 900 giáo sư luật học trên cả nước - Hội Giáo sư Luật Học Hoa Kỳ, các đoàn thể của sinh viên ở đại học luật khoa của Boston College và trường luật của đại học Rutgers cùng với ba sinh viên luật của đại học Rutgers.