Đường dẫn truy cập

Khuyết điểm trong việc giảng dạy các môn sử địa và công dân giáo dục tại các trường trung tiểu học ở Mỹ. - 2003-09-15


Một bản phúc trình mới được công bố hồi gần đây đã nêu ra nhiều khuyết điểm trong việc giảng dạy các môn sử địa và công dân giáo dục tại các trường trung tiểu học ở Mỹ và đề nghị giới hữu trách nhanh chóng cải thiện ngõ hầu các học sinh có được một cái nhìn đúng đắn về lịch sử của đất nước và biết quí trọng giá trị của thể chế dân chủ.

Những câu chuyện về các vị anh hùng, những thành tựu, và lý tưởng của nước Mỹ đã không được giảng dạy một cách đầy đủ ở các trường trung tiểu học, và tình trạng này cần phải thay đổi. Đó là nhận định chính yếu của bản phúc trình do Viện Albert Shanker công bố hôm mồng 3 tháng 9 vừa qua.

Viện Albert Shanker là một tổ chức nghiên cứu về chính sách công cộng, không có tính chất đảng phái, do Liên đoàn Giáo chức Hoa kỳ thành lập và được đặt tên theo tên của vị cố chủ tịch của liên đoàn này là ông Albert Shanker. Phúc trình của tổ chức vừa kể cho biết: những cuộc nghiên cứu hồi gần đây về các sách giáo khoa môn sử đã xác nhận một cáo giác mà những nhân vật thuộc phe bảo thủ đã đưa ra từ nhiều năm nay, đó là câu chuyện của nước Mỹ đã được trình bày một cách thiếu cân bằng ở trường học khiến cho nhiều học sinh có những thành kiến không tốt về đất nước của mình. Các tác giả của bản phúc trình nói rằng: nhà trường đã dạy cho học sinh quá nhiều về những điều xấu xa của xã hội Mỹ trong quá khứ mà không chú trọng đủ đến việc dạy cho các em về những thành tựu, những giá trị độc đáo, và những quyền tự do mà dân chúng ở Mỹ được hưởng.

Ông Larry Diamond, một nhà nghiên cứu của Viện Hoover, đã tán đồng nhận định vừa kể và nói rằng sự chú trọng quá độ đến những vấn đề như cuộc chiến Việt Nam, vụ tai tiếng Watergate, những vụ án truất nhiệm tổng thống, và những vụ bê bối của các nhân vật hoạt động chính trị đã tạo ra trong xã hội Mỹ một thái độ hoài nghi thiếu lành mạnh. Theo giáo sư Diamond, điều quan trọng là các em học sinh cần hiểu được những khuyết điểm và sai lầm của nước Mỹ, nhưng đồng thời nhà trường cũng cần giúp các em nhận thức được rằng Hoa kỳ là quốc gia đầu tiên có thể chế dân chủ hiện đại và sinh hoạt dân chủ của nước Mỹ đã và đang được nhiều bậc thức giả trên toàn thế giới ngưỡng mộ.

Bà Sandra Feldman, Chủ tịch Liên đoàn Giáo chức Hoa kỳ cũng trình bày một quan niệm tương tự như thế. Theo bà Feldman, các em học sinh cần được học về những hành vi sai trái trong lịch sử nước Mỹ, như tệ nạn mua bán nô lệ hay vụ giam giữ những người Mỹ gốc Nhật trong thời đệ nhị thế chiến; nhưng đồng thời, các em cũng cần được học về lịch sử của những người Mỹ đã ra sức tranh đấu cho lý tưởng tự do và công bằng. Ngoài ra, các em cũng nên được học về những tấm gương can đảm của những người khác trên thế giới như Tổng thống Nelson Mandela của Nam Phi, Tổng thống Vaclav Havel của Cộng hòa Chéch, bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ dân chủ Miến điện, và người sinh viên vô danh của Trung quốc đã giơ tay chận một đoàn xe tăng trong cuộc biểu tình đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc kinh năm 1989. Bà Feldman nói thêm rằng: nước Mỹ có những vấn đề rất nghiêm trọng, nhưng xã hội Hoa kỳ cũng là một xã hội hoàn toàn khác xa những xã hội chuyên chế, và các em học sinh cần hiểu rõ và quí trọng những gì đã được xây dựng trên đất nước của mình.

Bản phúc trình có nhan đề ỏGiáo dục cho Dân chủ của Viện Albert Shanker cũng chỉ trích tình trạng các trường ở Mỹ đã không chú trọng đến việc giảng dạy về những xã hội phi dân chủ. Theo những tác giả của bản phúc trình, sự so sánh giữa hai hệ thống sẽ giúp cho học sinh nhận thức được giá trị thật sự của chế độ chính trị của nước Mỹ. Bên cạnh đó, bản phúc trình của Viện Albert Shanker còn chỉ trích tình trạng bất cập của các trường ở Mỹ trong lãnh vực giáo dục công dân. Theo nhận xét của các tác giả của bản phúc trình, nhà trường đã chú trọng quá đáng tới việc giảng dạy các môn toán, khoa học và tập đọc mà lơ là những bài học về sử địa và công dân giáo dục. Điều này khiến cho học sinh có thái độ thờ ơ đối với những hoạt động xã hội và chính trị, và thiếu thiện chí phục vụ cộng đồng. Phúc trình vừa kể cho biết: trong 30 năm qua, tỉ lệ đi bỏ phiếu của những người dưới 25 tuổi đã sút giảm 15%, và tinh thần ái quốc trong giới học sinh sinh viên cũng xuống thấp đến độ có nhiều em học sinh nói rằng "Lễ Chiến Sĩ Trận Vong" là ngày mà hồ bơi bắt đầu mở cửa.

Theo tường thuật ngày mồng 3 tháng 9 của các hãng thông tấn AP và UPI, bản phúc trình của Viện Albert Shanker đã được dư luận Hoa kỳ chú ý rất nhiều vì bên cạnh những phê phán khá nghiêm khắc, phúc trình này còn nhận được sự hậu thuẫn của hơn 100 nhân vật nổi tiếng thuộc nhiều xu hướng khác nhau trong chính trường và học giới của nước Mỹ. Trong số những người bày tỏ sự ủng hộ đối với các nhận định và đề nghị của phúc trình này có cựu Tổng thống Bill Clinton, thuộc đảng dân chủ; bà Jeane Kirpatrick, người thuộc đảng Cộng hòa từng giữ chức đại sứ Hoa kỳ tại Liên Hiệp Quốc; sử gia David McCullough; ông Reg Weaver, người cầm đầu nghiệp đoàn giáo chức lớn nhất nước là Hiệp hội Giáo dục Toàn quốc; cùng với nhiều học giả và những nhà lãnh đạo của các tổ chức khác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG