Chính phủ Việt Nam vừa ban hành một số luật lệ mới nhằm tăng thuế các phụ tùng xe hơi nhập cảng từ nước ngoài. Theo các giới chức chính phủ thì biện pháp này nhằm khuyến khích các hãng chế tạo xe hơi tại Việt Nam gia tăng việc sử dụng các bộ phận rời trong nước thay vì nhập cảng từ nước ngoài.
Tuy nhiên sự kiện này đã khiến cho nhiều công ty ngoại quốc đầu tư vào kỹ nghệ xe hơi tại Việt Nam thất vọng khi thấy rằng những gì đang xảy ra hiện nay trên thị trường này đã khác xa với những điều mà họ đã mong đợi trong thập niên 1990 khi hăm hở bỏ tiền đầu tư vào ngành sản xuất xe hơi tại một nước nghèo như Việt Nam. Sau đây là một số chi tiết liên quan đến vấn đề này do Trần Nam lược thuật từ các nguồn tin trong và ngoài nước.
Theo một Quyết Định của Bộ Tài Chính Việt Nam, ký ngày 25 tháng 7 thì bắt đầu từ ngày thứ Hai vừa qua, các phụ tùng xe hơi nhập cảng từ nước ngoài để lắp ráp tại Việt Nam đều phải chịu thuế cao hơn trước đây từ 5 đến 10%.
Các giới chức chính quyền lập luận rằng việc tăng thuế này là để giúp cho kỹ nghệ sản xuất phụ tùng xe hơi tại Việt Nam có thể tăng trưởng bằng cách bắt buộc các hãng chế tạo xe hơi tại Việt Nam phải mua các bộ phận rời trong nước thay vì nhập cảng từ nước ngoài để lắp ráp tại Việt Nam.
Ngoài ra theo một Quyết Định được loan báo trong tháng 6 thì vào đầu năm tới chính phủ cũng sẽ gia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên đến 24%, so với 5% hiện nay, dành cho các loại xe 5 chỗ ngồi trở xuống. Các loại xe lớn hơn cũng sẽ phải chịu mức thuế gia tăng tương tự. Khoản thuế tiêu thụ đặc biệt này sẽ tiếp tục tăng lên mỗi năm cho đến năm 2007, theo đó thuế tiêu thụ xe hơi có thể lên đến từ 25 đến 80% tùy theo từng loại xe.
Cũng kể từ tháng Giêng năm 2004, thuế trị giá gia tăng trên các phụ tùng nhập cảng từ nước ngoài cho tất cả các loại xe hơi, sẽ tăng lên gấp đôi, nghỉa là 10%, thay vì 5% như hiện nay.
Theo Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Xe Hơi tại Việt Nam, gồm 11 công ty đầu tư nước ngoài, trong đó có các hãng Toyota của Nhật, Daimler Chrysler và Ford của Mỹ, thì những biện pháp tăng thuế này sẽ khiến cho kỹ nghệ xe hơi tại Việt Nam có nguy cơ lâm vào tình trạng kiệt quệ.
Hiệp Hội tiên đoán rằng trong năm tới số xe bán ra sẽ giảm từ 30 đến 40% vì các công ty sản xuất xe hơi sẽ phải tăng giá bán cho khách hàng để bù vào các khoản thuế mới.
Trong vài năm qua, nhờ sự tăng trưởng kinh tế đều đặn của Việt Nam, một số người thành công trên thương trường đã bắt đầu mua sắm xe hơi, khiến cho thị trường này đã phát triển rất nhanh chóng với mức tăng trưởng từ 30 đến 50% mỗi năm, nhất là trong năm nay, khi có tin thuế tiêu thụ xe hơi sẽ tăng vào đầu năm tới. Theo lời một phát ngôn viên của Hiệp Hội sản xuất xe hơi tại Việt Nam thì các công ty của họ sản xuất khoảng 30 ngàn chiếc mỗi năm.
Tuy nhiên rồi đây với giá xe tăng vọt, sự tăng trưởng này có thể sẽ bị khựng lại, và tệ hại hơn nữa, là số xe bán ra có thể sẽ giảm xuống giống như thời kỳ từ năm 1999 đến năm 2000. Và xét về mặt thu nhập và lợi nhuận thì sự kiện này sẽ là một đòn nặng đánh vào kỹ nghệ xe hơi tại Việt Nam.
Cũng theo lời phát ngôn viên của hiệp hội sản xuất xe hơi tại Việt Nam thì nhiều công ty của họ sẽ phải ngưng hoạt động, và toàn thể kỹ nghệ xe hơi tại Việt Nam có thể trở nên rất bấp bênh trong tương lai.
Dù các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã nhiều lần nêu lêân những khó khăn của họ với chính phủ Việt Nam về các luật lệ thay đổi nhanh chóng như vậy nhưng các khoản thuế đối với các phụ tùng nhập cảng từ nước ngoài, cũng những những khoản tăng thuế khác đánh vào xe hơi cũng vẩn tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây.
Sự bất mãn của các thành viên trong Hiệp Hội Sản Xuất Xe Hơi tại Việt Nam lại càng gia tăng khi Bộ Văn Hóa và Thông Tin không cho phép họ tổ chức một cuộc họp báo tại Hà Nội trong tuần trước để trình bày những lo ngại của họ về các biện pháp tăng thuế mới.
Tình trạng này thật là hoàn toàn khác hẳn với những gì mà các nhà sản xuất xe hơi đã trông đợi khi họ hăm hở ùa vào nước cộng Sản này trong thập niên 1990 với hy vọng là sẽ hốt bạc khi mức thu nhập của người dân Việt Nam được dự đoán là sẽ gia tăng nhanh chóng trong thời kỳ đổi mới kinh tế. Tuy nhiên mục tiêu đó dường như vẫn còn rất xa.
Sau khi bị khốn đốn vì hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính Á Châu trong thời gian từ năm 1997 đến năm 1998, các công ty ngoại quốc sản xuất xe hơi tại Việt Nam chỉ còn có cách chờ đợi và trông cậy vào sự tăng trưởng của Việt Nam. Nhưng cho đến bây giờ thì mức thu nhập của người dân Việt Nam, tính trung bình theo đầu người, vẩn chỉ có khoảng 400 đô la 1 năm, trong khi theo các nhà phân tích thì lợi tức cá nhân phải cao gấp 10 lần như vậy thì mới đủ sức duy trì kỹ nghệ xe hơi tại Việt Nam.
Tính đến nay các công ty trong Hiệp Hội Sản Xuất Xe Hơi tại Việt Nam đã đầu tư hơn 500 triệu đô la, chưa kể những khoản tiền đầu tư trong các công ty khác để yểm trợ cho kỹ nghệ xe hơi.
Thế nhưng tương lai của những cuộc đầu tư của họ đã trở nên mờ mịt. Phát ngôn viên của hiệp hội nói rằng nhiều dự án đầu tư của hiệp hội đã phải hủy bỏ vì không thể thực hiện được trong những điều kiện thuế má gia tăng như vậy. Sự kiện này sẽ gây ảnh hưởng bất lợi chẳng những cho kỹ nghệ xe hơi mà còn cho công cuộc đầu tư của nước ngoài vào cáclảnh vực khác tại Việt Nam.
Theo lời của một giới chức ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam thì các biện pháp tăng thuế mới đây sẽ gây lo ngại cho những người muốn đầu tư tại Việt Nam.
Các nhà phân tích cho rằng kỹ nghệ xe hơi đã đầu tư rất nhiều tiền bạc vào Việt Nam, và việc thay đổi các luật lệ thuế má như vậy sẽ khiến cho các nhà đầu tư ngoại quốc cảm thấy rằng mang tiền vào Việt Nam đầu tư có thể là dấn thân vào công việc làm ăn đầy bất trắc.
Nhìn chung thì các doanh nhân Hoa Kỳ tại Việt Nam vẩn còn thất vọng về các hoạt động đầu tư của họ tại một nền kinh tế đang trong thời kỳ chuyển tiếp của Việt Nam, nơi mà luật lệ nhiều khi thay đổi bất thường, cũng như tình trạng tham nhủng lan tràn và nạn sao chép bất hợp pháp các sản phẩm của người khác.
Tuy nhiên theo lời các giới chức Việt Nam thì họ đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc bài trừ các tệ nạn này kể từ khi hiệp định thương mại Việt Mỹ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2001.
Hiện nay xe hơi vẫn còn là một thứ xa xí phẩm tại Việt Nam, một quốc gia vẫn còn nằm trong danh sách các nước nghèo nhất trên thế giới. Hầu hết người dân tại thành phố đều dùng xe gắn máy. Thế nhưng tại các vùng nông thôn, xe đạp vẫn là phương tiện di chuyển rất phổ biến, và ngay cả tại nhiều thành phố người ta vẫn còn thấy những chiếc xe đạp chạy lặng lẽ giữa các giòng xe gắn máy ồn ào, náo nhiệt.
Đối với đại đa số dân chúng Việt Nam thì việc mua sắm được một chiếc xe hơi vẫn còn là một mơ ước rất xa vời.