Đường dẫn truy cập

Bệnh sốt Dengue tại các nước trong vùng Đông Nam Á. - 2003-09-04


Bây giờ là mùa mưa tại các nước trong vùng Đông Nam Á, và khu vực này đang phải đối diện với một cuộc chiến hàng năm để chống lại bệnh sốt Dengue và các chứng bệnh khác do loài muỗi mang lại. Tổ Chức Y Tế Thế Giới nói rằng những bệnh này là nguyên nhân chính khiến cho nhiều người tại các nước ở Châu Á phải vào bệnh viện. Đa số các nạn nhân của bệnh sốt Dengue là những người ở thành thị, nơi mà loài muỗi sinh sôi nẩy nở trong các thùng chứa thô sơ do các cư dân tự làm lấy để hứng nước mưa.

Sốt Dengue, bệnh sốt rét, và các chứng bệnh khác do các loại ký sinh trùng hoặc những thứ được gọi là sinh vật mang mầm bệnh, đã được xem là những vấn đề quan trọng về sức khỏe. Sau đây là các chi tiết trong bài tường trình của Thông tín viên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ Kurt Achin từ Hồng Kông về các nỗ lực cũa chính quyền địa phương để theo dõi và bài trừ sự lây lan của bệnh sốt Dengue.

Tại Hồng Kông cũng như tại các thành phố khác ở Đông Nam Á, thời tiết nóng nực và những cơn mưa mùa đã khiến cho nguy cơ bệnh sốt Dengue lên cao nhất.

Trong trường hợp bệnh nhẹ thì bệnh nhân có những triệu chứng giống như là sốt cấp tính, như thân nhiệt cao, nhức đầu dử dội, da nổi lên những vết đỏ, và đau nhức bắp thịt. Nếu bệnh xuất hiện dưới hình thức nặng hơn, còn được gọi là sốt xuất huyết Dengue thì bệnh nhân có thể bị thiệt mạng, nhất là trẻ em. Dù nhẹ hay nặng, việc chữa trị cho các bệnh nhân đều có thể thành công.

Sốt Dengue là do một trong bốn loại virut gây ra, nghĩa là trên lý thuyết thì một người có thể bị nhiễm bệnh 4 lần khác nhau trong cuộc đời của mình. Người bị nhiễm bệnh nhiều lần là người có ít nguy cơ bị bệnh này dưới hình thức gây chết người.

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới thì có khoảng 2 tỉ 500 triệu người tại các nước ở châu Mỹ, khu vực châu Á Thái Bình Dương, và đông bộ Địa Trung Hải, đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh sốt Dengue.

Các giới chức y tế tại Hồng Kông nói rằng năm ngoái là năm đầu tiên mà sự bột phát của bệnh sốt Dengue được nhận thấy trên lãnh thổ này.

Có tất cả 20 ca lây nhiểm được phát hiện tại địa phương, trong số này có 17 trường hợp đã xảy ra tại một địa điểm xây cất. Theo lời các giới chức y tế thì hiện nay hãy còn quá sớm để kết luận rằng sốt Dengue đã trở thành một bệnh dịch tại Hồng Kông.

Còn nhà cầm quyền Hồng Kông thì nói rằng từ đầu năm đến nay trong số những ca bệnh sốt Dengue được báo cáo tại Hồng Kông, không có ca bệnh nào là xuất phát tại địa phương mà là do sự xâm nhập từ các nước khác như Philippine, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Kampuchia và Sri Lanka.

Theo lời Bác sĩ Hồ Dục Anh, tham vấn cho Cơ Quan Thực Phẩm và Vệ Sinh Môi Trường tại Hồng Kông thì tính đến nay hầu hết những ca bệnh sốt Dengue được phát hiện trên lãnh thổ này đều là do những người từ các nơi khác mang đến:

Trong 10 năm qua, hoặc trong khoảng thời gian tương tự, tất cả trường hợp bệnh tật khác là do sự xâm nhập từ các nước láng giềng, nhất là từ các nước trong vùng Đông Nam Á.

Sốt Dengue bị lây giữa người và người là do những con muỗi cái. Những con muỗi này hút máu từ những người bệnh rồi truyền sang cho người khác khi chúng chích vào người đó. Những con muỗi cái cũng có thể giúp cho vi khuẩn của bệnh này sinh sôi nẩy nở bằng cách chuyển vi rút bệnh này sang cho thế hệ con cháu của chúng trong những cái trứng.

Loại muỗi thường mang vi rút sốt Dengue nhiều nhất là một loại muỗi lớn có tên khoa học là Albopictus, thường thấy rất nhiều tại những vùng nhiệt đới.

Bác sĩ Hitoshi Oshitani, một cố vấn cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới trong khu vực này nói rằng sốt Dengue đã lây nhiễm nhanh chóng tại những nơi có nhiều người tiếp cận với nhiều muổi thuộc loại Albopictus, nghĩa là tại các thành phố. Ông nói:

Nhiều trường hợp bệnh sốt Dengue đã xảy ra tại các thành phố hoặc những vùng quê. Tuy nhiên, thôn quê không phải là môi trường thuận lợi cho sự lây lan của bệnh này.

Tuy các vùng nông thôn có rất nhiều muỗi nhưng vì dân cư sống thưa thớt cho nên có ít nguy cơ lây nhiễm hơn. Còn tại thành thị, nơi tập trung nhiều người, thì các bác sĩ nói rằng sự lây nhiễm có thể sẽ gia tăng gấp bội.

Đông Nam Á, với những điều kiện dân số đông đúc và thời tiết oi bức, là một môi trường lý tưởng để bệnh sốt Dengue lây nhiễm dễ dàng. Những cộng đồng dân cư này lại sống giữa những vùng có nhiều cây cỏ nhiệt đới.

Bác sĩ Hồ nói rằng bất cứ nơi nào trong môi trường sống tại các đô thị hiện đại cũng có thể là vùng đất mà muỗi có thể sinh sôi nẩy nở. Ông nói tiếp:

Muỗi có thể sinh sản trong những chiếc hộp dùng để đựng cơm trưa, những hộp không, những hộp nhỏ chứa dưới 1/10 lít nước. Chúng có thể sống và sinh sản trong những thứ đó.

Chính quyền Hồng Kông đã báo động về vấn đề này bằng những lời loan báo được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên các cơ quan truyền thông đại chúng:

Hãy thay nước bên trong những chiếc lọ và trong các chậu trồng cây có tưới nước, ít nhất mỗi tuần một lần.

Chính quyền Hồng Kông đã theo dõi sự sinh sản của muỗi bằng một dụng cụ đơn giản được gọi là “bẫy trứng muỗi”. Bẫy này là một vật hình ống được treo lên và được tẩm một loại dung dịch ẩm ướt để thu hút những con muỗi cái. Bằng cách đếm trứng muỗi đẻ ra ở đó, các kiểm soát viên có thể thu thập những dữ kiện được gọi là “chỉ số trứng muỗi” để theo dõi sự thay đổi hàng tháng về số muỗi đang hiện diện trong vùng.

Theo lời các giới chức thẩm quyền thì việc giữ cho số muỗi ở mức thấp là phương cách tốt nhất để đề phòng bệnh sốt Dengue. Các giới chức này đã xem xét cẩn thận những nơi có chỉ số trứng muỗi cao, nhất là tại những địa điểm xây cất, vì các giàn giáo được làm bằng tre rỗng ruột là nơi có chứa nước mưa.

Theo lời bác sĩ Hồ thì việc giữ cho loài muỗi cách xa con người là phương cách hay nhất để giữ gìn sức khỏe dân chúng, nói chung:

Tại nhiều nơi trong những vùng có bệnh sốt Dengue, người ta cũng thấy có những bệnh khác do loài muỗi mang đến, như bệnh sốt rét hay bệnh viêm não Nhật Bản chẳng hạn.

Cuối cùng, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã loan báo một tin vui về công cuộc diệt trừ bệnh sốt Dengue. Tổ chức này nói rằng nếu chúng ta tiếp tục đạt được tiến bộ theo mức độ hiện nay thì một loại thuốc chủng ngừa có thể sẽ được sẵn sàng mang ra sử dụng trong những năm tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG