Đường dẫn truy cập

Nguyễn Lê phỏng vấn Tổng giám đốc Việt Nam Airlines Nguyễn Xuân Hiển về việc phát triển hoạt động của Việt Nam Airlines sang Hoa Kỳ. - 2003-08-19


Một đoàn đại biểu của Tổng Công ty Hàng Không Việt nam, tức Việt Nam Airlines, đang có mặt tại Hoa Kỳ để tiếp nhận 1 chiếc máy bay Boeing kiểu 777- 200 ER. Như tin chúng tôi đã loan, ngày 15 tháng 8 vừa qua, đoàn đại biểu Việt Nam Airline do ông tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hiển cầm đầu đã dự lễ ký kết các văn kiện về việc Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu của Hoa Kỳ bảo lãnh cho Việt Nam Airlines vay vốn của Tổng Công ty Tài Trợ Xuất Khẩu Tư Nhân của Hoa Kỳ để mua chiếc Boeing 777 - 200 ER thứ nhì.

Trong buổi lễ do Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Hoa Kỳ tổ chức tại trụ sở của ngân hàng và trong buổi hội thảo về công nghiệp du lịch Việt Nam tại khách sạn Mayflower tại thủ đô Washington sau đó, Biên tập viên Nguyễn Lê đã tiếp xúc với ông Nguyễn Xuân Hiển và ghi nhận một số phát biểu của ông liên quan đến việc phát triển hoạt động của Việt Nam Airlines sang Hoa Kỳ. Sau đây là nội dung chủ yếu của cuộc phỏng vấn đó:

Chiếc Boeing 777- 200 ER với tầm bay được tăng cường, sẽ được giao cho Việt Nam Airlines trong tuần này tại thành phố Seattle, là chiếc đầu tiên trong tổng số 4 chiếc mà Tổng công ty Hàng Không Việt Nam đã ký hợp đồng để mua cách nay gần 2 năm. Ông Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hiển cho biết đội bay phụ trách đưa chiếc máy bay này về nước tất cả đều là nhân viên Việt Nam đã được huấn luyện nâng cao từ việc điều khiển máy bay Boeing 767 chuyển lên điều khiển máy bay Boeing 777.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc bao giờ Việt Nam Airlines sẽ bắt đầu các chuyến bay thẳng sang Hoa Kỳ, sau khi chiếc Boeing 777 này được đưa vào hoạt động, ông Nguyễn Xuân Hiển nói:

Với tư cách là một doanh nghiệp chúng tôi đang chờ đón việc ký kết hiệp định hàng không giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Sau khi có hiệp định hàng không, thì chúng tôi sẵn sàng bay đến các điểm, mà có nhẽ đầu tiên là ở Bờ Tây. Chúng tôi đang muốn chọn San Francisco là điểm mà có thể bay đến. Chúng tôi hy vọng sẽ đáp ứng được phần nào, cùng với các hãng hàng không Mỹ như là American Airlines, United Airlines, mà đã có các hợp đồng liên danh với ta, để đáp ứng được nhu cầu đi lại của bà con cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Mỹ, tại Hoa Kỳ và cả khu vực Bắc Mỹ.

Ông Hiển tỏ ý tin tưởng rằng hiệp định hàng không này sẽ được ký kết trong một tương lai gần, có thể là cuối năm nay, và các chuyến bay của Việt Nam Airlrines sang Mỹ sẽ được thực hiện vào năm 2004.

Được hỏi về hiệu lực của một thỏa thuận về bay liên danh mà Việt Nam Airlines đã ký với hãng American Airlines của Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 2001, người lãnh đạo Tổng Công Ty Hàng Không Việt nam giải thích:

Đấy là một hợp đồng liên danh mà chúng tôi ký kết với American Airlines. Để thực hiện cái đó thì hai bên đều có một quá trình kiểm tra lẫn nhau. Và American Airlines đang tiến hành quá trình kiểm tra đối với Hoa Kỳ Việt Nam về các tiêu chuẩn dịch vụ. Sau đó thì chúng tôi sẽ có hợp đồng theo tiêu chuẩn code-sharing, chia chổ với nhau để đưa khách về Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Hiển cho biết việc mở các chuyến bay của Việt Nam Airlines sang Hoa Kỳ sẽ được thực hiện từng bước. Trước mắt, San Francisco sẽ là điểm đến duy nhất ở Mỹ. Riêng tại Canada, Vancouver sẽ là thành phố đầu tiên đón nhận các chuyến bay của Hàng không Việt Nam.

Trả lời câu hỏi về thành phố nào của Việt Nam sẽ được các hãng hàng không Mỹ chọn làm điểm hạ cánh trước tiên, ông Nguyễn Xuân Hiển đưa ý kiến:

Tôi cho rằng nếu các hãng hàng không của Mỹ chọn bay sang Việt Nam, thì người ta sẽ bay đến Thành phố Hồ Chí Minh của chúng ta.

Được yêu cầu giải thích vì sao Hà Nội không phải là một chọn lựa ưu tiên trong lĩnh vực vận tãi hàng không, ông Tổng giám đốc Việt Nam Airlines phân tích:

Có nhẽ là thực tế phát triển của từng đất nước ở từng khu vực, thì có những nơi là thủ đô của trung tâm chính trị văn hóa, nhưng cũng có những nơi sẽ trở thành những trung tâm thương mại. Và trong lĩnh vực hàng không thì chúng tôi cũng nhìn thấy rất rõ cái điều đó. Anh biết rằng ở Đức chẳng hạn, Cộng hòa Liên bang Đức chẳng hạn, thì ở thủ đô của họ trước đây là Bonn và bây giờ là Berlin. Nhưng Frankfurt vẫn là một cái hub, vẫn là một thương trường về vận tãi hàng không, một trung tâm trung chuyển hàng không. Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam cũng sẽ diễn ra, cũng sẽ hình thành cái hình ảnh như thế.

Đề cập đến ảnh hưởng của dịch bệnh SARS đối với ngành hàng không dân dụng Việt Nam, Ông Nguyễn Xuân Hiển nhấn mạnh: Việt Nam là đất nước nhanh chóng nhất, công khai nhất và rõ ràng nhất trong việc ngăn chặn dịch bệnh SARS, và cũng là nước đầu tiên ở khu vực Ðông Nam Á được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là đã ngăn chặn và xóa bỏ hoàn toàn dịch SARS. Ông khẳng định rằng trong quý 2 vừa qua các hãng hàng không đều có những khó khăn, nhất là các hãng hàng không ở khu vực Ðông Nam Á. Riêng đối với Việt Nam Airlines, ông Nguyễn Xuân Hiển cho biết:

Đối với chúng tôi cũng như vậy. Lưu lượng hành khách trong từng thời điểm có lúc giảm đến 40, 45, 50 phần trăm. Tuy nhiên đến thời điểm này thì tình hình đó đã chấm dứt và hoạt động hàng không đã trở lại gần như là bình thường, và chúng tôi vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng của hoạt động sản xuất kinh doanh. So với năm 2002 sẽ có mức tăng trưởng cỡ từ 4 đến 5 phần trăm.

Để đánh dấu một bước phát triển hoạt động mới rất đáng kể của ngành hàng không Việt Nam với việc tiếp nhận chiếc máy bay Boeing 777 có tầm xa lớn, ông Tổng giám đốc Hàng Không Việt Nam đã tặng đài Tiếng nói Hoa Kỳ một huy hiệu có mang logo mới của Việt Nam Airlines: Đó là 1 bông sen trắng trên một nền trời xanh mà theo ông, là một biểu tượng của hòa bình và hữu nghị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG