Đường dẫn truy cập

Các sinh viên thuộc những sắc dân thiểu số có thể được dành cho những biện pháp ưu đãi khi nộp đơn xin nhập học. - 2003-07-07


Thưa quí thính giả và các bạn sinh viên học sinh, hai tuần trước đây, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã đưa ra hai phán quyết quan trọng liên quan đến những thủ tục mà trường Đại học Michigan đã áp dụng trong công tác tuyển sinh của trường luật và của các chương trình bậc cử nhân. Theo hai phán quyết vừa kể, các trường đại học có quyền dành cho sinh viên thuộc những sắc dân thiểu số những biện pháp ưu đãi khi xét đơn xin nhập học. Nhưng tòa án cao nhất nước Mỹ này cũng lưu ý các giới chức đại học là không được nhấn mạnh quá đáng đến yếu tố chủng tộc khi quyết định có nên thu nhận một sinh viên nào đó hay không.

Trong phán quyết thứ nhất, liên quan đến chính sách ưu đãi mà trường luật của đại học Michigan dành cho sinh viên thiểu số, các vị thẩm phán cho rằng chính sách này là hợp hiến vì nhắm đến một mục tiêu phù hợp với quyền lợi của đất nước là đa dạng hóa thành phần chủng tộc trong khuôn viên đại học. Theo các vị thẩm phán, chính sách vừa kể hữu ích cho sự thông cảm lẫn nhau giữa các sắc dân, giúp phá vỡ các thành kiến về chủng tộc, và giúp cho sinh viên hiểu biết nhiều hơn về những người không cùng chủng tộc hay sắc tộc. Tuy nhiên, trong phán quyết thứ nhì, liên quan đến biện pháp ưu đãi dựa trên chủng tộc mà đại học Michigan áp dụng khi cứu xét đơn xin nhập học của sinh viên bậc cử nhân, các vị thẩm phán đã tán đồng chủ trương của những người chống đối và nói rằng các biện pháp của đại học Michigan là vi hiến. Lý do là vì đại học này đã tự động cho thêm các sinh viên thiểu số 20 điểm trong tổng số 100 điểm để được thu nhận, và điều này không khác gì việc đặt ra một quota hay hạn ngạch dựa trên chủng tộc, là điều bị pháp luật ngăn cấm.

Vụ tranh tụng về tính chất hợp hiến của thủ tục tuyển sinh của Đại học Michigan trên cơ bản là một cuộc tranh chấp giữa những người ủng hộ và những người chống đối chủ trương "affirmative action". Chủ trương, mà chúng tôi tạm dịch là "hành động tích cực" này, có mục đích thông qua việc áp dụng những biện pháp ưu đãi hay dành ưu tiên trong việc tuyển dụng và thăng thưởng để giúp cho những người thiểu số, đặc biệt là người da màu, có cơ hội để đạt tới vị thế bình đẳng trên thực tế với những người da trắng.

Hai chữ affirmative action được chính thức xử dụng lần đầu tiên trong một Mệnh lệnh Hành chánh do tổng thống John Kennedy ban hành năm 1961, trong đó ông chỉ thị các nhà thầu của chính phủ phải có những hành động tích cực để bảo đảm không có nạn kỳ thị chủng tộc trong việc tuyển dụng và thăng thưởng nhân viên. Bốn năm sau đó, khái niệm về affirmative action đã được tổng thống Lyndon Johnson khẳng định và phát huy mạnh mẽ khi ông tuyên bố tại buổi lễ tốt nghiệp ở đại học Howard ở Washington rằng ỏChúng ta không thể chỉ giải phóng cho một người bị xiềng xích lâu năm, mang anh ta đến mức khởi hành của một cuộc chạy đua, và nói rằng: bây giờ anh được tự do cạnh tranh với tất cả những người khác! Theo lời tổng thống Johnson, nước Mỹ không chỉ theo đuổi mục tiêu bình đẳng như một quyền hạn hay một lý thuyết, mà là bình đẳng như một sự thật và như một kết quả.

Dựa theo những qui định của chính phủ và những chương trình tự nguyện của tư nhân, các nỗ lực affirmative action được thực hiện trong 4 thập niên qua đã giúp cho tỉ lệ hiện diện của những người thiểu số gia tăng đáng kể trong các định chế quan trọng của xã hội Mỹ như quân đội, các ban quản trị của những đại công ty, và các cơ sở giáo dục cao đẳng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, kế hoạch affirmative action đã gặp phải sự chống đối khá mạnh mẽ từ những người cho rằng những biện pháp ưu đãi dành cho người da màu là bất công vì người da trắng đã bị kỳ thị ngược.

Năm 1996, dưới sự cổ xướng của ông Ward Connerly, một nhân vật hoạt động tích cực của phe bảo thủ và là người cầm đầu Liên minh Dân quyền Hoa Kỳ, cử tri tiểu bang California đã bỏ phiếu chấp thuận Đề nghị số 209 với kết quả là mọi biện pháp affirmative action của chính quyền tiểu bang đều bị cấm chỉ. Một năm sau đó, một dự luật tương tự cũng được các cử tri ở tiểu bang Washington chấp thuận. Năm 2000, chính quyền tiểu bang Florida cũng ra lệnh cấm các trường đại học không được xét tới yếu tố chủng tộc khi xét đơn xin nhập học.

Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện đã được chính quyền của tổng thống Bush hoan nghênh, mặc dù trước đó phía chính phủ đã nộp một văn kiện cho Tối Cao Pháp Viện để phản đối chính sách affirmative action của đại học Michigan. Theo tường thuật của tờ Washington Post, số ra ngày 4 tháng 7, sự hoan nghênh của chính phủ đã khiến nhiều người thuộc phe bảo thủ tức giận. Và tổ chức của ông Connerly dự trù phát động một chiến dịch vận động ở các tiểu bang quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống để cử tri thông qua những đề nghị chống affirmative action, tương tự như Đề nghị 209 của tiểu bang California. Một số cố vấn của tổng thống Bush đã tỏ ra lo ngại là những cuộc vận động như thế có thể gây bất lợi cho ông trong cuộc bầu cử năm 2004. Lý do là vì vấn đề gây nhiều tranh cãi này có phần chắc là sẽ khiến cho tỉ lệ cử tri đi bầu gia tăng trong khối người thiểu số và khối cử tri ủng hộ đảng Dân Chủ.

Về phần mình, đại học Michigan và những người ủng hộ affirmative action đã tỏ ra phấn khởi trước phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, mặc dù phán quyết này chỉ là một thắng lợi không hoàn toàn. Hiệu trưởng đại học Michigan, bà Mary Sue Coleman, nói rằng: "phán quyết của Tối Cao Pháp Viện là một lời khẳng định dõng dạc đối với chủ trương affirmative action và sẽ vang dội khắp nơi trong nước, từ các lớp học cho đến những phòng họp của ban quản trị các đại công ty."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG