Đường dẫn truy cập

The Toss of a Lemon (Ném Một Quả Chanh) - Padma Viswanathan


The Toss of a Lemon (Ném Một Quả Chanh) của Padma Viswanathan kể lại cuộc đời của một cô dâu trẻ con, trở thành người góa phụ cô đơn khi mới 18 tuổi cho đến khi từ trần vào lúc ngoài 80. Xen kẽ cuộc đời của nhân vật này là những biến cố lịch sử của Ấn Độ trong vòng 60 năm đi từ giành độc lập chuyển sang hiện đại.

Đối với một nhà văn di dân viết tiểu thuyết bằng Anh văn, sự thành công ngay từ khi ra mắt quyển truyện đầu tay nay không còn là sự kiện hiếm hoi ở Mỹ. Vì nước Mỹ, với tinh thần hợp chủng cởi mở, là nơi từ những thập niên cuối thế kỷ 20 đã biết đón nhận và đánh giá cao những đóng góp văn học của lớp nhà văn di dân.

Trong số những nhà văn di dân tạo được tên tuổi ở Mỹ phải nói đông đảo nhất là những nhà văn xuất phát từ bán đảo Ấn Độ, tiêu biểu là Salman Rushdie, tác giả của hàng chục đầu sách được hâm mộ, tiêu biểu nhất là quyển tiểu thuyết Midnight’s Children/Những Đứa Trẻ Chào Đời Lúc Nửa Đêm. Mới đây Việt Nam ta có Nam Lê với tập truyện ngắn The Boat/Con Thuyền chiếm được nhiều giải văn chương quốc tế cao quý, được coi là một nhà văn trẻ đầy hứa hẹn.

Năm 2008 Padma Viswanathan, nhà văn nữ trẻ gốc Ấn với quyển tiểu thuyết đầu tay The Toss of a Lemon/Ném Một Quả Chanh ngay khi ra mắt đã được độc giả những xứ dùng Anh ngữ đón nhận khá nồng nhiệt.

Padma Viswanathan sinh năm 1968 ở tỉnh Nelson – một tỉnh nhỏ thuộc British Columbia nước Canada. Tốt nghiệp Đại học Alberta ở Canada, sau đó sang Mỹ dự các lớp thuyết trình về sáng tác ở Đại học John Hopkins và tốt nghiệp năm 2005, kế đó theo học chương trình thạc sĩ văn chương ở Đại học Arizona năm 2006. Cô có truyện ngắn đăng trên một số tạp chí văn chương như Subtropics, New Letters, Prism International, and Malahat Review.

Rời Canada, Padma Viswanathan sang định cư ở Mỹ, hiện sống với chồng là thi sĩ/dịch giả Geoffrey Brock và hai con ở Fayetteville, tiểu bang Arkansas. Quyển tiểu thuyết The Toss of a Lemon khá đồ sộ, dày trên 600 trang, tác giả đã trích dẫn một câu văn của Salman Rushdie trong quyển Midnight’s Children làm đề từ như sau: “Phần lớn những gì quan trọng trong đời sống chúng ta đã diễn ra khi chúng ta vắng mặt: nhưng tôi đã tìm được từ nơi nào đó cái trò tinh quái lấp đầy những khoảng trống trong sự hiểu biết của tôi.”

Tuy không tuyên bố rõ ràng nhưng ta cũng hiểu được “trò tinh quái” Rushdie nói tới chính là viết tiểu thuyết. Vì khi ta không hiểu rõ những sự việc đã xảy ra khi ta không có mặt – trong trường hợp này là xảy ra trong quá khứ - thì viết tiểu thuyết về những sự việc đó sẽ giúp chúng ta có sự hiểu biết.

Với Padma Viswanathan, những điều cô muốn biết là những biến cố đã xảy ra trong cuộc đời bà cố của cô, ở vào một thời xa xưa của những năm cuối thế kỷ 19 kéo dài tới giữa thế kỷ 20 tại một vùng quê thuộc miền Nam Ấn Độ. Đó là một thời đại xã hội còn chia ra nhiều tầng lớp giai cấp và bị ràng buộc chặt chẽ bởi các nghi thức tục lệ của tôn giáo Bà La Môn. Nhìn từ điểm đứng hiện tại tác giả viết quyển tiểu thuyết này là để tìm hiểu xem thân phận người phụ nữ thời đó như thế nào.

Khi còn nhỏ Padma được bà nội kể cho nghe về cuộc đời của bà cố nội nên cô có ấn tượng sâu sắc về số phận người phụ nữ Ấn thời xa xưa nên khi trưởng thành cô muốn tái tạo cuộc đời cố nội bằng tiểu thuyết. Bỏ ra hơn 10 năm nghiên cứu tài liệu lịch sử, làm nhiều chuyến viếng thăm chốn quê cũ của giòng tộc, Padma Viswanathan đã hoàn thành quyển The Toss of a Lemon nhưng khi đưa quyển truyện cho bà nội đọc cô đã vừa thích thú vừa e ngại vì sợ bà nội buồn lòng vì những điều không đúng thực. Nhưng ngoài sự lo ngại của cô, bà nội nay trí nhớ đã phai nhòa, tỏ ra rất sung sướng thích thú khi đọc quyển truyện cháu viết.

Trước phần mở truyện, tác giả trình cho người đọc thấy bảng phổ hệ gia đình của Sivakami, nhân vật chính trong truyện. Nhìn cách trình bày này người đọc biết ngay đây là một tiểu thuyết về giòng họ (saga). Sivakami sinh năm 1886 và mất năm 1966.

Truyện bắt đầu vào năm 1896 ở xứ Tamil Nadu, khi đó Sivakami mới 10 tuổi, nghĩa là vào thời gian Ấn Độ đang chuyển mình với phong trào giành độc lập. Gia đình sống ở làng quê Samanthibakkam của xứ Tamil Nadu thuộc miền Nam ấn Độ. Trong một chuyến hành hương theo tục lệ truyền thông về tỉnh Cholapatti để đến gặp Hanumarathnam, một thầy pháp quen biết với người trong họ để được ban phép trừ khử bệnh tật. Hanu cũng còn là một chiêm tinh gia có tài.

Hanumarathnam là một thanh niên cường tráng lịch thiệp, có tài xem tướng số, tuy là người góa vợ nhưng anh chưa hề gặp người vợ anh cưới vì cô ta bị chết đuối trước khi kịp về ở với anh, và cha mẹ anh cũng khuất núi từ lâu. Khi xem lá số cho Sivakami anh ta nói cho cha cô biết số cô và số anh rất hạp nên xin cha Sivikami cho anh làm rể. Thế nhưng, anh cũng không dấu diếm khi cho mọi người biết chỉ khoảng 9, 10 năm sau ngày cưới anh sẽ từ trần, nhưng rất có thể nếu sinh con trai số mệnh có thể thay đổi.

Sau khi hội ý gia đình, cha Sivikami bằng lòng gả con gái cho Hanu vì anh là một người đàn ông tốt, có tài, vả lại vừa được thừa hưởng một mảnh đất khá lớn. Sau hôn lễ Sivikami vẫn ở nhà bố mẹ theo tục lệ thời bấy giờ, cách nhà chồng không xa, cho tới khi 13 tuổi và chồng đã 24 tuổi mới về ở với chồng.

Khi đã trổ mã thành một thiếu nữ, tác giả tả Sivikami như sau: “Hai vai cô ta hẹp nhưng có vẻ vững vàng như thể hai chả vai gắn chặt nhau để bảo vệ trái tim từ phía sau. Dáng đi của cô ta có một vẻ cứng cáp hấp dẫn: vai cô thẳng và luôn ngang bằng.” Đúng như lá số đã tiên đoán cuộc sống vợ chồng của Sivikami chỉ kéo dài được hơn 8 năm vì Hanu từ trần khi mới ngoài ba mươi.

Hai người có với nhau một người con gái đặt tên là Thangam – tên này có nghĩa màu vàng ròng - sinh năm 1900 và một trai tên là Varium – tên này được đặt cho thằng bé vì nó có cặp mắt như kim cương - sinh năm 1902. Sinh con gái đầu lòng là điềm báo chỉ 3 năm sau Hanu sẽ chết.

Tên quyển truyện, Ném Một Quả Chanh, tác giả dùng để nhắc lại một tục lệ thời đó: khi người sản phụ vừa sinh được một đứa con thì bà mụ sẽ ném một quả chanh qua cửa sổ để báo tin cho người chồng biết vì quả chanh có hình tượng giống như cái đầu đứa bé. Vì biết trước số mệnh mình như vậy nên Hanu chuẩn bị cho cuộc sống góa chồng của Sivikami rất cẩn thận, huấn luyện Muchami là một thanh niên làm công trung thành sẽ là người tin cẩn giúp đỡ vợ mình sau này.

Góa bụa khi mới 18 tuổi, một nách hai con còn thơ dại, khi hiểu rằng các ông anh không có ý định nuôi dưỡng Varium, Sivikami đã quyết định trở về nhà bố mẹ sống chứ không sống ở căn nhà của chồng, một điều khá nghịch thường đối với cổ tục Bà La Môn và quyết định này đã thay đổi hẳn cuộc đời hai người con.

Càng lớn càng lóng lánh đẹp, như tác giả tả một cách huyền ảo, Thangam bước đi tỏa bụi vàng, cô được rất nhiều chàng trai trong làng ngưỡng mộ, theo gót “hốt” bụi vàng cất giữ coi như vật linh thiêng quý giá. Nhưng theo lá số cha cô cho biết, sau này lập gia đình chồng cô cũng sẽ chết trẻ. Và khi lấy chồng Thangam sinh được 10 người con, con đầu lòng Saradha sinh năm 1915, con út sinh ra năm 1940 nhưng chết ngay mấy tháng sau.

Varium lấy vợ và vợ anh sinh đôi hai đứa con trai. Khi biết được cô con gái Thangam yếu đuối không cản ngăn được người chồng hư hỏng và cũng lại không chăm nom săn sóc các con tử tế khiến Varium nổi giận, bà ngoại Sivikami phải đem những đức cháu lớn về nuôi dạy.

Trong khi đó Varium được mẹ cho theo học đại học, có tinh thần xã hội cấp tiến nên phản kháng truyền thống giai cấp Bà La Môn và không tin khoa chiêm tinh đẩu số. Varium thấy mẹ mình nuôi dạy các cháu theo truyền thống giá trị cổ hủ tỏ ý phản đối, cho đó là việc làm sai lầm. Người trợ thủ Muchami tuy là một kẻ đồng tính nhưng luôn thân thiết giúp đở Sivikami, nay đã là một ông chủ khá giả, nhận Varium làm việc cho hãng của ông.

Chính Muchami giờ đây là cây cầu nối hòa giải sự xung khắc giữa Varium và Sivikami mẹ anh. Muchami có một đời sống nội tâm rất phong phú, vị tha, là một tính cách nổi bật trong truyện. Sivikami từ trần năm 1966, cả thảy có 11 cháu và 3 chắt.

Quyển truyện gần 600 trang với những biến cố cá nhân của các nhân vật chính và hàng chục nhân vật phụ được tác giả xoắn quyện vào những biến cố lịch sử của nước Ấn Độ một cách khá tự nhiên và hấp dẫn. Khi viết quyển Ném Một Quà Chanh Padma Viswanathan cho thấy ý hướng trình bày sự đối nghịch giữa truyền thống và hiện đại ở Ấn Độ qua những sự thay đổi làm chia rẽ người dân. Ngoài ra, nhân vật Sivikami, một góa phụ ngàn năm cô đơn, đã sống trọn vẹn với những thách đố và nghịch cảnh của số phận và thời đại mình một cách tuy rất nữ quyền nhưng đằm thắm.

Khi được hỏi những độc giả người Ấn với di sản ttruyền thống có phản ứng ra sao đối với quyển Ném Một quả Chanh, Padma Viswanathan cho biết đối với những độc giả trẻ theo Hồi giáo thấy các nhân vật trong truyện gần gũi hơn so với độc giả phương Tây, còn đối với những người trẻ tuổi Tamil theo Bà La Môn ở Bắc Mỹ, họ qua quyển sach này đã hiểu biết hơn về quá khứ nay đã mất hút, và người lớn tuổi thấy mọi thứ trong truyện rất gần gũi và bày tỏ lòng biết ơn tác giả.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG